Hoa cúc “thức” sáng bừng vùng quê nghèo
Tết Nguyên đán 2025 cận kề, đây cũng là thời điểm quan trọng nhất để người trồng hoa tại thôn Kiên Long (xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) bắt đầu sử dụng kỹ thuật chăm sóc giúp hàng nghìn chậu hoa cúc nở vào đúng dịp Tết.
Tranh thủ chiều tạnh ráo ghé thăm “thủ phủ” hoa cúc Bình Định, mới hơn 18h, hàng loạt nhà vườn hoa cúc tại Làng hoa Bình Thành đã sáng trưng ánh đèn, khiến cho không gian vùng quê nghèo trở nên lung linh, rực rỡ.
Theo những người trồng hoa tại đây chia sẻ, để hoa nở đúng vào dịp Tết, những ngày này, các hộ dân tại làng hoa Bình Thành thắp sáng đèn điện xuyên đêm để bắt hoa "thức" liên tục từ 16-18h mỗi ngày. Điều này giúp cho hoa cúc sinh trưởng nhanh, ra tán chậu hoa đẹp cao tầm 1m, đồng thời cũng “giam cầm” việc ra nụ hoa của cây.
Trong màn đêm tĩnh mịch của làng quê nghèo, một vùng ánh sáng vàng, trắng hiện lên biến nơi đây trở nên như một “kinh đô ánh sáng” sầm uất. Ánh sáng được thắp lên từ những bóng đèn huỳnh quang loại nhỏ, công suất 15-20W, hệ thống bóng điện được lắp đặt với mật độ cách nhau 1,5-2m, tùy vào điều kiện của mỗi gia đình.
Theo ông Lê Cường (55 tuổi), người có mấy chục năm kinh nghiệm trồng hoa cúc tại Làng hoa Bình Thành chia sẻ, từ lúc xuống giống đầu tháng 7 Âm lịch cho đến khoảng giữa tháng Chạp, nhà vườn phải liên tục chong đèn đêm cũng như ngày để giữ cây hoa cúc không được ra búp.
"Hoa cúc là loại cây chịu nhiệt, khi chong đèn cây hoa cúc sẽ không “ngủ” được, lúc ấy búp hoa cúc sẽ không ra. Đến khoảng giữa tháng Chạp, chúng tôi sẽ ngắt điện cho cây hoa cúc nghỉ ngơi, ra búp và nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán”, ông Lê Cường thông tin.
Theo ghi nhận tại Làng hoa Bình Thành, để hoa phát triển đúng như kỳ vọng, không riêng gì hộ gia đình ông Cường, các hộ trồng hoa cúc tại đây đều đã đầu tư hệ thống đèn tự động bật sáng cho toàn bộ diện tích trồng hoa của gia đình. Tùy theo điều kiện mỗi hộ mà đầu tư từ vài chục đến vài trăm triệu đồng cho mỗi hệ thống sáng.
“Nhà tôi năm nay trồng khoảng 1.200 chậu hoa cúc lớn nhỏ các loại, với thời tiết đêm dài ngày ngắn, mưa nhiều tại Bình Định thì hệ thống đèn sẽ sáng từ 18h hằng ngày đến khoảng 4h hôm sau thì tắt. Mỗi tháng gia đình tôi tốn khoảng 1.500.000 – 2.000.000 đồng tiền điện,”, ông Cường cho hay.
Trông chờ vào thương lái
Xã Bình Thành hiện có khoảng 30 hộ chuyên trồng hoa cúc với khoảng 25.000 chậu lớn nhỏ, tập trung chủ yếu ở thôn Kiên Long, với diện tích 4ha, do chính quyền địa phương quy hoạch vào năm 2021.
Bình Định đang trong khoảnh khắc giao mùa Thu Đông, thời tiết mưa nắng thất thường khiến trời nhanh tối. Đây là hiệu ứng xấu ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng hoa cúc kéo theo nỗi lo âu thường trực trên mắt người trồng hoa.
Làm lụng vất vả quanh năm chỉ trông chờ vào dịp Tết, hoa cúc Tết nghiễm nhiên trở thành vụ hoa lớn nhất trong năm nên ai cũng kỳ vọng hoa đạt chất lượng và giá cao để người nông dân có một cái Tết ấm no, đủ đầy.
Tuy nhiên, theo anh Thái Văn Tín (38 tuổi) người trông hoa tại đây cho hay, vụ hoa Tết năm nay có thành công hay không còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết trong thời gian tới. Năm nay thời gian đầu xuống giống gặp mưa lớn nên cây giống bị hư hại, nhưng người dân vẫn kịp thời xử lý.
"Nhà tôi mỗi năm khoảng 350 - 500 chậu hoa cúc phục vụ Tết. Trồng hoa cúc không chỉ cần đủ ánh sáng mà chọn giống, sử dụng phân bón đúng liều lượng để phòng bệnh và tăng khả năng sinh trưởng cho cây cũng rất quan trọng", ông Cường cho hay.
Ông Lê Cường, anh Tín và nhiều hộ trồng hoa tại đây cho hay, nghề trồng hoa cúc thì chắc chắn một điều phải ăn ở cùng cây, chăm sóc từng li từng tí như con mọn. Chỉ cần sơ sẩy một chút là ảnh hưởng rất nặng đến chất lượng cây và hoa sau này. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình đều trông chờ vào hàng trăm chậu cúc xuất đi trong dịp Tết.
“Năm ngoái cúc bán không được giá lắm nên năm nay gia đình tôi giảm xuống còn 350 chậu cúc các loại. Chi phí phân bón và thuốc cho hoa cúc nhiều vì thời tiết Bình Định mưa gió bão ảnh hưởng. Chỉ mong đến cuối vụ năm nay kiếm được đủ những ngày công khoảng 100-150k.
Tôi cùng bà con tại đây chỉ mong muốn một điều, làng hoa được quảng bá để nhiều người biết. Hiện tại buôn lái đang ít người biết đến. Thị trường chủ yếu là các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đắk Lắk, Kon Tum…”, anh Thái Văn Tín chia sẻ.
Xưa nay các chủ vườn tại Làng hoa Bình Thành sản xuất theo kiểu “lấy công nhà làm lời", hạn chế thuê mướn nhân công để tiết kiệm tối đa chi phí. Hiện các hộ tập trung toàn lực để chăm sóc tốt cho hoa vì muốn có đầu ra sản phẩm tốt, trước hết cần có những chậu hoa đẹp, nở đúng Tết.
“Những hộ trồng hoa tại đây đều áp dụng phương pháp “buôn tận gốc, bán tận ngọn”. Nhiều người xem nghề trồng hoa là công việc mưu sinh nên dù khó khăn cũng không buông bỏ, cố gắng bám trụ với nghề theo năm tháng”, ông Lê Cường thông tin.
Theo các nhà vườn, cách đây 2-3 năm, thị trường hoa cúc tiêu thụ mạnh. Nguyên nhân người dân tiết kiệm chi tiêu vào dịp Tết nên không mua những loại hoa đắt tiền. Năm nay kinh tế dần phục hồi sau đại dịch Covid-19, vì vậy người trồng hoa cúc Bình Thành quyết định đầu tư vốn nhiều để cho ra thị trường nhiều chậu hoa chất lượng./.
Văn Minh