Ngành chè Việt Nam - Cơ hội & vị thế

TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam đã có những chia sẻ trước thềm năm mới Nhâm Dần 2022 về các vấn đề liên quan đến ngành chè.

TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Ảnh - Sơn Thủy)
TS. Nguyễn Hữu Tài - Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam (thứ 2 từ phải sang) cùng đoàn đại biểu thăm mô hình sản xuất chè tại xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên (Ảnh - Sơn Thủy)

Phóng viên: Việt Nam là nước có điều kiện tự nhiên thích hợp cho cây chè phát triển, xin ông cho biết chúng ta cần làm gì để phát huy được điểm mạnh này?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Điều kiện tự nhiên là một lợi thế so sánh của ngành chè nước ta, tức là không phải nước nào, vùng nào cũng có thể trồng được chè tốt như ở Việt Nam. Để phát huy thế mạnh này thì phải biết khai thác nhu cầu của các tầng lớp dân cư trong xã hội, tạo ra các sản phẩm từ cây chè đáp ứng tốt nhất các nhu cầu đó, tức là nắm bắt được xu hướng tiêu dùng chè của họ để tổ chức sản xuất ra các sản phẩm có giá thành hợp lý (chi phí hợp lý) và đạt được chất lượng tối ưu. 

Trên thế giới không phải nước nào cũng trồng, cũng sản xuất được chè, chè chỉ được trồng tập trung ở một số nước châu Á và một số nước châu Phi. Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ chè trên thế giới rất cao, để phát huy được tiềm năng của mình thì trước hết nhà nước cần hoàn thiện quy hoạch các vùng có điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội phù hợp nhất cho cây chè phát triển. Nghĩa là không phải cứ thấy đất trồng được chè là tổ chức trồng chè, mà chỉ nên dựa vào nhu cầu của thị trường trong tương lai với các phương án sản phẩm thích ứng, lựa chọn vùng phù hợp nhất căn cứ vào các yếu tố: Độ phì nhiêu của đất đai, độ pH, nguồn nước, khí hậu; giao thông, điện, nước; nguồn nhân lực... để quy hoạch trồng các giống chè cụ thể gắn với việc bố trí các cơ sở chế biến với công nghệ thích ứng.

Trước đây người Pháp cũng đã từng nghiên cứu về chè từ cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất, đã phát hiện ra các vùng chè có lợi thế để họ quy hoạch trồng chè và xây dựng các cơ sở chế biến.     

Việt Nam trước đây đã từng được Liên Xô cũ và Trung Quốc giúp đỡ xây dựng các nhà máy và nông trường chè, đấy là Việt Nam đã biết khai thác lợi thế so sánh ngay sau khi hòa bình được lập lại ở miền Bắc.

Ngày nay, nhiều người quan niệm rằng hãy sản xuất những cái gì mà thị trường đang cần chứ không phải sản xuất cái chúng ta đang có, theo tôi nó cũng không hẳn như thế. Bởi lẽ có khi những cái thị trường đang cần nhưng đã sắp bão hòa rồi, họ sản xuất và tổ chức thị trường với trình độ rất cao và mình không thể theo kịp. Cho nên, cũng có thể sản xuất ra sản phẩm trên thị trường chưa có và tạo ra thói quen tập quán cho người tiêu dùng. Chẳng hạn như trước đây, Việt Nam mình không ai uống bia cả, nhưng sau đó dần dần quen thành nghiện, giờ Việt Nam lại trở thành quốc gia tiêu thụ bia lớn nhất thế giới.

Xu hướng ngành chè sẽ sản xuất và cung ứng ra thị trường các mặt hàng không chỉ thỏa mãn nhu cầu về vật chất mà cả về tinh thần của người tiêu dùng, đón đầu xu thế tiêu dùng, nghiên cứu sản xuất những mặt hàng mới, thay thế nhập khẩu mà thế giới đã giúp chúng ta tiếp thị, giới thiệu với khách hàng, hy vọng cơ hội để tiếp cận với nhu cầu mới của đại đa số người tiêu dùng sẽ lớn hơn bởi chi phí sản xuất trong nước sẽ thấp hơn.

Phóng viên: Có ý kiến cho rằng, xét về tổng thể thì số lượng, chất lượng và giá trị các sản phẩm chè của nước ta chưa thật sự tương xứng với tiềm năng. Là một chuyên gia về ngành chè đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội, ông nghĩ sao về ý kiến trên?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Quả là như vậy! Về số lượng cơ bản thì chúng ta đáp ứng được, hiện nay Việt Nam có khoảng 130.000 ha chè, năng suất hơn 8 tấn chè tươi/ha, tức đạt gần 2 tấn chè khô/ha là mức năng suất cao trên thế giới. Tuy nhiên năng suất và chất lượng không đồng đều, có những vùng năng suất rất cao nhưng có những vùng năng suất rất thấp.

Những vùng tập trung chuyên canh lớn nguyên là các nông trường quốc doanh đã chuyển đổi hình thức sở hữu (Cổ phần, liên doanh, tư nhân...) thì năng suất chè bình quân đạt là 15 - 20 tấn, có nơi đạt hơn 25 tấn/ha. Nhưng những vùng của nông dân thì được 5 - 6 tấn, bởi vì đầu tư thâm canh của nông dân rất là thấp, quy mô nhỏ lẻ, manh mún chủ yếu là quảng canh, vì vậy kéo năng suất bình quân của chè Việt Nam xuống. Nhưng so với thế giới thì năng suất chè của ta vẫn ở mức cao, với sản lượng sản xuất và xuất khẩu thì nước ta không phải thấp, đã đạt thứ 5 trên thế giới sau Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanka và Kê Nya.

Tuy nhiên, về chất lượng của sản phẩm chè chưa được tốt. Chất lượng có hai mặt: một mặt là về nội chất, mặt thứ hai là ngoại hình.

Thứ nhất, về nội chất: Mình chưa bón được các loại phân bón phù hợp để cây chè cho ra các sản phẩm mà mình mong muốn. Chè Việt Nam cơ bản do nông dân đảm nhiệm, kể cả trong các vùng chè tập trung chuyên canh của các doanh nghiệp lớn bởi trước đó chúng ta đã thực hiện việc giao khoán cho các hộ gia đình theo Quyết định 01/Cp và Quyết định số 135 QĐ- Ttg của Chính phủ, sau khi doanh nghiệp đã chuyển đổi hình thức sở hữu thì Chính phủ cũng không có văn bản quy định khác, mặc dù không còn là phạm vi điều chỉnh nhưng các doanh nghiệp phải thừa kế cái hình thức tổ chức quản lý không còn thích hợp nữa, nó đã hạn chế việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là cơ giới hóa vào quá trình canh tác và thu hoạch nhằm tăng năng suất lao động và chất lượng chè. Người nông dân trồng chè chủ yếu vẫn canh tác theo truyền thống, vẫn bón phân nhằm thu được sản lượng lớn chứ chưa phải bón phân lấy chất lượng chè cao. Bón phân lấy chất lượng tức là mình bón phải phân tích các thành phần hóa học mà trong đất có thể đáp ứng cho cây chè, thiếu thì mình bón không thiếu thì mình không bón. Hoặc là mình phải khử bớt các chất không cần thiết, điều này Việt Nam mình chưa làm được, chưa đáp ứng được. Thành thử chất lượng về mặt nội chất chưa đáp ứng được nhu cầu.

Thứ hai, về mặt ngoại hình: Các sản phẩm chè của nước ta chủ yếu hái bằng máy chứ không còn hái bằng tay như trước đây bởi lợi thế về năng suất lao động của hái máy. Hái bằng máy không lựa chọn được búp non hay già, hay cành, hầu hết là cắt cả các cành dài, dẫn đến chất lượng chè thấp hơn các búp non được hái bằng tay như các nước (trừ Nhật Bản tạo được vườn chè phục vụ hái bằng máy và  lại có công nghệ chế biến thích ứng). Đây là nguyên do chính dẫn đến việc sản lượng lớn nhưng mà chất lượng thấp. Trước đây hái bằng tay thì mặt hàng cấp cao của chè Việt Nam đạt khoảng 60 -70%, cấp thấp 30 - 40% nhưng bây giờ các mặt hàng cấp cao chỉ đạt 30 - 40%, cấp thấp đạt 60 - 70%.

Một trong những nguyên nhân nữa là do trình độ thâm canh của mình thấp; việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào thực tiễn khó khăn bởi quy mô các hộ gia đình nhỏ lẻ manh mún; điều kiện kinh tế eo hẹp không tập trung được lực lượng, do đó người nông dân sản xuất chỉ đủ tiêu dùng sinh hoạt chứ chưa tái đầu tư. Manh mún thì không thể tập trung được nguồn lực, từ đó kéo theo không thể tổ chức cơ giới hóa, điện khí hóa, hóa học hóa, thủy lợi hóa và những đòi hỏi của quá trình sản xuất lớn và nhất là  năng suất lao động thấp, năng suất cây chè có thể rất là cao, nhưng mà năng suất lao động thấp thì thu nhập của người dân vẫn rất thấp. Năng suất lao động chính là yếu tố quyết định thu nhập, năng suất cây trồng chỉ là phương tiện mà thôi. Năng suất lao động của nước ta hiện nay đang là loại hầu như thấp nhất thế giới chứ không riêng gì ngành chè. Năng suất lao động thấp kéo theo hệ lụy là người dân không có tích lũy, từ đó không thể tái đầu tư dẫn đến hàng sản xuất ra phải quay vòng vốn, làm vội bán vội, không có tích lũy để phát triển bền vững.

Trong lĩnh vực tiêu thụ, mặc dù chúng ta có những loại chè tốt nhất nhưng chưa thể bán giá cao bởi chúng ta chưa xây dựng được chuỗi phân phối trên thị trường thế giới, chưa xây dựng được thương hiệu quốc gia cũng như thương hiệu của các doanh nghiệp lớn. Nước ta chủ yếu là xuất khẩu thô cho các nước, giá trị gia tăng thấp bởi vì đây là bán nguyên liệu là tư liệu sản xuất, còn các nước bán hàng dưới dạng tư liệu tiêu dùng gắn với thương hiệu nổi tiếng. Không chỉ riêng chè mà tất cả mặt hàng khác thì Việt Nam đều chủ yếu xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu. Tuy nhiên, trong những năm gần đây các doanh nghiệp chè đang tiến tới tổ chức sản xuất ra hàng tiêu dùng (Chè gói, chè túi lọc, bột chè, chè đóng chai) và sắp tới sẽ có các dự án nghiên cứu chiết xuất ra các hợp chất hữu cơ trong chè có thể làm dược phẩm, mỹ phẩm… góp phần tăng nhanh giá trị gia tăng của chè.

Phóng viên: Đâu là lý do chè Việt chưa có chỗ đứng ở thị trường khó tính, thưa ông?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Trước hết ở các thị trường khó tính cần có người đi đầu, người xung phong đột nhập nào thị trường đó trên cơ sở có được sản phẩm đủ các điều kiện thỏa mãn nhu cầu của hàng rào kỹ thuật. Xuất khẩu chè và một số nông sản có giá trị kinh tế chưa cao nên chưa có doanh nhân nào thực sự đầu tư công sức để khai thác các thị trường khó tính nhằm đưa được sản phẩm chè vào. Nếu có người đi đầu, tiếp thị tốt, quảng cáo tốt, đầu tư công ty tại chính ở nước đó thì câu chuyện xây dựng thương hiệu sẽ có hiệu quả hơn. Bởi lẽ, cái khó nhất ở thị trường khó tính là mức độ an toàn thực phẩm cao, đòi hỏi phải có các chứng chỉ quốc tế công nhận, mà để có được chứng chỉ thì nông dân sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không thể làm được mà việc liên kết hợp tác với nhau trên từng địa bàn đang là chủ trương của Đảng và Chính phủ với các chính sách chưa đủ mạnh để thu hút được nông dân. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã có được nhiều sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn của các thị trường khó tính nhất ví dụ như chè Shan tuyết cổ thụ, chè hữu cơ, chè an toàn... nhưng chủ yếu từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình nhỏ, chưa tập trung được thành doanh nghiệp lớn để xâm nhập được nhiều vào thị trường khó tính.

Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển nhanh như vũ bão thì các tổ chức, cá nhân tạo ra được sản phẩm có chất lượng và mức độ an toàn cao sẽ có khách hàng tìm đến. Điều mà ngành chè Việt Nam chờ đợi ở thời gian tới là cơ hội và thời gian: Cơ hội cho những người đi đầu, đi tiên phong; thời gian cho những sản phẩm chè khẳng định được chất lượng.

Phóng viên: Đại dịch tác động rất lớn đến toàn bộ ngành nghề và ngành chè không phải là ngoại lệ, vậy theo ông, hiện tại đâu là thách thức lớn nhất của ngành chè nước ta?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Thách thức lớn nhất của ngành chè trong thời điểm này là vấn đề vận tải biển. Do ảnh hưởng của đại dịch nên khi quay trở lại hoạt động vận tải thì hầu hết các hãng nâng giá rất cao và thậm chí rất khó khăn trong việc thuê vỏ container, các doanh nghiệp chè buộc phải gánh kinh phí rất lớn. Nếu không xuất khẩu thì sản phẩm chè tồn kho và hậu quả thiệt hại nặng nề hơn cho doanh nghiệp và toàn ngành. Các doanh nghiệp đành phải bù chi phí hao mòn máy móc, nhà xưởng và thiết bị vào cước vận tải. Nghĩa là các doanh nghiệp thậm chí phải chấp nhận lỗ (không có tiền trích  khấu hao cơ bản).

Một điều nữa từ ảnh hưởng của đại dịch là vấn đề cách ly, nhất là thời điểm chính vụ thu hái (tháng 6,7,8) nguồn lao động thời vụ vướng mắc trong vấn đề cách ly y tế. Để đảm bảo công tác phòng chống dịch những người địa phương khác đến phải cách ly y tế 14 ngày và đã qua mất vụ thu hái. Từ đó dẫn đến tình trạng không có lao động, đây cũng là khó khăn của các vùng chuyên canh chè lớn.

Phóng viên: Thưa ông, để vượt qua các khó khăn do đại dịch, các doanh nghiệp ngành chè cần phải thực hiện những giải pháp gì?

TS. Nguyễn Hữu Tài: Ngành chè cũng như các ngành khác bắt buộc phải thích nghi và sống chung với dịch bệnh. Và từ đó phải có cách sản xuất thích ứng với phòng, trừ dịch bệnh. Trong đó, các doanh nghiệp buộc phải tái cơ cấu lại sản xuất, tổ chức quản lý, ứng dụng khoa học công nghệ để tăng năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm; ứng dụng cơ giới hóa và tự động hóa để giảm thiểu việc tập trung nhiều lao động. Từng bước thu hẹp các sản phẩm chất lượng thấp, bán giá thấp; tăng sản phẩm chất lượng và giá cao để giảm tỷ lệ chi phí vận tải/đơn vị kim ngạch xuất khẩu bởi cước vận tải tính theo thể tích chè được vận chuyển trong container cho nên chè chất lượng cao xuất khẩu sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.

Phóng viên: Xin cảm ơn Ông về cuộc trao đổi!

Hương Trà