Người nắm giữ thời gian qua những món đồ cổ

Thú chơi đồ cổ được coi là bộ môn nghệ thuật tao nhã, “kén” người chơi bởi để theo đuổi được nó các nhà sưu tầm buộc phải đầu tư sâu về kiến thức, có dày dặn kinh nghiệm lẫn thời gian tiếp xúc và đặc biệt là có nền tài chính vững vàng. Là một trong người dành tình yêu cho những món đồ cổ, anh Vũ Ngọc Thanh ( sinh năm 1972 tại Nguyễn Phúc, Yên Bái) đã có những chia sẻ hết sức thú vị về niềm đam mê với bộ môn nghệ thuật đắt đỏ này.

Từ tò mò đến say mê…

Anh Thanh kể, ngay từ khi còn nhỏ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp sang trọng của những chiếc tủ đồng hồ, tò mò bởi sự kì diệu của chiếc radio “ biết đọc thời sự”, “biết kể chuyện” của ông nội. Vốn chỉ dừng lại với niềm yêu thích xong, trong chuyến di cư đến Trvana, tình yêu dành cho những món đồ cổ lại một lần nữa được đánh thức trong anh.

Khi cùng gia đình qua Slovakia kinh doanh, trong một lần dọn dẹp căn nhà mới mua lại, anh đã tình cờ phát hiện ra vẻ đẹp của những món đồ mà chủ nhân cũ của ngôi nhà để lại. Đó là một chiếc tủ đồng hồ, chiếc xe đạp đã nhoè vết sơn và vài chiếc radio cũ. Có lẽ với người khác, đó chỉ là những món đồ bỏ đi, xong trong mắt anh đó lại là những món đồ “giá trị”, bởi sau cái vể cũ kĩ của chúng là những câu chuyện, những nét văn hoá độc đáo của người dân bản xứ.

Mọi thứ bắt đầu từ sự tình cờ, sau này, khi tìm hiểu kĩ về nguồn gốc xuất sứ, lịch sử tạo nên những món đồ đó anh càng thêm say mê và hứng thú. Bén duyên với đồ cổ gần chục năm nay, anh Vũ Ngọc Thanh đã không ít lần ngược xuôi khắp các quốc gia trong khu vực châu Âu chỉ để “săn lùng” những chiếc đồng hồ quý hiếm.

Một trong số tủ đồng hồ cổ mà anh tâm đắc nhất là chiếc Dold của Đức, món đồ khiến anh ròng rã tìm mua suốt 3 năm trời. Anh Thanh chia sẻ: “Sau khi nghe bạn bè giới thiệu, tôi đặt vé sang Đức để hỏi mua. Mọi chuyện tưởng thuận lợi xong do mắc một số giấy tờ, chiếc đồng hồ không thể được chuyển trực tiếp về mà phải gửi trung gian qua Séc rồi mới “cập bến” ở Việt Nam. Dù mọi chuyện khá phức tạp, tuy nhiên khi ngắm nhìn chiếc tủ yêu thích được đặt ngay ngắn tại ngôi nhà của mình, mọi mệt mỏi đều hoá hư không.”

Cận cảnh chiếc đồng hồ anh Thanh cất công “săn lùng” tại Đức.
Cận cảnh chiếc đồng hồ anh Thanh cất công “săn lùng” tại Đức.

“Nắm giữ thời gian qua những món đồ”

Giống như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, chơi đồ cổ cũng có các “trường phái” khác nhau, phổ biến nhất là chơi theo phong cách cổ đồ và chơi theo phong cách sưu tập… Đối với anh Vũ Ngọc Thanh, đồng hồ và radio cổ là những món đồ gây cho anh nhiều hứng thú nhất trong suốt quá trình bước chân vào giới sưu tập đồ cổ.

Giới thiệu về căn phòng nhỏ chứa đầy những tủ đồng hồ, loa đài, radio, anh Thanh cho biết: Đồ cổ với nhiều phân khúc, giá trị khác nhau từ vài trăm nghìn đồng, tới vài triệu, vài chục triệu, thậm chí có món đồ định giá trên cả trăm triệu đồng. Những chiếc xe đạp Farorit, xe đạp thống nhất, đồng hồ cổ,  đài radio…ra đời từ các thập niên 30 đến thập niên 90 mang trong mình những câu chuyện gắn liền với lịch sử.

Dẫu trải qua tháng năm, chúng đã ở đó, tồn tại và là những nhân chứng sống động nhất cho từng giai đoạn của dòng chảy thời gian. Mỗi khi nghe nhạc qua chiếc Panasonic UHF VHF TR-5050P (1981), dường như tôi được sống lại trong buổi trưa hè với bản phát thanh “bước chân nhanh nhanh, em đi đưa cơm cho mẹ em đi cày”…

Nhiều lúc, chính tôi cảm thấy bản thân như được nắm giữ thời gian thông qua những món đồ cổ, được tận hưởng chút ngọt ngào trong kí ức của những ngày tháng tưởng như đã lãng quên.”

“Góc nhỏ” trưng bày đồ cổ mà anh Thanh sưu tập
“Góc nhỏ” trưng bày đồ cổ mà anh Thanh sưu tập

Hành trình “săn lùng” đồ cổ

Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ 4.0 việc chơi đồ cổ không còn gói gọn trong khoảng vùng miền mà phát triển giao lưu trên phạm vi cả nước và cả thế giới. Nhiều hội nhóm được lập ra với mục đích giao lưu, chia sẻ sở thích cá nhân của bản thân. Cũng từ đây, việc giao dịch, trao đổi đồ cổ diễn ra vô cùng sôi nổi nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Về vấn đề này, anh Thanh cho biết bản thân chỉ coi các sàn điện tử là kênh thông tin tham khảo, phần lớn muốn tìm mua được những món đồ giá trị và chất lượng đòi hỏi người sưu tập phải cất công tìm đến tận nơi, xem xét, thẩm định, khảo giá nhiều lần mới có thể “bỏ túi” những món đồ ưng ý.

Nói về những khó khăn khi theo đuổi niềm đam mê với đồ cổ, anh Thanh cho rằng thời gian là thứ phải bỏ ra nhiều nhất. Ngoài khi tìm kiếm, gặp gỡ và thương lượng về giá cả, khi đồ về đến tay, anh còn dành thêm công sức “tút tát” lại nhan sắc cho chúng.

Một trong số đó là chiếc xe đạp Europa sản xuất năm 1972 tại Tây Đức. Anh kể: “Các món đồ cổ ít nhiều đều phảng phất bụi thời gian. Anh bạn này cũng vậy, sau khi mua về, tôi ngay lập tức bắt tay vào công cuộc vệ sinh lại, tiếp đến là bảo dưỡng các chi tiết để bảo đảm điều kiện tốt nhất khi đưa vào sử dụng.”

Chiếc xe đạp có cùng tuổi đời với anh Thanh được sản xuất tại Đức
Chiếc xe đạp có cùng tuổi đời với anh Thanh được sản xuất tại Đức

Trong giới chơi đồ cổ đều thuộc lòng bốn tiêu chí “Nhất dáng, nhì da, tam toàn, tứ tuổi”, điều đó có nghĩa là bên cạnh cái “dáng”, cái “da” (ám chỉ phần kỹ thuật, nghệ thuật tạo nên món đồ đó) thì tuổi tác và độ toàn vẹn là những tiêu chí quan trọng khi nhận định hay đánh giá cổ vật. Với nhiều người, đồ cổ giống như một món đồ trang trí bóng bẩy, đôi khi dùng để “khoe khoang” với thiên hạ về độ giàu có và chịu chơi của người sở hữu.

Còn đối với cá nhân anh Vũ Ngọc Thanh, vẻ hào nhoáng và bóng bẩy kia cần đi kèm với giá trị thực, ấy là khi chúng vẫn hoạt động bền bỉ bất kể thời gian: “Phong cách chơi đồ cổ giống như một bức tranh đa sắc phản ánh chân thực cá tính của người chơi. Với tôi, bên cạnh thiết kế độc, lạ, hiếm thì công năng của chúng là thứ mà tôi đặc biệt quan tâm.”

Chơi đồ cổ là thú vui cá nhân, do đó, sự đa dạng về phong cách, chủ đề sưu tậm và những con số không hoàn toàn quyết định giá trị của bộ sưu tập đó. Cái cốt lõi của thú vui này nằm ở độ hiếm, óc sáng tạo độc lạ của người chế tác và hơn cả là công sức của người chơi bộ môn nghệ thuật này. Nhờ có công sức của người sưu tầm mà món đồ càng trở nên giá trị và đáng quý.

Vì thế cho nên, chơi đồ cổ không chỉ phục vụ đam mê của riêng bản thân người chơi mà phần nào đó bộ môn này còn kích thích và lan toả tình yêu đối với lịch sử nói chung và các giá trị truyền thống mang đậm bản sắc của từng quốc gia, khu vực trên toàn thế giới.

Phùng Quyên