Người trẻ giữ gìn văn hóa trà như thế nào?

Văn hóa trà Việt Nam, từ khởi đầu mộc mạc đến hình thức nghệ thuật tinh tế, đã trở thành một phần không thể tách rời trong đời sống tinh thần của người Việt.

Cội nguồn của trà 

Dấu vết trà Việt Nam từng xuất hiện trong truyền thuyết Trương Chi - Mỵ Nương, một mối tình lãng mạn từ thời cổ sử Việt. Diễn ra trong bối cảnh thời đại các vua Hùng (2879-257 TCN). Và bằng chứng đáng tin cậy nhất là các địa danh từng xuất hiện trong câu chuyện kể vào đời Hùng Duệ Vương, một vị quý phi của vua Hùng đã về làng Văn Luông (nay là Văn Phú), Phú Thọ dạy dân trồng chè, trồng bông sinh sống. Để ghi nhớ công nghiệp khai sáng ấy của bà, vùng đất trồng chè, trồng bông năm xưa, dân cư tụ về sinh sống và đã tạo dựng nên những xóm làng mang tên: Xóm Bãi Chè, xóm Bông vẫn tồn tại mãi tới ngày nay.

Trà ở Việt Nam được chia thành các loại: trà xanh, trà đen, trà cỏ, trà hương quế, trà hoa cúc… Với những đặc điểm khác nhau như vị hảo hạng, mùi thơm nồng, tốt cho sức khỏe với các tính chất khác nhau.

Chính nhờ vào nét đặc trưng riêng của trà Việt Nam, nó đã trở thành một phần không thể thiếu trong giao lưu văn hóa và ngoại thương được đưa ra thế giới. Hiện nay, Việt Nam đang là một trong những nước sản xuất trà lớn nhất thế giới, đặc biệt là trà xanh được yêu thích và được xuất khẩu rộng rãi.

Văn hóa trà trong nếp sống của người Việt 

“Khi hương sớm lúc trà trưa

Bàn lan điểm nước đường tơ họa đàm”.

Trà được sử dụng phổ biến trong các gia đình từ nông thôn đến thành phố. Trong gia đình người Việt, thường sẽ có một bộ ấm chén pha trà đặt ở vị trí trang trọng, chủ yếu là trong phòng khách. Trà là phần quan trọng trong các nghi lễ cưới hỏi, giỗ và các nghi lễ thờ cúng. Trà được dâng lên như một biểu tượng của sự thanh khiết, lòng thành kính và sự tôn trọng đối với thần linh, tổ tiên.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trong giao tiếp, trà xem như thức uống thể hiện lòng hiếu khách. Khi có khách đến thăm, chủ nhà thường pha trà mời khách như một biểu hiện của sự thân thiện và quý mến. Uống trà không chỉ là thú vui mà còn gắn liền với triết lý sống thanh tịnh, gần gũi với thiên nhiên và tìm kiếm sự an yên trong tâm hồn.

Người trẻ Việt giữ gìn văn hóa trà 

Xã hội hiện đại đang thay đổi với nhiều xu hướng tiêu dùng khác nhau, song văn hóa trà vẫn giữ một vị trí quan trọng nhờ vào sự đóng góp tích cực của giới trẻ. Họ làm mới trải nghiệm với trà theo cách riêng mà vẫn tôn trọng và bảo tồn giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống. 

Theo thời gian, trà đã không còn là thức uống xa xỉ thể hiện đẳng cấp xã hội, thú uống trà đã trở thành một nét đẹp văn hóa trong đời sống bình dân của mỗi người. Văn hóa uống trà vẫn tồn tại theo dòng chảy của thời gian cho đến ngày nay, nét đẹp văn hóa ấy đã và đang được kế thừa bởi thế hệ trẻ hiện đại.

Theo đó, giới trẻ kết hợp nghệ thuật trà truyền thống với phong cách hiện đại, từ không gian đến cách thức sáng tạo và trải nghiệm. Các quán trà dành cho giới trẻ hiện nay không chỉ dừng lại ở mô hình quán cà phê mà còn phát triển các không gian trà đạo mang hơi hướng hiện đại nhưng vẫn đậm chất Việt. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Bên cạnh những loại trà truyền thống, giới trẻ cũng sáng tạo nhiều loại trà mới như trà sữa, trà trái cây hay các loại trà thảo mộc kết hợp cùng những nguyên liệu khác. Mặc dù mang màu sắc hiện đại, những thức uống này vẫn giữ được bản chất của trà, tạo ra một trải nghiệm mới mẻ, nhận được nhiều sự quan tâm từ những người trẻ. 

Nhiều hoạt động, workshop về trà được tổ chức, thu hút được sự chú ý và tham gia từ nhiều lứa tuổi khác nhau, đặc biệt là giới trẻ như: Cùng người Việt trẻ thưởng trà, Hương vị của trà, Tất tần tật về trà... Tại đây, người tham gia được kết nối, chia sẻ về niềm đam mê với trà, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa trà. Đây cũng là dịp để người trẻ chạm gần hơn đến văn hóa truyền thống, cảm nhận hương vị độc đáo, nhận thức được sâu sắc hơn về lịch sử, truyền thống và tinh thần của trà Việt.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều doanh nghiệp trẻ ở Việt Nam đã khởi nghiệp với các thương hiệu trà không chỉ mang đến những dòng sản phẩm chất lượng cao phục vụ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu ra quốc tế. Những sản phẩm này được đầu tư kỹ lưỡng về bao bì, xây dựng thương hiệu và gắn liền với các giá trị văn hóa, góp phần giới thiệu văn hóa trà Việt với bạn bè quốc tế, khẳng định vị thế của trà Việt Nam. Nhiều thương hiệu do người trẻ làm còn tận dụng các nền tảng mạng xã hội Instagram, Facebook, YouTube để quảng bá về văn hóa trà, cách pha trà và các giá trị truyền thống. Những bài viết này không chỉ tiếp cận được người dùng trong nước mà còn thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế, giúp văn hóa trà Việt ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn.

Có thể thấy, việc giữ gìn văn hóa trà của giới trẻ không chỉ là bảo tồn những giá trị cũ mà còn là sự kết hợp giữa truyền thống với hiện đại để văn hóa trà tiếp tục phát triển mạnh mẽ và có sức sống lâu dài trong xã hội ngày nay. Đây là một quá trình quan trọng, nơi những giá trị truyền thống được tái hiện và duy trì trong thời đại hiện đại hóa và toàn cầu hóa. Văn hóa trà là việc thưởng thức một thức uống đồng thời mang trong mình ý nghĩa sâu sắc về tinh thần, lịch sử và phong cách sống của từng quốc gia, đặc biệt là ở các nước châu Á như Việt Nam.