Thống kê số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm 2024 có nhiều điểm sáng nổi bật. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã đạt đến con số tỷ USD. Đặc biệt, một số nhóm ngành hàng ghi nhận sự sụt giảm trong năm ngoái, thì hiện cũng tăng trưởng trở lại.
Theo đó, dù ngành nông nghiệp Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều thách thức như xâm nhập mặn, dịch bệnh và việc một số lô hàng xuất khẩu bị trả về, song tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản trong quý đầu năm vẫn đạt 2,98%, mức cao nhất được ghi nhận trong nhiều năm qua.
Các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng, đóng góp vào việc nâng tổng kim ngạch xuất khẩu ngành nông nghiệp lên 13,53 tỷ USD, tăng 21,8% so với cùng kỳ năm trước. Thặng dư thương mại của ngành nông nghiệp trong quý I đạt 3,36 tỷ USD, tăng 96,5%, chiếm 41,5% tổng thặng dư thương mại của toàn nền kinh tế.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan tính đến hết quý I/2024, ngành nông nghiệp có 5 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, lần lượt là gỗ và sản phẩm gỗ, cà phê, thuỷ sản, gạo và rau quả.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, ngành Nông nghiệp đề ra mục tiêu, năm 2024 xuất khẩu nông sản đạt khoảng 54-55 tỷ USD, tăng trưởng quý I/2024 tạo tiền đề để toàn ngành tự tin đạt mục tiêu đó trong năm nay. Trong đó rau, quả, gạo, thủy sản, lâm sản là nhóm hàng chủ lực, kỳ vọng đóng góp lớn vào sự tăng trưởng của toàn ngành.
Các chuyên gia cho rằng, ngành Nông nghiệp sẽ cán đích thành công, thậm chí vượt mục tiêu đề ra, bởi nhiều ngành hàng hứa hẹn có đột phá lớn. Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyễn cho biết, năm 2024, ngành hàng rau, quả của Việt Nam được dự báo tăng trưởng khoảng 15-20%, tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Hiện tại, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đang phối hợp với Bộ NN&PTNT, các doanh nghiệp triển khai nhiều hoạt động để thúc đẩy sự phát triển của ngành rau, quả.
Xuất khẩu quý II/2024 được dự báo sẽ còn sôi động hơn quý I, bởi nhiều mặt hàng nông sản, đặc biệt là các loại hoa quả chủ lực như vải thiều, nhãn, xoài, thanh long,... sẽ bước vào mùa thu hoạch. Do đó, các doanh nghiệp đang tập trung, dồn sức để chuẩn bị nguồn lực, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, ký kết thêm các đơn hàng mới. Quý II năm nay ngành nông nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 2,9 - 3%, xuất khẩu khoảng 14 tỷ USD, cao hơn kết quả đạt được trong quý I.
Hiện nay nông sản Việt Nam có lợi thế, dư địa tại nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản... Với khách hàng lớn nhất là Trung Quốc, chúng ta có lợi thế về logistics và hai bên đã ký nhiều nghị định thư xuất khẩu nông sản. Điều này liên tục mở ra những tiềm năng để xuất khẩu nông sản tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tuy vậy, có thể nói việc đưa hàng đến các thị trường lớn đó cũng không phải luôn thuận lợi và dễ dàng. Ngành xuất khẩu nông sản của Việt Nam có thể nói như đang “leo lên con dốc đứng”. Để không bị ngã và đi được đường dài, trên thực tế vẫn phải cẩn trọng từng bước. Thuận lợi khá lớn, song khó khăn, thách thức không phải là không có. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, việc chưa khai thác hết thế mạnh về chế biến sâu, gây dựng thương hiệu, cũng như các yêu cầu về chất lượng vẫn đang là rào cản đối với nông sản Việt Nam. Mặc dù thời gian qua nông sản Việt đã có sự chuyển biến về chất lượng, nhiều doanh nghiệp tuân thủ các quy định của phía nhập khẩu, song đây vẫn là thách thức lớn để bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu.
“Để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản và bám trụ vững chắc, bền vững tại các thị trường nhập khẩu, Bộ NN&PTNT sẽ cùng các doanh nghiệp giám sát, quản lý tốt quá trình sản xuất, cấp mã vùng, rà soát các tiêu chí, đáp ứng tiêu chuẩn từ nhiều thị trường lớn. Bộ cũng phân tích thị trường để có những chiến lược cụ thể cho từng thời điểm, từng ngành hàng, tạo đột phá về xuất khẩu nông sản. Đồng thời, ngành Nông nghiệp sẽ bám sát các thị trường nhập khẩu lớn, như: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU…, nhằm đẩy mạnh xuất khẩu và khai thác thêm các thị trường mới, tiềm năng, như các nước Hồi giáo, Trung Đông, châu Phi…”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Ông Phùng Đức Tiến nhận định: “Càng xuất khẩu nhiều, chúng ta càng phải chú ý đến chất lượng, chú ý thương hiệu, không để vì một lý do nào đó mà cả nhóm ngành đều bị ảnh hưởng”.
Mới đây nhất, vụ việc 30 lô sầu riêng xuất khẩu bị Trung Quốc cảnh báo cadimi vượt ngưỡng quy định an toàn thực phẩm (thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật) là lời cảnh báo cho nhà sản xuất, doanh nghiệp Việt Nam trong việc quản lý chất lượng nông sản.
Do đó, việc phát triển vùng nguyên liệu gắn với mã vùng trồng, mã đóng gói, sau đó đến phát triển chuỗi giá trị nông sản, liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm… là điều thiết yếu phải được chú trọng đầu tư, sao cho đáp ứng được đủ tiêu chuẩn khắt khe từ các nước nhập khẩu khó tính.
Nhận thức được vấn đề này, nhiều doanh nghiệp cho biết đang ngày càng nỗ lực để nâng cao năng lực, ưu tiên phát triển chất lượng, phát triển thương hiệu, tận dụng thời cơ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản bền vững sang các thị trường nhiều dư địa.