Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2022 được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với chủ đề “Chỉ một Trái Đất” (Only One Earth) với mục đích truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn.
Bắt đầu từ năm 1982, Việt Nam tham gia Ngày môi trường thế giới. Bên cạnh đó, những năm gần đây, Việt Nam cũng tham gia và có nhiều hoạt động hưởng ứng Ngày Nước thế giới, Ngày Khí tượng thế giới, Giờ trái đất... các sự kiện này tập trung các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cũng như hành động của mọi người luôn tiết kiệm, sử dụng hiệu quả các nguồn năng lượng, tăng cường sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; tái sử dụng và tái chế chất thải, chống rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước, khí tượng, động vật hoang dã... qua đó, cộng đồng quốc tế hướng tới thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
Ngoài ra, Chính phủ cùng các bộ, ngành luôn kêu gọi người dân chung tay bảo vệ môi trường, bảo vệ hành tinh xanh bằng những hành động rất nhỏ nhưng vô cùng có ý nghĩa đối với môi trường như: Phân loại rác tại nguồn; sử dụng các vật liệu có từ thiên nhiên; hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và bỏ vỏ nơi quy định hoặc giao cho các công ty tái chế phế liệu; sử dụng năng lượng sạch từ những nguồn năng lượng có thể tái tạo; hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi nilon, rác thải kim loại, kim loại độc hại; không lãng phí đồ ăn, thức uống; trồng nhiều cây xanh, bảo vệ nguồn nước; ưu tiên sử dụng các sản phẩm tái chế...
Đảng, Nhà nước cũng đang nỗ lực bằng nhiều biện pháp để bảo vệ môi trường như phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn cũng như cam kết cắt giảm phát thải ròng bằng 0% vào năm 2050. Đây là những nỗ lực của Việt Nam cùng với cộng đồng quốc tế cùng chung tay bảo vệ trái đất.
Theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, lượng chất thải nhựa phát sinh tại nước ta gần 2 triệu tấn/năm, trong khi đó, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh hơn 61.000 tấn/ngày, trong đó có tới 71% tổng lượng chất thải (tương đương 43 nghìn tấn/ngày) được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, nhiều tài nguyên hiện đang suy giảm nghiêm trọng, tiêu biểu là than đá, Việt Nam đã phải nhập khẩu than đá từ năm 2015, dự báo tới năm 2030 có thể phải nhập khẩu tới 100 triệu tấn than mỗi năm. Còn theo một tính toán khác của Ngân hàng Thế giới, ô nhiễm nước có thể gây thiệt hại cho Việt Nam tới 3,5% GDP vào năm 2035. Đặc biệt, Việt Nam nằm trong số các quốc gia dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Dự báo, biến đổi khí hậu và thiên tai có thể gây thiệt hại lên tới 11% GDP của Việt Nam vào năm 2030.
Năm 2022 có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi năm 2020 được chính thức áp dụng từ ngày 1/1/2022. Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong việc bảo vệ môi trường hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững. Dịp kỷ niệm Ngày Môi trường thế giới, Tháng hành động về môi trường là cơ hội để phổ biến, hướng dẫn các quy định Luật, để Luật đi vào cuộc sống.
Các nội dung trọng tâm tuyên truyền là thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình trong việc thực hiện thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn; xây dựng, nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường; xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược, nhiệm vụ, đề án, dự án bảo vệ môi trường.