Ngành nông nghiệp 7 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó

Sản xuất nông nghiệp trong tháng tập trung đẩy nhanh tiến độ gieo cấy lúa mùa, chăm sóc lúa hè thu và thu hoạch lúa hè thu sớm, bảo đảm gieo trồng và thu hoạch trong khung thời vụ tốt nhất.

Tuy nhiên, nắng nóng kéo dài gây hạn hán ở một số địa phương, ảnh hưởng đến tiến độ gieo trồng lúa. Chăn nuôi gia cầm tiếp tục phát triển khá. Ngành thủy sản vẫn gặp khó khăn về xuất khẩu, dịch bệnh trên tôm sú đang diễn biến phức tạp.

Tính đến ngày 15/7, cả nước gieo cấy được 1.084,7 nghìn ha lúa mùa, bằng 95,8% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc gieo cấy 913,2 nghìn ha, bằng 95,6%; các địa phương phía Nam gieo cấy 171,5 nghìn ha, bằng 97,3%. Tiến độ gieo cấy lúa mùa năm nay chậm hơn cùng kỳ năm trước chủ yếu do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng và khô hạn.

Hiện nay, các địa phương đang khẩn trương hoàn thành công tác gieo cấy lúa mùa, các trà lúa đã cấy phát triển tương đối tốt, diện tích trà lúa sớm đang trong giai đoạn hồi xanh, đẻ nhánh.

Đến trung tuần tháng Bảy, cả nước gieo cấy được 1.932,7 nghìn ha lúa hè thu, bằng 96,3% cùng kỳ năm trước, trong đó các địa phương phía Bắc đạt 174 nghìn ha, bằng 99,9%; các địa phương phía Nam đạt 1.758,7 nghìn ha, bằng 95,9%, riêng vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 1.515,2 nghìn ha, bằng 96,6%.

Mặc dù vụ lúa đông xuân thu hoạch sớm, thời gian chuẩn bị đất cho vụ hè thu nhiều nhưng tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kỳ năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn. Đến nay, trà lúa hè thu sớm đã cho thu hoạch với diện tích đạt 505,3 nghìn ha, bằng 90,3% cùng kỳ năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 496,6 nghìn ha, bằng 90,1%.

Lúa thu đông ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được xuống giống sau khi thu hoạch lúa hè thu để đảm bảo lúa thu đông được thu hoạch trước khi mùa lũ tràn về, đồng thời để tránh dịch bệnh lây lan khi xuống giống vụ đông xuân năm sau.

Tính đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 215,6 nghìn ha lúa thu đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa thu đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.

Đến giữa tháng Bảy, các địa phương trên cả nước đã gieo trồng được 764,9 nghìn ha ngô, bằng 97,1% cùng kỳ năm trước; 85,9 nghìn ha khoai lang, bằng 93,8%; 144,2 nghìn ha lạc, bằng 97,7%; 28,6 nghìn ha đậu tương, bằng 90,5%; 849 nghìn ha rau, đậu, bằng 101,9%.

Ngành nông nghiệp 7 tháng đầu năm: Nỗ lực vượt khó - Ảnh 1

Chăn nuôi trâu, bò trong tháng nhìn chung ổn định. Chăn nuôi gia cầm phát triển khá do có thị trường tiêu thụ. Chăn nuôi lợn đang dần được khôi phục sau dịch tả lợn châu Phi nhưng công tác tái đàn còn chậm do giá con giống vẫn ở mức cao, các hộ chăn nuôi không có đủ nguồn lực để đầu tư tái đàn sau thời gian dài bị thiệt hại vì dịch bệnh, việc tái đàn chủ yếu ở các cơ sở chăn nuôi lớn. Ước tính trong tháng Bảy, tổng số trâu của cả nước giảm 2% so với cùng thời điểm năm 2019; tổng số bò tăng 3%; tổng số lợn giảm 3%; tổng số gia cầm tăng 5,5%.

Tính đến ngày 26/7/2020, cả nước không còn dịch tai xanh. Một số loại dịch bệnh chưa qua 21 ngày còn ở các tỉnh: Dịch cúm gia cầm ở Quảng Ngãi, Tiền Giang, Long An; dịch lở mồm long móng ở Cao Bằng, Nghệ An, Quảng Trị, Kon Tum, Phú Yên; dịch tả lợn châu Phi ở 183 xã thuộc 57 huyện của 17 địa phương.

12,7 nghìn ha rừng trồng mới tập trung tháng 7/2020

Trong tháng Bảy, thời tiết liên tục nắng nóng đã ảnh hưởng đến sản xuất lâm nghiệp. Các tỉnh phía Bắc và miền Trung tập trung vào hoạt động bảo vệ và phòng chống cháy rừng; các tỉnh phía Nam tiến hành chăm sóc diện tích rừng đã trồng và chuẩn bị cho trồng rừng cuối năm.

Diện tích rừng trồng mới tập trung tháng 7/2020 ước tính đạt 12,7 nghìn ha, giảm 14% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 6,7 triệu cây, tăng 4,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 1.459 nghìn m3, giảm 0,1%; sản lượng củi khai thác đạt 1,6 triệu ste, tăng 3,3%.

Khai thác gỗ của các địa phương diễn ra cầm chừng do nhu cầu thu mua gỗ nguyên liệu của các nhà máy chế biến gỗ giảm. Ngành gỗ và chế biến gỗ của Việt Nam gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm giảm các đơn hàng từ thị trường nước ngoài. Bên cạnh đó, các công ty chế biến, xuất khẩu gỗ dán còn bị ảnh hưởng bởi các vụ kiện chống phá giá từ hai thị trường tiêu thụ lớn là Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

Tính chung 7 tháng, diện tích rừng trồng mới tập trung ước tính đạt 119 nghìn ha, giảm 1,5% so với cùng kỳ năm trước; số cây lâm nghiệp trồng phân tán đạt 51,2 triệu cây, giảm 1,4%; sản lượng gỗ khai thác đạt 8.985 nghìn m3, tăng 1,7%; sản lượng củi khai thác đạt 11,4 triệu ste, giảm 0,3%.

Công tác phòng và chữa cháy rừng tiếp tục được tăng cường, nhưng do thời tiết nắng nóng kéo dài kết hợp với gió Tây Nam khiến nhiệt độ ở khu vực miền Bắc, miền Trung tăng cao, dẫn đến cháy rừng ở một số tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung.

Trong tháng (từ 15/6 - 15/7), diện tích rừng bị thiệt hại là 343,2 ha, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước, trong đó diện tích rừng bị cháy là 267,5 ha, giảm 66%; diện tích rừng bị chặt phá là 75,7 ha, tăng 49,3%. Một số tỉnh miền Trung có diện tích rừng bị cháy là Khánh Hòa 127,7 ha; Hà Tĩnh 52,9 ha; Quảng Bình 28,1 ha. Tính chung 7 tháng năm 2020, cả nước có 1.647,2 ha rừng bị thiệt hại, giảm 5,6% cùng kỳ năm trước, bao gồm diện tích rừng bị cháy là 1.243,1 ha, giảm 8,2%; diện tích rừng bị chặt, phá là 404,1 ha, tăng 3,6%.

Sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn trong 7 tháng

Sản lượng thủy sản cả nước tháng 7/2020 ước tính đạt 783,3 nghìn tấn, tăng 1,5% so với cùng kỳ năm trước, bao gồm cá đạt 545,1 nghìn tấn, tăng 0,6%; tôm đạt 122,9 nghìn tấn, tăng 4,7%; thủy sản khác đạt 115,3 nghìn tấn, tăng 1,9%.

Sản lượng thủy sản nuôi trồng trong tháng ước tính đạt 438,4 nghìn tấn, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 278,2 nghìn tấn, giảm 1,4%; tôm đạt 110,4 nghìn tấn, tăng 4,9%.

Nuôi cá tra tiếp tục gặp khó khăn về thị trường xuất khẩu, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì mức giá thấp hơn giá thành sản xuất[3]. Sản lượng cá tra tháng Bảy ước tính đạt 124 nghìn tấn, giảm 4,7% so với cùng kỳ năm trước.

Tình hình dịch bệnh trên tôm sú quảng canh, quảng canh cải tiến đang diễn biến phức tạp, chủ yếu do môi trường nuôi dẫn tới bệnh hoại tử gan tụy cấp, đỏ thân, đốm trắng. Diện tích tôm sú bị thiệt hại trong tháng ở một số tỉnh: Cà Mau thiệt hại 1.368 ha; Trà Vinh 788 ha, Bạc Liêu 435 ha.

Trong tháng Bảy, sản lượng tôm sú ước tính đạt 38,4 nghìn tấn, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng tôm thẻ chân trắng đạt 65 nghìn tấn, tăng 8,5% chủ yếu do diện tích thu hoạch tăng 3,8%.

Sản lượng thủy sản khai thác tháng 7/2020 ước tính đạt 344,9 nghìn tấn, tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 266,9 nghìn tấn, tăng 2,9%; tôm đạt 12,5 nghìn tấn, tăng 2,5%. Thời tiết ngư trường tương đối thuận lợi nên ngư dân tiếp tục ra khơi bám biển. Sản lượng thủy sản khai thác biển tháng Bảy ước tính đạt 328,4 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 255,8 nghìn tấn, tăng 3,1%; tôm đạt 11,6 nghìn tấn, tăng 3,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2020, sản lượng thủy sản ước tính đạt 4.647,3 nghìn tấn, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 2.415,5 nghìn tấn, tăng 1,6%; sản lượng thủy sản khai thác đạt 2.231,8 nghìn tấn, tăng 1,5% (sản lượng khai thác biển đạt 2.136,4 nghìn tấn, tăng 1,7%).

Duy Trang