Khó khăn của ngành đồ uống trong đại dịch
Ngành sản xuất, kinh doanh đồ uống là ngành kinh tế - kỹ thuật đã và đang đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam. Đồ uống nói chung và đồ uống có cồn nói riêng được sử dụng ngày càng rộng rãi hơn, đặc biệt trong điều kiện thu nhập và đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Thưởng thức đồ uống kết hợp với với ẩm thực phong phú cũng là nhu cầu của khách du lịch nước ngoài khi tới Việt Nam. Ngành đồ uống đảm bảo sự ổn định của thị trường, thúc đẩy các ngành hàng du lịch, dịch vụ, thương mại phát triển, đóng góp đáng kể vào ngân sách Nhà nước, ước tính khoảng 60 ngàn tỉ đồng/năm, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng triệu lao động trong chuỗi sản xuất, kinh doanh bao gồm cung ứng nguyên liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, bao bì, đóng gói, vận chuyển, bảo quản, phân phối, dịch vụ tiêu thụ trực tiếp.
Nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách là quan trọng trong giai đoạn hiện nay
Sau một thời gian dài chịu tác động của các biện pháp giãn cách xã hội từ đại dịch Covid 19 và chịu thêm tác động từ các chính sách quản lý chuyên ngành, đặc thù bao gồm Luật số 44/2019/QH14 về Phòng, chống tác hại của rượu, bia với các hạn chế toàn diện về quảng cáo, khuyến mại, sản xuất, kinh doanh, và Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt với chế tài rất nặng áp dụng khi điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành đồ uống bị thiệt hại nặng nề, thị trường tiêu thụ giảm 20%-30%, doanh thu toàn ngành đồ uống giảm tới 16% so với năm 2019. Thêm vào đó, gần đây, cuộc xung đột Nga - Ukraina đã và đang gây khủng hoảng trong chuỗi cung ứng toàn cầu đã làm trầm trọng hơn nữa những khó khăn của ngành đồ uống khiến giá nhiên liệu tăng mạnh, giá nguyên liệu tăng phi mã.
Ngoài ra, hiện nay trên thị trường có khoảng trên 70% rượu do dân tự nấu, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan quản lý Nhà nước, gây ảnh hưởng tới sức khỏe của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp, và đặc biệt là gây thất thu ngân sách Nhà nước. Một số thống kê cho thấy, nguyên nhân của các vụ ngộ độc dẫn đến tử vong hoặc ảnh hưởng đến khả năng lao động là do sử dụng các sản phẩm rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có chứa cồn công nghiệp methanol...
Theo một báo cáo của Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố năm 2020, tổn thất về thuế đối với riêng rượu thủ công gây ra vào khoảng 751,582 triệu USD, chiếm 29% tổng tổn thất về thuế từ khu vực phi chính thức (rượu thủ công, rượu nhập lậu, rượu giả...)
Với những khó khăn chồng chất, ngay cả những doanh nghiệp có tiềm lực cũng sẽ mất rất nhiều năm để có thể phục hồi và quay trở lại đà phát triển như trước đại dịch. Trong năm nay và những năm tới khi đại dịch Covid qua đi, những tác động tiêu cực của nó vẫn còn ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong bối cảnh nguy cơ lạm phát toàn cầu tăng cao, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm giảm sút rõ rệt, ảnh hưởng tới tất cả các ngành sản xuất kinh doanh, du lịch, dịch vụ...
Theo PGS.TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch VBA, với mong muốn được các cơ quan Nhà nước thấu hiểu và hỗ trợ giúp các doanh nghiệp trong ngành đồ uống vượt qua khó khăn để có thể phục hồi và tiếp tục góp phần vào mục tiêu tăng trưởng chung của nền kinh tế, Hiệp hội mong muốn các cơ quan Nhà nước lưu tâm tới các khía cạnh sau:
Sau khi trạng thái bình thường mới, sản lượng sản xuất và tiêu thụ vẫn chưa thể phục hồi như trước do chi phí nguyên liệu đầu vào tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng và thiếu nguồn nguyên liệu sản xuất... khiến nhiều doanh nghiệp đang trong giai đoạn vô cùng khó khăn.
Tại phiên họp chuyên đề tháng 11/2021, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với lộ trình mở cửa từng bước nền kinh tế theo phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Mục tiêu đặt ra là thúc đẩy phục hồi, tăng trưởng kinh tế, tạo ra động lực mới cho phát triển kinh tế- xã hội, nhưng phải đảm bảo nền kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát ở mức thấp và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Dự báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho thấy, trong năm 2022, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, những diễn biến khó lường về biến chủng mới, các biện pháp chống dịch từ nước có biên giới với Việt Nam như Trung Quốc, Campuchia, Lào, nguy cơ lạm phát toàn cầu, xung đột kéo dài Nga-Ucraina v.v. Do đó, muốn kinh tế tăng trưởng 6-6.5% như mục tiêu Quốc hội đề ra cần phải có thêm gói hỗ trợ để giúp doanh nghiệp phục hội sản xuất, kinh doanh, tập trung chủ yếu vào chính sách tài khóa, hoàn phí, hoàn thuế đang và sẽ được triển khai trong thời gian tới.
Thực tế việc đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp là mục tiêu xuyên suốt của Chính phủ, bộ ngành, địa phương. Với các chính sách thuế, việc duy trì chính sách hiện hữu trong 2-3 năm tới là một trong những giải pháp bền vững được các chuyên gia kinh tế ủng hộ vì giúp Chính phủ nuôi dưỡng nguồn thu trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Điều này cũng phù hợp với Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022 phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, bảo đảm duy trì tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước từ thuế, phí ở mức ổn định, hợp lý và phù hợp với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từng giai đoạn 5 năm 2021 - 2025 và 2026 - 2030, trong giai đoạn đầu tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân khắc phục khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh COVID-19.
Ổn định chính sách thuế để phục hồi phát triển kinh tế
Ngay khi tình hình dịch bệnh có dấu hiệu được kiểm soát tốt, Việt Nam thận trọng, mở cửa từng bước để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phục hồi. Bức tranh kinh tế nhiều gam sáng lạc quan. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tiếp nối đà phát triển của quý I, tình hình kinh tế tháng 4 tiếp tục khởi sắc trên hầu hết các lĩnh vực, thậm chí, nhiều lĩnh vực còn đạt kết quả tối ưu, tốt hơn cả những năm trước đại dịch, trong đó nổi bật là lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đây là một tín hiệu vô cùng đáng mừng và hy vọng, điều này sẽ tạo động lực cho sự khôi phục trong năm nay và những năm tới.
Tuy nhiên, Hiệp hội VBA quan ngại hiện nay có kiến nghị đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với một số sản phẩm như đồ uống có cồn, thuốc lá... và cho rằng đây là thời điểm phù hợp và chính muồi để thực hiện, vừa đảm bảo sức khỏe người dân, vừa tăng thu ngân sách, giảm các thiệt hại khác và hệ lụy về mặt xã hội.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, những đề xuất làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp trong vài ba năm tới như đề xuất tăng thuế TTĐB đối với một số mặt hàng trong đó có đồ uống có cồn cần cân nhắc kỹ lưỡng, đánh giá toàn diện tác động kinh tế-xã hội, xem xét tính phù hợp, công bằng và hiệu quả cũng như lưu tâm tất cả các hệ lụy ngoài mong muốn, các đối tượng dễ bị tổn thương như (công ăn việc làm, công nhân, nông dân) trước khi đưa ra quyết định, ngoài ra, thời điểm thực hiện cũng vô cùng quan trọng để doanh nghiệp có thời gian phục hồi sau đại dịch.
Để ngành đồ uống Việt Nam phục hồi và phát triển trong điều kiện bình thường mới, Hiệp Hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng quan tâm, xem xét để ban hành những chính sách tài chính phù hợp nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ngành đồ uống có thể phục hồi sau một thời gian dài ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.
Trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tích cực tham gia vào các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, những thay đổi về chính sách thuế có thể cản trở những nỗ lực này và gây ra những tác động không mong muốn đối với sự phát triển của Việt Nam. Vì vậy, cần cân nhắc kỹ lưỡng những chính sách làm tăng gánh nặng cho doanh nghiệp, ít nhất trong vài ba năm tới.
Doanh nghiệp cần chính sách thuế ổn định, có thể dự đoán trước để phát triển. Gánh nặng thuế, phí cũng sẽ làm giảm sức hấp dẫn và tính cạnh tranh của môi trường đầu tư tại Việt Nam.
Trước khi đề xuất các chính sách mới, đặc biệt là chính sách thuế làm tăng gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, cần có những đánh giá toàn diện trong việc đáp ứng các mục tiêu đề ra, tác động của chính sách hiện hành để làm cơ sở cho những đề xuất mới.
Trước khi ban hành những chính sách pháp luật mới, các cơ quan chức năng cần có sự tham vấn rộng rãi cộng đồng, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu tác động, để đảm bảo các chính sách mới có cơ sở, khoa học, tính khả thi, phù hợp với quốc tế, có lộ trình phù hợp.
Điều này cũng rất phù hợp với chỉ đạo nhân văn của Thủ tướng Chính Phủ tại Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2022 về Đề án tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản pháp luật để tạo sự ủng hộ và đồng thuận cao từ cộng đồng doanh nghiệp và người dân, giúp cho pháp luật đi vào cuộc sống.
Hoàng Nhung