Lịch sử hình thành, phát triển và đặc điểm của cây trà tại Thổ Nhĩ Kỳ
Trà là một trong những thức uống phổ biến và được ưa chuộng nhất trên thế giới. Không chỉ vậy, trà còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của nhiều dân tộc, trong đó có người Thổ Nhĩ Kỳ. Là quốc gia nằm giữa lục địa Á - Âu, cây trà xuất hiện từ rất sớm tại Thổ Nhĩ Kỳ. Theo nhiều tài liệu, trà đã xuất hiện ở Thổ Nhĩ Kỳ từ khoảng 400 năm trước Công Nguyên, nhưng lúc này nó vẫn chưa phổ biến nên không được nhiều người biết đến. Từ xưa, người dân ở đây thích uống cà phê được trồng chủ yếu ở vùng Yemen. Về sau, Yemen trở thành thuộc địa của Anh, dẫn đến sản lượng cà phê ít dần, giá thành trở nên đắt đỏ, nên người dân chuyển sang uống trà.
Ngày nay, phần lớn diện tích trà được trồng dọc theo bờ Biển Đen, ở phía Bắc của Thổ Nhĩ Kỳ bởi khí hậu ôn đới ở đây rất hợp để trồng trà, cho ra sản lượng cao. Lãnh thổ trồng chè trải dài bất tận về phía Đông, từ thành phố Rize dọc theo bờ biển đến tận ranh giới với Georgia.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, các chủng loại trà cực kì đa dạng. Người dân nơi đây kết hợp pha, trộn trà với những loại cây thảo dược khác để cho ra những hương vị mới mẻ, phong phú thêm nguồn trà, tránh cho trà “đơn điệu” thêm nhiều lựa chọn cho người uống trà hơn. Được ưa chuộng và sử dụng nhiều nhất phải kể đến những loại trà như trà đen, trà táo, trà chanh, trà lựu... và trà táo là món được yêu thích nhất của người bản xứ. Với thành phần từ táo tự nhiên nên cho ra màu sắc đẹp, hương vị cuốn hút dễ uống và phù hợp với mọi khẩu vị, mọi lứa tuổi từ người già đến trẻ con. Du khách đến đây du lịch thường lựa chọn trà táo để mua về làm quà bởi nó là loại đồ uống nổi tiếng và có mặt khắp nơi, mang đậm phong vị của người Thổ Nhĩ Kỳ.
Văn hóa uống trà độc đáo của người Thổ Nhĩ Kỳ
Theo thông tin từ Ủy ban Trà quốc tế, lượng trà tiêu thụ ở Thổ Nhĩ Kỳ xếp ở vị trí top đầu toàn cầu, sản lượng trà nơi đây đứng thứ 5 trên toàn thế giới.
Ước tính, mỗi năm, một người Thổ Nhĩ Kỳ uống khoảng 1.300 ly trà, tính ra là 3-4 ly mỗi ngày. Vào mùa đông, con số này sẽ còn tăng lên đến 10 ly mỗi ngày bởi không khí lạnh giá rất thích hợp để thưởng thức một ly trà nóng. Con số này đủ để thấy mức độ yêu thích trà của người dân Thổ. Họ đa số đều có thói quen uống trà ngay sau khi thức dậy mỗi ngày, đang ăn sáng cũng uống trà, buổi trưa, buổi chiều đến buổi tối cũng uống trà.
Không chỉ nổi tiếng với hương vị đặc biệt bởi sự hấp dẫn từ những nguyên liệu tự nhiên mà trà Thổ Nhĩ Kỳ còn nổi tiếng với cách pha chế vô cùng độc đáo. Không như cách pha trà phương Đông, trà của người Thổ được pha bằng ấm trà 2 tầng, một ấm nhỏ và một ấm lớn chồng lên nhau. Bên trong ấm trà nhỏ có lá trà và nước, còn ấm trà lớn thì chỉ có nước, cả hai ấm đều có thể để đồng thời lên bếp đun sôi cùng một lúc.
Trà Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ khác biệt trong cách pha chế mà khi thưởng thức trà, người dân sẽ uống cùng đường nhưng không phải cho đường trực tiếp vào trà. Khi dùng trà, người Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngậm viên đường trong miệng trước rồi mới nhâm nhi từng ngụm trà. Khi đó vị ngọt của đường tan đã thấm sâu vào đầu lưỡi quyện với nước trà thanh thoát tạo nên một vị trà hấp dẫn, tuyệt diệu vô cùng.
Ngoài dùng trà với đường, người Thổ Nhĩ Kỳ có khẩu vị ưa ngọt nên họ sáng tạo ra rất nhiều vị kẹo dẻo với nhiều cách chế biến, màu sắc đa dạng bắt mắt và vô vàn loại nhân: Đậu phộng, hạt dẻ, hạnh nhân… Turkish Delight là loại kẹo quốc dân, mềm mại như thạch dẻo, khi ăn cảm nhận hương thơm tinh tế của hoa hồng, chanh, bạc hà… được nhiều người ưa chuộng.
Uống trà là một thói quen khó từ bỏ của tất cả người dân Thổ Nhĩ Kỳ bất kể từ người già tới giới trẻ. Đi trên đường lớn hay những con phố nhỏ, có thể dễ dàng bắt gặp cảnh các cụ tay cầm ly trà nhâm nhi, tay vẫn chuyên tâm đánh cờ hay chỉ đơn giản là những người bạn ngồi trò chuyện hàn huyên với nhau những câu chuyện trong cuộc sống hàng ngày.
Minh Huyền