Nghệ An: Phấn đấu cung ứng 41 triệu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao

Với diện tích rừng trồng lớn nhất cả nước, Nghệ An đang triển khai Đề án “Nâng cao chất lượng giống cây trồng lâm nghiệp giai đoạn 2024 - 2030”. Đề án này đặt mục tiêu đến năm 2030 cung ứng 41 triệu giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh và nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng.

Một số cơ sở đã áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất giống và tưới tiêu tại các vườn ươm. Người trồng rừng được đào tạo kỹ thuật và tham quan các mô hình hiệu quả, giúp nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng.

Tuy nhiên, việc phát triển rừng trồng tại Nghệ An vẫn còn gặp khó khăn do công nghệ sản xuất còn hạn chế, chủ yếu là gieo hạt và giâm hom, chưa ứng dụng các công nghệ tế bào, di truyền phân tử, hay công nghệ gen hiện đại. Một số tổ chức, cá nhân sản xuất chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh và không tuân thủ quy trình kỹ thuật, gây ảnh hưởng đến chất lượng giống.

Giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh và nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng.
Giống cây lâm nghiệp chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển lâm nghiệp bền vững của tỉnh và nâng cao giá trị kinh tế của rừng trồng.

Trước những thách thức này, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án nhằm nâng cấp hệ thống cơ sở nghiên cứu, vườn ươm và hỗ trợ các trung tâm sản xuất giống công nghệ cao. Đề án đặt mục tiêu xây dựng Trung tâm sản xuất giống ứng dụng công nghệ cao tại Khu Lâm nghiệp Bắc Trung Bộ, cùng với các cơ sở vật chất như Trung tâm Nuôi cấy mô tế bào, Xưởng đóng bầu siêu nhẹ và Khu lưu trữ nguồn gene quý.

Tỉnh cũng sẽ xây dựng mới khoảng 10 vườn ươm và cải tạo 13 vườn ươm hiện có để cung cấp đủ nguồn giống chất lượng cao cho các ban quản lý rừng và các công ty lâm nghiệp. Dự kiến sẽ hỗ trợ khoảng 12 triệu cây giống mầm mô chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cho các đơn vị này.

Bên cạnh đó, tỉnh tập trung xây dựng tiêu chí lựa chọn các cơ sở sản xuất giống ngoài quốc doanh, nghiên cứu và phát triển giống cây bản địa cũng như cây nhập nội. Đến năm 2030, tỉnh sẽ thiết lập hệ thống nguồn giống đảm bảo chất lượng di truyền, kiểm soát nguồn gốc giống đạt 95%, và tăng sinh khối rừng trồng từ 20-25m³/ha/năm.

Nghệ An cũng khuyến khích các tổ chức kinh tế trong và ngoài tỉnh tham gia sản xuất giống cây trồng, với mục tiêu đáp ứng đủ 41,5 triệu cây giống các loại mỗi năm, cùng với khoảng 1,5 - 2 triệu cây giống lâm sản ngoài gỗ trồng dưới tán rừng.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, UBND tỉnh đã chỉ đạo xây dựng danh mục loài cây ưu tiên và hoàn thiện hệ thống giống lâm nghiệp. Tỉnh sẽ nghiên cứu phát triển các loài cây bản địa, nhập nội chủ lực như quế Quỳ, lim xanh, samu, pơ mu và thông nhựa nhằm gia tăng giá trị kinh tế và bảo tồn nguồn gene quý.

Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh công tác quản lý giống cây trồng lâm nghiệp, đảm bảo cung cấp thông tin minh bạch và tăng cường thực thi pháp luật về quản lý giống. Các hỗ trợ tài chính như vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất và quỹ đầu tư sẽ giúp thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất và phát triển giống cây mới và chất lượng cao, góp phần bảo đảm phát triển lâm nghiệp bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Diễm Phước