Quyết sách phù hợp với tình hình hiện tại
Làn sóng dịch COVID 19 lần thứ 4 tại Việt Nam đang dần dần được kiểm soát, công tác phòng chống dịch đang cho thấy những kết quả mong đợi. Hiện nay, trong bối cảnh độ bao phủ tiêm vaccine ở nước ta vẫn còn ở mức khiêm tốn, khả năng bùng phát dịch vẫn có thể sẽ quay trở lại bất cứ lúc nào. Việc chuyển hướng tiếp cận từ mức "Zero COVID-19" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả", tức là chúng ta đồng thời vừa phải phòng chống dịch hiệu quả vừa phát triển kinh tế- xã hội.
Sau đợt dịch vừa qua, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới và các chuyên gia đều nhận định dịch COVID-19 chưa thể kiểm soát hoàn toàn được trong năm 2021 và năm 2022, thậm chí còn có thể xuất hiện biến chủng mới nên rất khó lường trong việc phòng chống dịch hiện nay. Chính vì vậy, nhiều quốc gia trên thế giới đã thay đổi quan điểm ứng phó với dịch, đó là từ cố gắng dập tắt dứt điểm dịch sang chung sống an toàn với dịch.
Vừa qua, ngày 11/10/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định 128/NQ-CP về quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.Theo quan điểm của Chính phủ tại Nghị quyết này sẽ thực hiện mục tiêu kép là đặt tính mạng, sức khỏe của người dân lên trước hết, đồng thời không gây ách tắc cho lưu thông, sản xuất; đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất toàn quốc, đồng thời phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở. Các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả phải được thực hiện dứt khoát, kịp thời, quyết liệt.
Với tình hình dịch bệnh diễn ra tại Việt Nam như hiện nay, Nghị quyết 128 được ra đời là hết sức cần thiết, góp phần mở ra một bước ngoặt, giúp người dân được đi lại thuận tiện, tạo ra những cơ hội để người dân tiếp cận được nhiều việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Ngoài ra, bảo đảm từng bước khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội như vận tải hàng hóa giữa các vùng miền, các địa phương được thông suốt; hạn chế được sự đứt gãy chuỗi cung ứng, giải quyết đầu vào và đầu ra của sản phẩm hàng hóa trên nhiều lĩnh vực như, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại dịch vụ; hoạt động vận chuyển hành khách cũng thuận tiện hơn, kích thích nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều nơi; từng bước khôi phục lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đặc biệt, giúp cho chính quyền địa phương, những người thực thi nhiệm vụ, và người dân thay đổi nhận thức trong công tác phòng, chống dịch, từ đó, hình thành nên ý thức, trách nhiệm, thấy rõ vai trò quan trọng của từng thành phần tham gia vào công cuộc thích ứng lâu dài, linh hoạt, phòng ngừa và kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, sớm đưa đất nước trở lại cuộc sống bình thường mới.
Bên cạnh đó, trong Nghị quyết 128 của Chính phủ có nhiều nội dung quan trọng, phù hợp, khoa học, làm cơ sở, nền tảng, mang tính định hướng rõ ràng, minh bạch để giúp các bộ, ngành từ Trung ương đến địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống và kiểm soát dịch một cách thống nhất, đồng bộ, hiệu quả, hạn chế mức thấp nhất những thiệt hại về sức khỏe, tính mạng của nhân dân.
Theo ông Lê Tiến Châu, các chính sách của Chính phủ hiện đang đi đúng hướng, tập trung vào việc khởi động quá trình mở cửa nền kinh tế; các giải pháp hỗ trợ đối với nhóm các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho hoạt động của khu vực đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công.
Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cho rằng, cần tiếp tục chủ động rà soát, kịp thời điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện hệ thống pháp lý và các chính sách cho phù hợp với bối cảnh mới; loại bỏ những quy định chồng chéo, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; xây dựng, triển khai những chính sách tạo tiền đề cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số trong quản trị, hoạt động của chính quyền, người dân và doanh nghiệp, tạo sự đột phá trong chuỗi giá trị toàn cầu.
Liều thuốc bổ cho doanh nghiệp cả nước
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, cộng đồng doanh nghiệp đã hết sức cố gắng để chủ động ứng phó, thích ứng linh hoạt và tiếp tục đồng hành cùng các cơ quan Nhà nước trong phòng, chống đại dịch. Đồng tình trước chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, "sống chung" với dịch bệnh, Tiến sỹ Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đưa ra một số khuyến nghị trong công tác đẩy lùi dịch bệnh, nhằm đảm bảo sự vững vàng của cả ba trụ cột: y tế, kinh tế, xã hội.
Theo đó, việc thích ứng linh hoạt, an toàn của doanh nghiệp trước đại dịch cần gắn với việc trao niềm tin, sự chủ động cho các doanh nghiệp trong ứng phó với dịch bệnh. Việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế cần được xác định như một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, được thực hiện quyết liệt.
Ông Hà Đức Hùng, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho hay: “Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, mong muốn lớn nhất của doanh nghiệp là có quy định, biện pháp áp dụng thống nhất về công tác phòng, chống dịch, chứ không phải mỗi địa phương áp dụng mỗi kiểu. Do đó, chúng tôi rất đồng tình khi Chính phủ ban hành NQ128 quy định về giải pháp kiểm soát hiệu quả dịch bệnh một cách thống nhất trên cả nước, là tín hiệu tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh”.
Ông Hà Đức Hùng chia sẻ, trong thời gian qua, Chính phủ đã những có chính sách hỗ trợ về tài chính như giảm thuế, giảm lãi vay, bảo hiểm xã hội... giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn nhưng đây là giải pháp ngắn hạn. Về lâu dài, doanh nghiệp rất trông chờ về mặt cơ chế để phục hồi sản xuất, kinh doanh và NQ128 cơ bản đáp ứng giải quyết vấn đề này. Đây là giải pháp mà doanh nghiệp rất cần.
Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng nhìn nhận: “Trước đây, chúng tôi thường xuyên rơi vào thế bị động khi triển khai kế hoạch sản xuất, kinh doanh, đi lại vì phụ thuộc rất lớn vào quy định phòng, chống dịch của địa phương. Các quy định thì thay đổi liên tục khiến chúng tôi không thể xoay chuyển kịp. Tuy nhiên, trong Nghi quyết 128 quy định rõ các tỉnh, thành phố chuyển cấp độ kiểm soát dịch phải thông báo tối thiểu trước 48 giờ cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp. Tôi cho rằng đây là điểm mới và cần thiết để những người có nhu cầu đi lại nắm được thông tin và có sự chuẩn bị trước”.
Để cùng góp phần thực hiện “mục tiêu kép” nhiều doanh nghiệp chè đã chủ động lên kế hoạch dài hạn nhằm thích nghi với trạng thái bình thường mới. Bà Nguyễn Thị Loan, Giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư phát triển chè Tam Đường cho biết: “Trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Công ty CPĐTPT chè Tam Đường đã họp bàn, đưa ra nhiều giải pháp ứng phó đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến chè. Theo đó, công ty vẫn giữ nguyên quy mô hoạt động sản xuất, tiếp tục liên kết với nông dân; tuyên truyền, vận động bà con đầu tư thâm canh các vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng để cung cấp cho đơn vị”.
Ông Trương Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn nêu thực tế trong làn sóng dịch COVID-19 lần thứ 4, nhiều địa phương phía Nam đã phải áp dụng đợt giãn cách kéo dài chưa từng có tiền lệ, không chỉ gây khó khăn cho đời sống người dân mà còn ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế.
Theo ông Trương Tiến Dũng, Nghị quyết 128 thật sự “cởi trói” về mặt tinh thần cho người dân và doanh nghiệp, góp phần phục hồi kinh tế. Doanh nghiệp kỳ vọng việc thực hiện Nghị quyết 128 sẽ giúp giải quyết “hàng rào kỹ thuật” trong việc kiểm soát lưu thông giữa các tỉnh, thành phố mà thời gian qua chưa có sự thống nhất.
“Nghị quyết 128/NQ-CP đã thay đổi quan điểm và giải pháp phòng, chống dịch phù hợp với tinh thần “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.” “Mở cửa” không có nghĩa là không tiếp tục phòng, chống dịch mà chuyển sang phòng, chống dịch với một tinh thần mới. Chống dịch nhưng không “khóa chặt," “chôn chân” người dân một chỗ mà kiểm soát lưu thông một cách khoa học, tạo điều kiện cho người dân mưu sinh và doanh nghiệp trở lại hoạt động một cách an toàn," ông Trương Tiến Dũng nhấn mạnh.
* Bài viết tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.