Cùng với sự nhận thức và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển đổi số, việc xây dựng và thực thi hiệu quả các chính sách liên quan của Chính phủ sẽ định vị ngành logistics của Việt Nam đóng vai trò ngày càng quan trọng không những trong các nguồn lực phát triển kinh tế xã hội của đất nước mà còn trong sự chuyển dịch của kinh tế khu vực và toàn cầu.
Đối với nền kinh tế ngày nay, có hai lĩnh vực trọng tâm lớn nhất được đặt: Tiêu chuẩn và chuỗi cung ứng sản phẩm. Ngành hậu cần logistics là một phần của quản lý chuỗi cung ứng liên quan đến dòng chảy hiệu quả của hàng hóa, dịch vụ và thông tin liên quan, từ điểm xuất phát đến điểm tiêu thụ theo nhu cầu của khách hàng. Với sự phát triển của công nghệ số, logistics ngày càng đóng vai trò trung tâm của chuỗi cung ứng.
Logistics không chỉ có chi phí đầu tư lớn và tác động mạnh đến giá cả sản phẩm (trung bình chiếm khoảng 5% GDP, 20% giá cuối cùng của hàng hóa) mà còn có tính chất quyết định chất lượng của thương mại quốc tế khi mọi khách hàng đều mong muốn sản phẩm mình mua được giao một cách nhanh chóng và hoàn hảo nhất bất kể khoảng cách.
Trong 5 năm trở lại đây, ngành công nghiệp logistics đã chứng kiến sự xuất hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ hơn với các công ty công nghệ, mở ra một thị trường trị giá hàng trăm tỷ đô la.
Kinh tế Việt Nam là một nền kinh tế mở, dựa vào thương mại quốc tế khi có quan hệ kinh tế song phương với trên 230 nước và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) với 60 nền kinh tế.
Chuyển đổi số không chỉ làm cho các hoạt động quản lý chuỗi logistics trở nên hiệu quả hơn mà còn giúp doanh nghiệp có những cách khắc phục kịp thời khi gián đoạn trong chuỗi cung ứng xảy ra bất ngờ.
Những năm qua, trong lúc đại dịch covid-19 diễn biến phức tạp, theo dõi thời gian thực của từng lô hàng giúp cho bên vận chuyển biết rõ tình hình sự cố và lập kế hoạch ETA ( ETA là viết tắt của Estimated Time of Arrival, được hiểu như là thời gian ước tính đến điểm cuối cùng trong hành trình vận chuyển). Điều này sẽ làm cho khách hàng và giao hàng đúng tiến độ.
Hiện nay, các doanh nghiệp về logistics tại Việt Nam đang có quy mô nhỏ và nguồn lực tài chính còn yếu. Chuyển đổi số toàn bộ doanh nghiệp phải mất tổng chi phí trung bình từ khoảng 200 triệu đến hàng chục tỷ đồng nên chưa phù hợp đối với doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ như vậy.
Các doanh nghiệp nếu muốn quyết định đầu tư tự động hoá như mô hình quốc tế thì tốn chi phí đầu tư ban đầu. Còn làm theo mô hình nội bộ thì sẽ mất nhiều thời gian và tốn chi phí nhân lực về công nghệ thông tin.
Về cơ bản nếu không có sự hỗ trợ của Nhà nước hay các tổ chức tài chính, tín dụng thì quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp cung cấp logistic tiến hành sẽ vô cùng khó khăn.
Logistics cần thiết không chỉ cho tất cả các hoạt động của chuỗi cung ứng mà còn cho tất cả hoạt động kinh tế như du lịch, thương mại và đầu tư. Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực cần nhiều nguồn lực nhất để đầu tư và ngược lại, cùng với hệ thống giao thông, ngành logistics với sự ứng dụng của công nghệ số sẽ là nguồn lực quan trọng nhất và là nền tảng kết nối chặt chẽ với 4 nguồn lực chủ yếu còn lại: tài nguyên, con người, tài chính và xã hội. Chỉ có sự liên kết chặt chẽ các nguồn lực này mới đảm bảo sự thành công cho ngành logistics phát triển và tạo điều kiện để khởi xướng, đột phá và lan tỏa công cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai của đất nước, định vị quy mô kinh tế quốc gia trên trường quốc tế.