Nghệ An: Xuất hiện nhiều động vật quý hiếm ở rừng Pù Hoạt

Nhằm đánh giá tình trạng các loài linh trưởng và động vật hoang dã tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt (Nghệ An), các cán bộ kiểm lâm đã sử dụng công nghệ bẫy ảnh kỹ thuật số để ghi lại những khoảnh khắc quý giá về các loài động vật quý hiếm trong khu vực.

Theo đó, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt, tỉnh Nghệ An được xem là một trong ba vùng lõi của Khu Dự trữ Sinh quyển Tây Nghệ An. Khu bảo tồn đã được các tổ chức quốc tế và các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính đa dạng sinh học, với sự hiện diện của nhiều loài động, thực vật nguy cấp và quý hiếm.

Các cán bộ kiểm lâm đang lắp đặt hệ thống bẫy ảnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Các cán bộ kiểm lâm đang lắp đặt hệ thống bẫy ảnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt

Về thực vật, khu bảo tồn đã xác định được 2.425 loài và dưới loài, thuộc 885 chi, 208 họ của 6 ngành thực vật bậc cao có mạch. Trong đó, 130 loài được xếp vào danh sách nguy cơ tuyệt chủng, bao gồm 112 loài được ghi nhận trong Sách đỏ Việt Nam.

Về động vật, có 1.315 loài thuộc 221 họ và 56 bộ đã được ghi nhận. Đáng chú ý, 199 loài đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng ở các mức độ khác nhau, trong đó có 91 loài được liệt kê trong Sách đỏ Việt Nam.

Những chú Vọoc xám được ghi lại thông qua bẫy ảnh
Những chú Vọoc xám được ghi lại thông qua bẫy ảnh

Để thu thập thông tin về các loài động vật hoạt động chủ yếu vào ban đêm hoặc rất nhạy cảm với sự xuất hiện của con người, cán bộ kiểm lâm đã triển khai đặt bẫy ảnh tại nhiều địa điểm trong khu bảo tồn. Kết quả từ các bẫy ảnh này không chỉ ghi lại được sự hiện diện của các loài động vật quý hiếm mà còn giúp xác định các mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ sinh thái đa dạng tại Pù Hoạt.

Hình ảnh chú chồn vàng được ghi lại một cách rõ nét
Hình ảnh chú chồn vàng được ghi lại một cách rõ nét

Theo cán bộ của Khu Bảo tồn Thiên nhiên Pù Hoạt thì việc ứng dụng công nghệ bẫy ảnh đã giúp ghi nhận nhiều loài thú quý hiếm có trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ của Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Những dữ liệu này giúp xác định các biện pháp quản lý và bảo tồn phù hợp, góp phần bảo vệ tính đa dạng sinh học của khu vực.

Cầy vòi mốc phát hiện tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong
Cầy vòi mốc phát hiện tại khe Nậm Cân, xã Thông Thụ, huyện Quế Phong

Ngoài công tác giám sát và bảo tồn, mỗi năm khu bảo tồn tổ chức từ 30 đến 40 chuyến công tác tới các thôn, bản trong khu vực để tuyên truyền cho người dân về sự quan trọng của việc bảo vệ các loài động vật quý hiếm. Đồng thời, khu bảo tồn thường xuyên tổ chức các hoạt động cứu hộ và thả lại vào môi trường tự nhiên các loài động vật hoang dã bị bắt giữ trái phép hoặc bị thương.

Diễm Phước