Ngành tôm đối diện với nhiều thách thức cạnh tranh lớn

Nửa đầu năm 2024, ngành tôm gặt hái được nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên mặt hành này cũng đang đương đầu với những thách thức cạnh tranh từ thị trường nhập khẩu.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, tháng 6/2024, xuất khẩu tôm Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái và tăng cao hơn so với tháng trước đó. Giá trị xuất khẩu tôm trong tháng này đạt 344 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2023.

Tính lũy kế 6 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu tôm đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 6%. Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 328 triệu USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Như vậy, xuất khẩu tôm sang thị trường này sau khi giảm trong tháng 5, đã tăng trở lại trong tháng 6.

Ngành tôm đối diện với nhiều thách thức cạnh tranh lớn - Ảnh 1

Nửa đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang thị trường Hoa Kỳ đạt 303 triệu USD, tăng 1% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi giảm trong tháng 5, xuất khẩu tôm sang Mỹ tăng trở lại trong tháng 6.

6 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm sang Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn ghi nhận giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 229 triệu USD và 149 triệu USD, giảm lần lượt 3% và 10% so với cùng kỳ.

Theo quy luật thị trường, kể từ quý III trở đi, là giai đoạn các nhà nhập khẩu tăng cường mua vào để chuẩn bị nguồn hàng cung ứng cho các dịp lễ, Tết cuối năm.

Với Nhật Bản, hàng giá trị gia tăng của Việt Nam tại thị trường này vẫn giữ được lợi thế cạnh tranh tốt hơn so với các nguồn cung khác như Ấn Độ, Ecuador. Nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nhật và Hàn Quốc dự kiến tăng nhẹ từ tháng 9 để phục vụ nhu cầu cuối năm.

Đối với thị trường EU, sau quý I/2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này tăng trưởng tốt. Tháng 6, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 52 triệu USD, tăng 31%. Lũy kế 6 tháng đầu năm, xuất khẩu sang thị trường EU đạt 217 triệu USD, tăng 13%. Những tháng tới, nhu cầu nhập khẩu tôm của thị trường EU dự kiến tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, VASEP dự báo, giá tôm từ quý III trở đi nhiều khả năng sẽ được cải thiện tốt hơn so với hiện tại, nhưng cũng khó có khả năng tăng mạnh. Nguyên nhân là do ngành tôm đang đối mặt với hai vấn đề lớn đó là giá tôm xuất khẩu sang các thị trường thấp do phải cạnh tranh với tôm Ecuador, Ấn Độ.

Bàn về những thuận lợi, thách thức của ngành tôm Việt Nam trong năm 2024, Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe phân tích, ngành tôm Việt Nam có cơ hội cạnh tranh với tôm từ Ấn Độ, Ecuador ở phân khúc hàng giá trị gia tăng, chế biến sâu, đây là thế mạnh của tôm Việt Nam.

Ông Hòe cho hay, nắm bắt được những thế mạnh này, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đã có kế hoạch phù hợp để tận dụng hết cơ hội, phát huy năng lực nhằm thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu sản phẩm giá trị gia tăng trong thời gian tới.

"Bên cạnh đó, tôm Việt Nam cũng có thêm cơ hội tăng trưởng khi các nhà nhập khẩu, đặc biệt tại thị trường Mỹ đã tăng cường kiểm soát tôm từ Ấn Độ và Ecuador về các vấn đề lao động, môi trường và an toàn thực phẩm…", ông Hòe cho biết thêm.

Tuy nhiên cũng theo ông Hòe, xuất khẩu tôm Việt Nam trong năm nay sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine kéo dài; khủng hoảng kinh tế thế giới, lạm phát tăng cao ở các thị trường xuất khẩu chính của tôm Việt Nam đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường.

Mới đây nhất là sự bất ổn chính trị tai khu vực Trung Đông đã ảnh hưởng đến tình hình xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2023 và tiếp tục ảnh hưởng trong năm 2024.

Ngoài ra, các rào cản thương mại như: Thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp tại thị trường Mỹ; quy định về quota tại Hàn Quốc… cũng là những nguyên nhân quan trong tác động trực tiếp đến xuất khẩu tôm nước ta.

“Sản xuất nguyên liệu trong nước cũng sẽ gặp nhiều khó khăn khi tình hình biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt như: Nắng nóng kéo dài, tình hình xâm nhập mặn, nguồn nước ô nhiễm nặng; chi phí đầu vào tăng cao; nguồn giống kém chất lượng…, dẫn đến việc nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng gặp nhiều khó khăn do nhiều dịch bệnh xuất hiện, năng suất nuôi kém, giá thành cao. Khả năng nguồn nguyên liệu sẽ bị thiếu hụt trầm trọng và kéo dài đến những tháng cuối năm”, ông Hòe dự báo.

Vấn đề nữa là dịch bệnh trên tôm nuôi diễn biến phức tạp, chưa được khắc phục, có khả năng gây thiếu nguyên liệu tôm trong nửa cuối năm 2024.

Đối mặt với rất nhiều khó khăn, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đang chủ động có chiến lược cho riêng mình. Như với thị trường Hoa Kỳ, hầu hết doanh nghiệp đều giảm tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này, tập trung cho thị trường gần như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Trung Quốc… Có doanh nghiệp cũng đưa ra những giải pháp chủ động về hoạt động nuôi, đề ra giải pháp nuôi và thu hoạch, để bán được giá tốt hơn.

Hương Trà

Từ khóa: