Tăng trưởng ấn tượng
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, theo thống kê của các cơ quan chuyên môn, sau 9 tháng, tăng trưởng của ngành nông nghiệp ước đạt 3,66% so với cùng kỳ, đây là con số rất ấn tượng, cho thấy được sự nỗ lực của toàn ngành trong thời gian qua trước bối cảnh có nhiều khó khăn.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, sự tăng trưởng ấn tượng của ngành nông nghiệp trong 9 tháng đầu năm 2023 là nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự nỗ lực của toàn ngành.
Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, như: đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất hàng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu,...
Giá trị xuất khẩu tăng mạnh
Riêng về giá trị xuất khẩu, sau 3 quý của năm, giá trị xuất khẩu nông sản đạt gần 38,5 tỷ USD, tăng đến 22% so với cùng kỳ năm 2022 với nhiều mặt hàng tăng trưởng vượt bậc trong tháng 9, ví dụ như rau quả, gạo, hạt điều... Cụ thể, ở nhóm nông sản, đóng góp lớn nhất là xuất khẩu rau quả đạt 4,2 tỷ USD, tăng 71,8%; xuất khẩu gạo đạt 3,66 tỷ USD, tăng 40,4%.
Thị trường xuất khẩu đa dạng
9 tháng năm 2023, giá trị xuất khẩu nông sản tới các thị trường thuộc khu vực châu Á đạt 18,71 tỷ USD, tăng 4,9%; châu Mỹ 8,73 tỷ USD, giảm 22,5%; châu Âu 4,17 tỷ USD, giảm 11,2%; châu Phi 809 triệu USD, tăng 18,8%. Trung Quốc, Mỹ và Nhật Bản tiếp tục duy trì là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Tiếp tục nỗ lực để đạt mục tiêu
Trước bối cảnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng: “Thời gian qua, chúng ta ghi nhận sự nỗ lực rất lớn của toàn ngành, trong đó, các lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng tham gia rất nhiều vào công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường”.
“Bộ NN-PTNT sẽ tập trung các giải pháp trọng tâm để có thể về đích cả về tỷ lệ tăng trưởng và giá trị xuất khẩu”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Đẩy mạnh xuất khẩu rau vụ đông
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, vụ đông là vụ rau rất đặc biệt của Việt Nam với giá trị kinh tế cao do tập trung hoàn toàn vào sản xuất hàng hóa, ngoài đáp ứng nhu cầu nội tiêu còn phục vụ mục tiêu xuất khẩu sang một số thị như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia…
Lãnh đạo Cục Trồng trọt khẳng định, bên cạnh các doanh nghiệp, các cơ quan chuyên môn sẽ tích cực phối hợp với địa phương để tháo gỡ khó khăn (nếu có) để đẩy mạnh xuất khẩu rau vụ đông sang thị trường Trung Quốc.
Tiếp tục kiểm soát IUU
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được đẩy mạnh, cùng với đó là các quy định về pháp luật cũng đã hoàn thiện. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay của IUU đó là vi phạm ở vùng biển nước ngoài, đây là yếu tố quyết định đến việc có gỡ được thẻ vàng IUU hay không.
Lý giải thêm về vấn đề này, ông Trần Đình Luân cho biết, nguyên nhân của hiện tượng này là do sự chênh lệch giữa các địa phương, có nơi làm tốt, có nơi không cương quyết, ngại va chạm. Bên cạnh đó, thiếu sót trong ghi chép nhật ký, quản lý tàu ra vào nên cần tiếp tục kiểm soát, đẩy mạnh công tác ghi chép nhật ký, theo dõi hành trình cho các tàu cá. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền và mạnh tay trong thanh tra xử phạt.
Bảo An