Trong năm 2021, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) tiếp tục đưa ra chủ trương các ngân hàng không chi trả cổ tức tiền mặt. Do đó, phương thức chi trả cổ tức năm nay của các nhà băng hầu hết bằng phát hành thêm cổ phiếu, đồng nghĩa với việc tăng vốn điều lệ của ngân hàng.
Trong năm nay, duy nhất hai "ông lớn" là VietinBank và Vietcombank có kế hoạch chia cổ tức bằng tiền mặt.
Cụ thể, tại VietinBank, ngân hàng sẽ phát hành hơn 1 tỷ cổ phiếu để trả cổ tức, tỷ lệ 28,7899%, nguồn vốn từ toàn bộ lợi nhuận sau thuế và trích quỹ theo quy định của năm 2017 - 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2019
Sau tăng vốn, ngân hàng có hai phương án chia cổ tức năm 2020. Phương án thứ nhất là tại thời điểm chia cổ tức, VietinBank chưa hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận sau thuế, trích các quỹ năm 2017, 2018 và phần lợi nhuận còn lại sau thuế, trích quỹ và chia cổ tức tiền mặt của năm 2019. Theo đó, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% và chia cổ tức 17,7% bằng cổ phiếu.
Phương án hai là sau thời điểm VietinBank đã hoàn thành tăng vốn từ chia cổ tức bằng cổ phiếu từ lợi nhuận các năm trước. Trong trường hợp này, VietinBank sẽ chia cổ tức tiền mặt 5% và cổ tức bằng cổ phiếu là 12,6%.
Tại Vietcombank, ngân hàng kế hoạch trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận giữ lại những năm qua với tỷ lệ lên tới 27,6%, sau khi thực hiện phương án trả cổ tức 8% cổ tức bằng tiền mặt.
Còn theo kế hoạch của "ông lớn" BIDV, ngân hàng dự kiến phát hành hơn 207 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019 (tỷ lệ 5,2%), phát hành hơn 281 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2020 (tỷ lệ 7%).
Tại nhóm ngân hàng tư nhân, MB là nhà băng có tỷ lệ chia cổ tức cao nhất lên tới 35% bằng cổ phiếu, qua đó tăng vốn từ 27.987 tỷ đồng lên 37.782 tỷ đồng.
Tại ĐHĐCĐ vừa qua, lãnh đạo MB cho biết bên chia cổ tức bằng cổ phiếu trong năm nay sẽ giúp ngân hàng có khả năng phát triển nhanh hơn, tăng cường nguồn lực, cải thiện năng lực tài chính.
MSB là nhà băng có mức chi trả cổ tức cao thứ hai với con số 30% bằng cổ phiếu. Về thời gian tiến hành chia cổ tức, tại ĐHĐCĐ năm nay, Tổng Giám đốc Nguyễn Hoàng Linh cho biết thời gian chia sẽ rơi vào 30/5 - 1/6., sau khi chia cổ phiếu ESOP cho nhân viên.
Bên cạnh đó, các ngân hàng đã công bố kế hoạch chia cổ tức trong năm 2021 gồm OCB, HDBank, ACB (tỷ lệ 25%); SHB (tỷ lệ 10% cổ tức năm 2019, tỷ lệ 10,5% cổ tức năm 2020); Kienlongbank (13%%)...
Ngoài ra, dù tiếp tục không chia cổ tức trong năm nay, nhưng VIB sẽ chia cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ tới 40%. Trong năm 2020, ngân hàng đã tăng tổng vốn điều lệ lên gần 11.094 tỷ đồng thông qua hình thức chia cổ phiếu thưởng với tỷ lệ 20%.
Kế hoạch chia cổ tức của các ngân hàng trong năm 2021. (Ảnh: Lê Huy tổng hợp).
Những ngân hàng không chia cổ tức
Mặt khác, nhiều ngân hàng đã công bố kế hoạch phân phối lợi nhuận và không chia cổ tức với những cái tên như TPBank, Techcombank, VPBank, Sacombank...
Có nhiều nguyên nhân để các ngân hàng đưa ra quyết đinh trên nhưng có thể chỉ ra một số lý do chính như giữ lợi nhuận để phát triển kinh doanh, theo lộ trình được đề ra tại đề án tái cơ cấu, làm nguồn xử lý nợ xấu...
Như trong trường hợp của TPBank, ngân hàng đã quyết định giữ lại gần 2.979 tỷ đồng lợi nhuận chưa phân phối để mở rộng hoạt động kinh doanh trong năm nay thay vì chia cổ tức.
Tại ĐHĐCĐ, Chủ tịch Đỗ Minh Phú cho biết TPBank lựa chọn không chia cổ tức do năm nay ngân hàng còn có những hạng mục cần thiết để đầu tư, tăng trưởng kinh doanh.
"Tính đến năm 2020, ngân hàng còn khoảng 6.022 tỷ đồng lời nhuận để lại. Với con số này, bất cứ thời điểm nào, chúng ta có thẻ chuyển số tiền này thành cổ phiếu thường cho các cổ đông. Còn trong năm 2021 chúng tôi chưa đưa kế hoạch chia cổ tức không có nghĩa là chúng tôi không chia, mà nó đặt ra vấn đề là chia bao nhiêu vì năm nay có khá nhiều việc chúng ta phải làm như đầu tư ngân hàng số, mua công ty tài chính", Chủ tịch TPBank cho hay.
Tình trạng này cũng xảy ra tương tự với VPBank năm nay khi đại hội cổ đông đã thống nhất việc để lại toàn bộ lợi nhuận 8.852 tỷ đồng phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đối với Techcombank, đây là năm thứ 10 liên tiếp không thực hiện chia cổ tức cho cổ đông. Lý giải về điều này, tại ĐHĐCĐ năm nay, Chủ tịch Hồ Hùng Anh cho rằng tăng vốn điều lệ chỉ là một phần trong hoạt động chiến lược của ngân hàng, thực tế thì tăng vốn chủ sở hữu mới là vấn đề quan trọng.
Hiện nay một số ngân hàng áp dụng chia cổ phiếu thưởng, cổ tức bằng cổ phiếu nhưng khi chia cổ phiếu thì cổ đông phải đóng 5% thuế còn bán trực tiếp thì sẽ không chịu chi phí đó.
"Vấn đề của chúng ta là làm thế nào để cho giá trị cổ phiếu tăng lên. Mức giá trên 100.000 đồng/cp là mức giá bình thường đối với cổ phiếu ngân hàng hiện nay", ông nhấn mạnh.
Hay tại Sacombank, từ năm 2015, cổ đông ngân hàng đã không được hưởng cổ tức bởi theo đề án tái cơ cấu đến năm 2025, ngân hàng chỉ được thực hiện chi cổ tức sau khi được NHNN chấp thuận.
Tuy nhiên, một tin vui đối với các cổ đông Sacombank đó là ngân hàng đã lên kế hoạch chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ cũng như đáp ứng kỳ vọng của cổ đông và đang chờ sự phê duyệt của NHNN
"HĐQT hứa cố gắng 5 năm tái cơ cấu thành công, hy vọng 2022, trở về trạng thái bình thường sẽ được quyền xin NHNN chia cổ tức. Dự kiến đến 2022 hoặc đầu 2023 có thể chia cổ tức", Chủ tịch Dương Công Minh phát biểu tại ĐHĐCĐ năm nay.
Lê Huy
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết