Đó dường như cũng là nét văn hóa đặc trưng của nền văn minh lúa nước, nông nghiệp ở Việt Nam, vùng Đông Nam Á. Cố kết cộng đồng theo dòng họ bao trùm lên mô hình gia đình nhiều thế hệ quần tụ trong một khu vực nào đó.
Giờ đây, bởi rất nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan, mô hình gia đình truyền thống trên đã có sự chuyển dịch dưới nhiều hình thức mới: gia đình bị chia nhỏ vì mưu sinh, lớp trẻ ( con cháu) dời khỏi quê hương, ra khỏi địa phương, ra nước ngoài học tập cầu tiến bộ, lao động trong mọi ngành nghề kiếm sống.
Nhìn lại mô hình gia đình truyền thống nhiều thế hệ chung sống trong khoảng không gian chật hẹp nơi đô thị hay không gia rộng mở vùng quê, thôn, xã bản nông thôn vẫn còn tồn tại nhưng xu thế đang dần thu hẹp. Thực tế, mô hình gia đình hiện đại ( một hoặc hai thế hệ) nơi thành phố, thị xã đã hình thành giờ đang là phổ biến. Đó là gia đình nhỏ - các thành viên chỉ là bố mẹ và con cái gồm 2 thế hệ.
Các thế hệ ông, bà thường sống riêng. Không ít người già do hoàn cảnh đặc thù đã chấp nhận cuộc sống ở trại dưỡng lão. Xu thế chung thế hệ trẻ hiện nay, sau khi lấy nhau họ đều muốn ra ở riêng, nếu điều kiện kinh tế cho phép. Quan niệm về “ tự do” có thể chấp nhận được cho cả hai phía- cha mẹ già và lớp trẻ. Câu nói “ trẻ cậy cha, già cậy con”; “con chăm cha không bằng bà chăm ông” vẫn được vận dụng linh hoạt trong từng hoàn cảnh cụ thể. Nơi đô thị, thành phố lớn, các gia đình nội ngoại, dâu rể, thông gia được “quy hoạch” về ở cùng một trong các tòa nhà chung cư chất lượng cao cấp, tiện ích, khép kín đã dần là mô hình phổ biến. Cách tổ chức cuộc sống theo tư duy ấy vừa văn minh mà giữ được đạo lý, đạt được nhiều mục tiêu kép.
Gia đình truyền thống đang chịu những thách thức của thời công nghệ 4.0 với hàng triệu người, mọi lứa tuổi từ già đến trẻ đều dùng điện thoại thông minh ở mọi nơi, mọi lúc xen lẫn câu chuyện nói bằng lời, biểu đạt bằng sắc thái, ánh mắt nụ cười. Có một thực tế là, điện thoại thông minh vô hình trung đã trở thành bạn “tri kỷ” của không ít người. Cuộc sống trong mỗi gia đình đôi khi cũng bị gián đoạn, phai lạt tình cảm bởi “ công nghệ lên ngôi”. Không chỉ nước ta, việc làm, tệ nạn xã hội, lối sống tiêu cực, sự đổi thay lối sống truyền thống bằng phong cách sống hiện đại, hội nhập của thế hệ mới cũng ảnh hưởng cuộc sống mỗi nhà, mỗi họ tộc.
Dù đổi thay thế nào quan hệ cha mẹ và con cái vẫn luôn ở trạng thái “nước mắt chảy xuôi”- cha mẹ đều hy sinh, dành tình thương yêu trọn vẹn cho con cháu mình, cho dù chúng sống hay, sống tốt hay sống chưa vừa ý cha mẹ, ông bà, thậm chí có đứa còn sa ngã, lầm đường lạc lối. Giờ đây, truyền thông đang tích cực tham gia vào câu chuyện xây dựng và gìn giữ tổ ấm gia đình.
Luận bàn về quan niệm về kết cấu, cấu trúc gia đình, tế bào gia đình thay đổi; đổi thay cách tiếp cận, quan niệm hạnh phúc gia đình, tổ ấm gia đình. Các chuyên trang “ tổ ấm”, “ gia đình hạnh phúc”, “ câu chuyện gia đình”; “ sống mới”…và nhiều cuộc thi được các báo, đài tổ chức đã mang lại kết quả tích cực. Như cuộc thi viết “ Về nhà” do báo Tuổi trẻ TPHCM, năm 2022, tổ chức thu hút 1.100 bài viết kèm ảnh. Bạn đọc thường xuyên trao đổi chuyện ứng xử con cái với ba mẹ (đưa bố mẹ đi chơi, chăm lo sức khỏe ba mẹ, cách thức báo hiếu; biểu hiện tình cảm với ba mẹ: ôm hôn ba mẹ; coi phụng dưỡng cha mẹ là phúc, hạnh phúc…). Những thông điệp tích cực ấy còn lan tỏa nhanh chóng khi được đưa trên mạng xã hội, thông qua các loại hình nghệ thuật phong phú, đa dạng, sáng tạo.
Mỗi khi nhắc nhớ về ý nghĩa của môi trường gia đình, người Việt Nam thường coi gia đình là tổ ấm, là chốn nương thân mỗi khi ta khó khăn về vật chất; là điểm tựa tinh thần khi ta thiếu thốn tình cảm, hụt hẫng trong cuộc sống. Gia đình là vòng tay bao dung, chở che, khích lệ mọi người trưởng thành vươn lên và đứng vững trong cuộc sống.
Biết bao lời hay, ý đẹp, ngôn ngữ trong trẻo dành cho việc ngợi ca tổ ấm gia đình: “ Ba sẽ là cánh chim, đưa con đi thật xa. Mẹ sẽ là nhành hoa cho con cài trên đầu. Ba sẽ là lá chắn, che chở suốt đời con…Rồi mai đây khôn lớn, con đi khắp mọi miền. Con đừng quên con nhé. Ba mẹ là quê hương.” Mô hình gia đình ấy được xem là văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam. Hộ chiếu văn hóa Việt Nam là văn hóa gia đình.
Giờ đây, dù có đổi thay gia đình nhiều thế hệ cùng sống chung dưới ngôi nhà thu nhỏ lại bởi những ngoại cảnh khách quan và chủ quan về nhu cầu cuộc sống, diện tích và tiện ích sinh hoạt của từng lứa tuổi, tính chất công việc, sở thích cá nhân…cũng nên coi đó là xu hướng tích cực của xã hội văn minh, hiện đại. Nhưng về tình yêu, tình cảm “máu mủ ruột rà” cần được nhắc nhở nhau gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị. Có một tín hiệu đáng vui là không ít người cao tuổi, thế hệ ông bà, cha mẹ vui vẻ chấp nhận cuộc sống riêng, lúc có đôi thì nương tựa nhau; lúc lẻ bóng thì sẵn sàng sống tự lập, độc lập để tránh phiền con cháu. Và các con luôn nghĩ đến bố mẹ, tùy theo hoàn cảnh thực tế, mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh.
Ngày 29/11/2022 tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo TW, Hội đồng lý luận TW, Bộ VHTT, Viện Hàn lâm KHXH VN đã tổ chức hội thảo quốc gia “ Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Ý kiến tại hội thảo phần lớn là lạc quan, song cũng có ý kiến bày tỏ sự lo ngại về khủng hoảng văn hóa ở nông thôn, văn hóa đô thị, trong đó có chuyện con người xa nhau; mô hình gia đình truyền thống tốt đẹp đang bị “ uy hiếp”. Bạo lực gia đình, cách hành xử thiếu văn hóa trong hôn nhân gia đình, tình cảm vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh em, chú bác cô dì…những mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên trong gia đình vẫn đang diễn ra bởi nhiều lí do, trong đó có chuyện lối sống vật chất, thực dụng, ích kỷ, cá nhân đang “lấn sân” phong cách sống nặng giản dị, thiên về tình cảm vốn là bản chất của con người.
Mỗi khi kỷ niệm ngày gia đình Việt Nam cần chỉ ra những giá trị cốt lõi của mô hình gia đình truyền thống với ý nghĩa gia đình là tế bào của xã hội. Có gia đình tốt, gia đình bền vững mới có quốc gia vững mạnh. Xây dựng tổ ấm gia đình bằng chất liệu gì, kiến trúc thế nào để luôn phù hợp, tương thích với hoàn cảnh lịch sử, kinh tế- xã hội đang là thách thức không nhỏ cho mọi quốc gia, dân tộc, trong đó có Việt Nam để thật sự có được gia đình hạnh phúc trong một quốc gia dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, quốc gia hùng cường.
VĂN HÙNG