Ở miền Bắc, trà được trồng tốt nhất là khoảng tháng 8 - 10 (mưa ngâu), cũng có thể trồng vào tháng 2 - 3 (mưa xuân). Miền Nam trồng vào đầu mùa mưa từ tháng 5 - 7. Nếu sau trồng gặp hạn thì cần phải tưới nước cho chè mau bén rễ. Do đó, cây chè sẽ cho hiệu quả cao nếu người trồng chè biết cách chọn giống chè tốt, phù hợp và vận dụng đúng kỹ thuật chăm sóc, sử dụng phân bón một cách hợp lý, đảm bảo.
Theo các chuyên gia tư vấn Nông nghiệp, đối với cây chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc điểm hình thành đất trồng chè ở nơi đây là do đá phiến thạch phong hoá nên bản thân đất đã chua và nghèo dinh dưỡng đặc biệt các nguyên tố trung vi lượng, cộng với quá trình đốt rẫy nên đất ngày càng bị rửa trôi xói mòn, độ pH thấp từ 3 - 4 nghèo các chất dinh dưỡng trung vi lượng. Trong khi đó cây chè lại cần độ pH từ 4,5 - 5,5 và phải có hàm lượng canxi, ma nhê và các chất vi lượng từ trung bình trở lên.
Đánh giá dựa trên các chỉ số phân tích thổ nhưỡng, kỹ thuật chăm sóc… các chuyên gia ngành chè cũng xác định, trung bình để đạt 2 tấn chè búp khô/ha, cây chè lấy đi khoảng 80kg N, 40kg P2O5, 30kg K2O, 8kg MgO, 16kg CaO và các chất vi lượng như kẽm (Zn), Bo (B), Môlípđen (Mo)...
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về ngành chè: Nếu năng suất 3 tấn chè búp khô/ha thì nhu cầu dinh dưỡng của cây chè tăng gấp trên 2 lần, đặc biệt các chất trung lượng như ma nhê, canxi và các chất vi lượng như kẽm, bo, mô líp đen... cây chè cần rất nhiều.
Qua phân tích hóa lý tính đất trồng chè ở các tỉnh miền núi phía Bắc cho thấy đại bộ phận là đất dốc, tầng đất canh tác mỏng 50 - 70cm. Mùa mưa đất đai bị rửa trôi, xói mòn, mùa khô cây chè gặp hạn trầm trọng; hơn nữa, nông dân ít sử dụng phân hữu cơ mà chủ yếu bón các loại phân giúp cho chè xanh ngay nên thường chỉ bón phân đạm và kali.
Ngoài các chất dinh dưỡng đa lượng (N, P2O5, K2O), các chất trung lượng (CaO, MgO, SiO2, S…) còn có các chất vi lượng như Cu, Mn, Bo, Co, Mo, Zn... rất cần thiết cho sự phát triển của cây chè mà các loại phân bón khác không có; giúp cho cây sinh trưởng phát triển khỏe, búp lên đều, năng suất và chất lượng búp tăng, phát triển cân đối về bộ rễ, thân lá và mật độ búp; đặc biệt tỷ lệ búp mù xoè giảm đi rất nhiều, điều này giúp cây chè tăng khả năng chống chịu sâu bệnh và điều kiện thời tiết bất lợi.
Bên cạnh kỹ thuật chăm sóc, những năm gần đây, khi nhu cầu của thị trường về chè và các sản phẩm từ chè phục hồi, nhiều địa phương ở các tỉnh phía Bắc đã quan tâm cải tạo cây chè truyền thống nhằm đưa cây chè trở thành cây trồng chủ lực, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn và mang lại giá trị kinh tế cao.
Di Linh