Theo đó, nhằm thúc đẩy phát triển ngành lâm nghiệp theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao trong chuỗi giá trị sản xuất ngành lâm nghiệp; phát triển lâm nghiệp bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Đến năm 2025, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành ngành kinh tế động lực trong sản xuất và xuất khẩu của toàn khu vực Bắc Trung Bộ nói chung và tỉnh Nghệ An nói riêng.
Được biết, trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 45 doanh nghiệp chế biến gỗ, 100 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ và hàng nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng liên quan đến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Với một địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn, tài nguyên rừng phong phú và đa dạng thì việc gắn kết giữa trồng, khai thác, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết công ăn việc làm, thu nhập cho người dân, doanh nghiệp và đem lại nhiều hiệu quả xã hội, kinh tế tích cực khác cho địa phương.
Hiện nay, Nghệ An đang nỗ lực liên doanh, liên kết trong sản xuất lâm nghiệp, các hình thức liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lâm nghiệp để đảm bảo thị trường đầu ra của sản phẩm được ổn định.
Tỉnh Nghệ An đang hướng đến việc tạo chuỗi liên kết từ khâu tạo giống, trồng rừng đến khai thác, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa người trồng rừng với doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, rừng trồng thâm canh, chiếm 30% diện rừng trồng của tỉnh; nâng cao năng suất trồng rừng; tạo thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ.
Riêng đối với khai thác gỗ rừng trồng, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 đưa sản lượng khai thác gỗ từ rừng trồng đạt từ 2 - 2,2 triệu m3/năm. Đối với khai thác lâm sản ngoài gỗ, tỉnh hướng đến việc bảo vệ, khai thác bền vững 108.688 ha rừng mây, tre... hiện có.
Nằm trong vùng Bắc Trung Bộ, Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất toàn vùng và trên cả nước, với tổng diện tích đất lâm nghiệp được quy hoạch là 1.166.109 ha chiếm 70,7% tổng diện tích tự nhiên trong toàn tỉnh; tài nguyên rừng vô cùng phong phú, đa dạng, là nguồn cung cấp nguyên liệu tiềm năng cho tất cả các ngành sản xuất hàng hóa từ lâm sản và các dịch vụ môi trường.
Toàn tỉnh hiện có 965.057 ha đất có rừng chiếm 82,8% tổng diện tích đất lâm nghiệp, trữ lượng rừng trồng toàn tỉnh ước đạt 9,6 triệu m3, sản lượng khai thác bình quân hàng năm đạt từ 1,2 - 1,5 triệu m3.
Hoài Thanh