Trong đoàn người đến dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào, hình ảnh một người đàn ông lặng lẽ cúi đầu thật lâu bên phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thái đã để lại nhiều xúc cảm. Đó là ông Nguyễn Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An. Liệt sĩ Nguyễn Văn Thái là chú ruột của ông, hy sinh trên đất bạn Lào trong thời kỳ kháng chiến, được Đội quy tập tỉnh Nghệ An đưa về quê nhà an nghỉ. Ông kể, bà mình – Bà mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Em (trú tại TP. Vinh cũ) – có sáu người con thì ba người đã nằm lại nơi chiến trường, trong đó người con út chính là liệt sĩ Nguyễn Văn Thái.
Ông Nguyễn Hồng Kỳ – Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị tỉnh Nghệ An – lặng lẽ bên phần mộ liệt sĩ Nguyễn Văn Thái, chú ruột của mình. (Ảnh: Quốc Khánh)
Trước phần mộ chú, ông Nguyễn Hồng Kỳ lặng lẽ nhặt từng cọng cỏ, vuốt nhẹ từng mép bia đá. Một nén hương được ông thắp lên, không chỉ cho chú mình, mà còn cho những người đồng đội xung quanh. Ông chia sẻ, năm nào đến dịp 27/7, gia đình cũng thu xếp lên đây để thắp nén tâm hương tri ân, như một lời hẹn hò với quá khứ không bao giờ lãng quên.
“Đứng giữa bạt ngàn những ngôi mộ, mỗi lần đến đây, tôi luôn mang theo cảm xúc rất đặc biệt. Không chỉ là tình thân, mà còn là bổn phận của người hôm nay, tiếp nối những giá trị thiêng liêng mà các thế hệ đi trước đã để lại”, ông Kỳ xúc động chia sẻ.
Trên cương vị công tác, ông càng ý thức sâu sắc hơn về việc góp phần thúc đẩy các hoạt động hữu nghị, giao lưu hợp tác nhân dân, vun đắp tình đoàn kết Việt – Lào. Bởi theo ông, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào chính là một biểu tượng sống động và thấm đẫm nghĩa tình giữa hai dân tộc.
Toàn cảnh Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào nhìn từ trên cao – biểu tượng của tình đoàn kết đặc biệt Việt – Lào. (Ảnh: Quốc Khánh)
Từng đoàn người nối tiếp nhau đến dâng hương trong không khí trang nghiêm, thành kính. (Ảnh: Quốc Khánh)
Những ngày này, ông Ngô Hồng Thanh – Phó Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang cho biết, chỉ trong 3 ngày đã có hơn 100 đoàn với hàng ngàn lượt người đến thăm viếng, tưởng niệm. Có người tìm về phần mộ người thân, có người chưa từng quen biết, nhưng tất cả đều mang chung một tấm lòng thành kính trước anh linh những người đã hiến dâng tuổi trẻ cho hòa bình hôm nay.
Cũng trong chuỗi hoạt động tri ân, nhiều người dân và đoàn thể đã đến dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Truông Bồn – nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của 13 thanh niên xung phong Tiểu đội Thép trong những năm tháng khốc liệt của chiến tranh. Từng bước chân lặng lẽ trên con đường đỏ lửa năm xưa, ai cũng cảm nhận được sự thiêng liêng và tự hào, khi quá khứ oanh liệt vẫn còn in đậm trong từng tấc đất.
Nhân dịp này, cán bộ, phóng viên Văn phòng đại diện Bắc Trung Bộ – Tạp chí Kinh tế và Đồ uống cũng đã dâng hương tưởng niệm tại hai địa danh lịch sử, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với những người đi trước, đồng thời lan tỏa giá trị nhân văn sâu rộng trong cộng đồng.
Cán bộ, phóng viên Văn phòng đại diện Bắc Trung Bộ – Tạp chí Kinh tế và Đồ uống – dâng hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc tế Việt – Lào. (Ảnh: Quốc Khánh)
Trong hành trình về nguồn hôm nay, có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, có những bàn tay lặng lẽ nâng niu di ảnh người đã khuất… Nhưng trên hết, đó là niềm tin được thắp sáng - rằng sự hy sinh ấy vẫn sống mãi trong lòng hậu thế, như một phần máu thịt không thể tách rời của dân tộc Việt Nam yêu hòa bình và trọng nghĩa tình.
Dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Truông Bồn – nơi ghi dấu sự hy sinh anh dũng của những người con tuổi mười tám đôi mươi. (Ảnh: Quốc Khánh)
Quốc Khánh - Nguyệt Hằng - Cát Tường