Trước đây, không phải ngẫu nhiên, nhiều gia đình thường định hướng cho các con mình (nhất là con gái) chọn ngành sư phạm. Theo đó, nhiều thế hệ trong một gia đình (như dòng họ Nguyễn Lân) đều là cán bộ nghiên cứu khoa học, giảng dạy trong nhiều lĩnh vực và có nhiều đóng góp cho xã hội. Các thế hệ trong họ rất thành đạt. Dòng họ ấy được vinh danh, xã hội nể trọng. Bác Hồ từng nhắc nhở, thế hệ trẻ: đất nước có phồn vinh, tiến bộ, sánh vai với cường quốc năm Châu hay không cũng là nhờ công học tập của các cháu. Vậy nên, phải có thầy giỏi. “Không thầy đó mày làm nên” là thế.
Trước năm học mới, thường rộ lên chuyện đổi mới chương trình giảng dạy, nội dung sách giáo khoa, tuyển sinh, xét tuyển đại học; thiếu giáo viên, thiếu lớp học… Năm nay, nóng nhất là chuyện lạm thu học phí, bất ổn vì thiếu khu vệ sinh đạt chuẩn trong các trường học, nhất là cấp phổ thông. Truyền thông mỗi ngày đều thông tin phong phú về chuyện giáo dục về thầy cô và học sinh. Khen chê đều có. Bức tranh giáo dục trở nên phong phú, nhiều gam màu, là chủ đề tranh luận không ngừng của đất nước. Đương nhiên, thầy cô ít nhiều cũng liên quan đến vấn đề cụ thể ấy. Khi thì được xã hội, phụ huynh học sinh cảm thông, chia sẻ, đôi khi cũng phải hứng chịu cái nhìn sai lệch, thiếu lòng tin, tiêu cực.
Lấy đẹp dẹp xấu, lấy tích cực đẩy lui tiêu cực. Mỗi ngày, hình ảnh thầy cô cắm bản, cõng và gieo con chữ nơi các thôn bản xa xôi, khốn khó trăm bề; thương yêu học trò như con em mình làm chúng ta vô cùng xúc động. Nhiều tổ chức, cá nhân đã chung tay góp sức chia sẻ với thầy cô để các con có bữa ăn no, có nơi ở, học tập ổn định, khang trang hơn. Sự dấn thân, hy sinh, tận hiến của thầy cô ấy là hiện thân của phẩm giá trong sự nghiệp trồng người, chẳng khác gì gieo trồng, chăm ươm hạt giống trên mảnh đất cằn khô, nghèo kiệt dinh dưỡng mong ngóng có được hoa thơm trái ngọt.
Điều này gợi nhắc danh hiệu nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú dành tặng cho rất nhiều thế hệ thầy cô. Danh hiệu ấy là sự ghi nhận về đạo đức, phẩm chất nghề nghiệp, sự cống hiến trọn đời của thầy cô, nhất là các giáo viên không màng danh hiệu. Biết bao thầy cô chấp nhận dời xa nơi thị thành, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp trồng người ở những nơi vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, thiếu điện, nước, chốn ăn ở, học tập. Dẫu biết chế độ đãi ngộ cho giáo viên còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với công việc của nhà giáo ở vùng đặc thù nhưng vượt lên tất cả họ không toan tính, chấp nhận tất cả vì lòng yêu nghề, yêu con người, yêu cuộc sống muốn sẻ chia và cống hiến.
Mừng thay, nhiều năm qua, nhiều hoạt động xã hội, chương trình thiện nguyện như: Cặp lá yêu thương; Bếp ăn cho em, Chắp cánh ước mơ, Tiếp sức đến trường, Bữa ăn có thịt… đã triển khai sâu rộng trên cả nước. Những hoạt động thiết thực hỗ trợ ủng hộ tiền xây dựng trường lớp, nhà ăn, nâng cao chất lượng bữa ăn cho các điểm trường dân tộc nội trú. Biết bao em nhỏ, sinh viên hoàn cảnh gia đình khó khăn thông qua kết nối của truyền thông được cá nhân, tổ chức xã hội, doanh nghiệp hỗ trợ học bổng tiếp sức đến trường. Một khi cả cộng đồng chung tay giúp đỡ sẽ không còn em nào bị bỏ lại phia sau.
Dẫu biết hoạt động giáo dục của đất nước còn khó khăn, bất cập, có những việc chưa làm hài lòng mọi người, lại còn những thầy cô đã đánh mất hai chữ “mô phạm” song những hạt sạn nhỏ ấy không thể lấn át, lu mờ các tấm gương thầy cô đối với sự nghiệp trồng người. Và giờ đây, khi nhiều tỉnh, địa phương miền Trung đang phải gồng mình chống chọi mưa bão, lũ; nhiều trường học phải tạm dừng học tập vì trường, lớp học đổ nát, đồ dùng học tập bị cuốn trôi theo lũ, nhiều em học sinh chưa được đến trường… lại một lần nữa xã hội chung tay góp sức để các em được trở lại học tập sớm nhất có thể.
Năm nay, xã hội thật bất ngờ tiếc thương trước sự ra đi của những nhà giáo đáng kính như thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, học giả An Chi, giáo sư sử học Ngô Vĩnh Long, giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Duy Xuân… Đọc những bài báo về họ, nhận thấy họ đều là thế hệ nhà giáo đáng kính, có nhiều đóng góp quan trọng cho đất nước, trong đó có công tác đào tạo, chăm lo dạy dỗ nhiều thế hệ học trò. Trong số học sinh của các thầy, cũng có người đã và đang nắm giữ các cương vị quan trọng trong hệ thống chính trị nước nhà. Hàng năm cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy cô trò lại xôm tụ, gặp nhau dưới nhiều hình thức phong phú, ôn lại những kỷ niệm đầy ắp yêu thương.
Chăm lo cho sự nghiệp trồng người là vì tương lai trăm năm của dân tộc, là công việc của toàn xã hội. Đầu tư cho giáo dục, trong đó có đội ngũ giáo viên làm sao để họ yên tâm với nghề, sẵn lòng cống hiến cho nghề luôn là mục tiêu cao cả trong chiến lược nhằm đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Để kết thúc bài viết, tôi xin trích một đoạn ngắn trong nội dung trả lời báo Tuổi trẻ TP Hồ Chí Minh ngày 13/10/2022, của Cố Giáo sư Ngô Trí Long. Ông nói: “Người thầy không có tiền bạc, nhưng có cái lớn hơn là bỏ cả cuộc đời mình để đầu tư cho thế hệ tương lai của một dân tộc, đất nước. Thậm chí là cả thế giới. Đó là niềm vinh quang và hạnh phúc của người thầy mà không phải nghề nào cũng có được. Giáo dục không chỉ đào tạo những người lao động mà còn đào tạo công dân và những người có trách nhiệm cao với dân tộc, quốc gia và cả thế giới”.
Phải chăng đó chính là sự ghi nhận về sứ mệnh cao cả của nhà giáo với đất nước, dân tộc. Vì thế, xây dựng đạo đức nhà giáo luôn là yếu tố hàng đầu để xây đắp nên thế hệ nhà giáo hôm nay vừa hồng, vừa chuyên như thế hệ thầy cô ở thập kỷ trước đã góp phần làm rạng danh non sông ta, đất nước ta.