Địa phương thu hút đầu tư FDI cao
Tại cuộc họp báo, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Trường thông tin: Trong 6 tháng đầu năm 2023, tình hình kinh tế tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,79% (quý I tăng 7,60%; quý II tăng 4,31%), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm của cả nước (đạt 3,72%). Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,26%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,31% (riêng công nghiệp tăng 3,31%); khu vực dịch vụ tăng 7,91%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,24%.
Công tác đầu tư công năm 2023 cơ bản đã hoàn thành xong kế hoạch đầu tư, 3 chương chương trình mục tiêu quốc gia triển khai, chỉ đạo từ đầu năm. Tính đến 6 tháng đầu năm đã giải ngân 2.923,699 tỷ đồng, đạt 32,37% kế hoạch; trong đó, nguồn vốn đầu tư công tập trung tỉnh quản lý đã giải ngân đạt 26,05% kế hoạch.
Đối với việc thu hút đầu tư tính đến ngày 30/6/2023 đã có 66 dự án cấp mới (tăng 13,79% so với cùng kỳ) và điều chỉnh 84 lượt dự án; tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 22.309,7 tỷ đồng, trong đó vốn cấp mới là 19.838 tỷ đồng, tăng 1,34 lần so với cùng kỳ. Đặc biệt, tỉnh Nghệ An vươn lên vị trí thứ 8/63 địa phương về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng số vốn cấp mới và điều chỉnh là 725,4 triệu USD; thu hút thêm được 08 dự án FDI với số vốn đăng ký 613,8 triệu USD.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách cho người dân. Công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, triển khai có hiệu quả các hoạt động đối ngoại.
Thu ngân sách chưa đạt kỳ vọng
Dù vậy nhưng trước tình hình khó khăn chung của cả nước hoạt động sản xuất, kinh doanh tỉnh Nghệ An vẫn gặp một số khó khăn nhất là lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, một số loại hình dịch vụ nhà hàng, karaoke...; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, nhiều doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng dẫn tới cắt giảm lao động.
Thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài gây hạn hán, thiếu nước sản xuất, thiếu điện cục bộ; một số loại dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi diễn biến phức tạp; giá cả vật tư nông nghiệp tăng cao,...
Tốc độ tăng trưởng GRDP, thu ngân sách nhà nước chưa đạt kịch bản 6 tháng đề ra và thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022. Dù vốn đầu tư công trên địa bàn cao hơn so bình quân chung của cả nước nhưng còn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 và chưa đáp ứng so với kỳ vọng (tính đến ngày 30/6/2023, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt 32,37% kế hoạch)…
Với tình hình kinh tế, xã hội như hiện nay dự báo tiếp tục gặp rất nhiều khó khăn, thách thức, biến động khó lường thì mục tiêu, nhiệm vụ của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2023 đặt ra yêu cầu rất cao. Trong 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tiếp tục bám sát tình hình, quyết liệt chỉ đạo, điều hành triển khai, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, phấn đấu hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch 2023.
Tổ chức quán triệt, triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tỉnh Nghệ An ưu tiên nguồn lực và tập trung triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm như: Đường bộ cao tốc đoạn qua Nghệ An, đường ven biển, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp; tập trung thực hiện dự án cảng nước sâu Cửa Lò và nâng cấp sân bay quốc tế Vinh...
Phải kịp thời có phương án điều chỉnh, điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn đối với các dự án giải ngân chậm, không có khả năng giải ngân để bổ sung cho các dự án khác có tiến độ tốt, còn thiếu vốn và có khả năng giải ngân, nhất là dự án trọng điểm để nâng cao hiệu quả đầu tư....
Trí Thức – Diễm Phước