Tác động của dịch COVID-19 sau 2 năm qua đã thúc đẩy nhanh sự tăng trưởng thương mại điện tử và xu hướng mua sắm đa kênh có sự tăng trưởng vượt bậc, nhiều nhất trong nhóm người tiêu dùng phục hồi sau dịch. Theo báo cáo toàn cảnh kinh doanh sàn thương mại điện tử (TMĐT) nửa đầu năm 2022 của Công ty nghiên cứu dữ liệu Metric, Việt Nam đang trở thành thị trường thương mại điện tử lớn thứ 2 tại khu vực Đông Nam Á, chỉ xếp sau Indonesia.
Tuy nhiên, mỗi năm, các sàn thương mại điện tử phát hiện hàng nghìn thương hiệu vi phạm sở hữu trí tuệ hoặc kém chất lượng và thực hiện ngăn chặn, gỡ bỏ ra khỏi sàn. Dù vậy, đến nay tình trạng này vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để và đã làm giảm độ tin cậy đối với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các hình thức gian lận trong thương mại truyền thống diễn ra trên sàn thương mại điện tử với nhiều thủ đoạn mới, tinh vi.
Với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với diễn biến phức tạp của các hành vi vi phạm sử dụng các phương tiện công nghệ trên không gian mạng, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đã ban hành Kế hoạch chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT để triển khai trên cả nước.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch này, lực lượng chức năng nhận thấy, hoạt động kinh doanh TMĐT rất phức tạp, khó xác định đối tượng vi phạm do các đối tượng này thường dùng công nghệ để xóa dấu vết, "ẩn danh". Tuy nhiên, sau một thời gian "tổng lực" triển khai, kết quả thu được cũng khá tích cực.
Thống kê cho thấy, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) đã phối hợp cung cấp thông tin cho Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Quản lý thị trường Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, công an các địa phương (TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Bình, Đắk Nông, Hải Phòng, Phú Thọ, Lạng Sơn) trên 300 trường hợp có dấu hiệu vi phạm liên quan tới hoạt động các trang mạng, ứng dụng TMĐT. Đồng thời, kiến nghị các sàn TMĐT gỡ bỏ trên 14.000 sản phẩm và trên 4.300 gian hàng vi phạm.
Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tích cực như tuyên truyền hỗ trợ, hướng dẫn, vận động người nộp thuế khai và tự nộp thuế; đẩy mạnh công tác truy thu, xử phạt qua thanh tra - kiểm tra đối với các hoạt động kinh doanh trên các trang mạng xã hội nước ngoài (như Google, Facebook, Youtube, Apple); tăng cường quản lý thuế đối với các tập đoàn, công ty công nghệ lớn trên thế giới và các trang điện tử hoạt động TMĐT xuyên biên giới có thu nhập tại Việt Nam. Thống kê năm 2021, số thu ngân sách từ hoạt động này lên tới hơn 1 nghìn tỷ đồng.
Qua phát hiện nhiều vụ việc tinh vi, số lượng cũng như giá trị hàng hóa lớn, Ban Chỉ đạo 389 quốc gia xác định công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động kinh doanh TMĐT là hết sức quan trọng. Để công tác này có sự chuyển biến căn bản, việc phát huy sức mạnh tổng hợp của cả xã hội và cả hệ thống chính trị, trong đó người dân và các doanh nghiệp có vai trò quyết định.
Khó khăn còn nhiều, bởi đa số các gian hàng trên mạng là gian hàng ảo, số điện thoại không rõ ràng, dịch vụ bưu chính vẫn chưa có chế tài chặt chẽ. Trong khi đó TMĐT là xu hướng phát triển tất yếu, ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn thế giới, không thể đi ngược. Bởi vậy, việc hoàn thiện các quy định về thủ tục kiểm tra, chính sách mặt hàng, chính sách thuế là cần thiết để tăng cường hoạt động quản lý nhà nước đối với lĩnh vực TMĐT trong thời gian tới.
Cùng với đó, để đảm bảo hiệu quả trong công tác thu thập thông tin, tài liệu và phối hợp điều tra xử lý, các lực lượng trong Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh cần có sự phối hợp chặt chẽ, xây dựng kế hoạch cụ thể chi tiết, phân công rõ vai trò trách nhiệm của từng lực lượng tham gia công tác điều tra xử lý. Đặc biệt, công tác tập huấn, hướng dẫn cho các lực lượng để nhận diện các hành vi vi phạm là rất cần thiết.
Tới đây, Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia sẽ tiếp tục tập huấn, hướng dẫn cho các tỉnh, đồng thời là đầu mối để tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc và sẽ có những hỗ trợ, giải đáp cho các địa phương trong việc thực hiện chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong hoạt động TMĐT.
Để quản lý chặt hoạt động kinh doanh TMĐT, lực lượng chức năng sẽ tiếp tục rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động cấp phép, thanh tra, kiểm tra, xử lý về lĩnh vực TMĐT. Qua đó, kịp thời phát hiện những bất cập, sơ hở, chồng chéo để thống nhất kiến nghị, đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực TMĐT.
Bảo An (t/h)