Cơ duyên đặc biệt
Gặp nhà báo Trần Văn Hiền - Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An vào một ngày đầu xuân năm mới tại chùa Âu Lạc, nghe ông kể về những kỷ niệm, hành trình và cơ duyên đặc biệt đã tìm được danh sách 511 phóng viên, nhà báo là liệt sỹ để được thờ tự tại đây.
Xuất thân là một chiến sỹ bén duyên sang làm báo, nhà báo Văn Hiền thấu hiểu được nỗi đau, mất mát mà chiến tranh mang lại.
Từ năm 1993 khi bắt đầu làm phó Tổng biên tâp Báo Nghệ An, ông đã bắt đầu nghĩ đến chuyện đi tìm các người bạn của mình hi sinh trong chiến trường. Đó là nhà báo liệt sĩ Vũ Hiến (báo Quân chủng Hải quân Việt Nam) và nhà báo Bùi Nguyên Khiết (báo Hoàng Liên Sơn) là hai liệt sĩ nhà báo từng học với ông tại Trường Tuyên giáo Trung ương. Tuy nhiên, khi đến nơi đào ngôi mộ được cho là của bạn mình lên thì vợ của nhà báo Vũ Hiến phát hiện ra đó không phải là ông.
Đây chính là cơ duyên thôi thúc ông để làm nên chuyến hành trình dài đi tìm danh sách các đồng đội, những liệt sỹ là nhà báo, phóng viên hi sinh từ Bắc vào Nam.
Để tìm những người bạn ở các chiến trường, nhà báo Văn Hiền đã dựa vào những cuộc hội thảo của cơ quan đến các địa phương để có chi phí đi lại.
Ngoài ra để tiện và đỡ vất vả trong công tác tìm kiếm sau khi phát hiện các nhà báo hi sinh tại các chiến trường nào thì ông xin công văn Hội nhà báo nơi đó để nhờ họ giúp mình tìm.
Ông Hiền cho biết, trong chiến trường nhà báo hi sinh nhiều nhất là Báo Thông tấn xã Việt Nam với 278 liệt sỹ. Sau khi đi tìm ông cho biết chỉ riêng chiến trường khu 5 đã có đến 147 phong viên, nhà báo hi sinh tại đây. Đây được xem là một chiến trường khốc liệt mà ông mong muốn chính quyền nơi này nên có đài tưởng niệm, hay một biểu tượng gì đó để thế hệ sau này biết đến sự hi sinh, mất mát to lớn của các nhà báo, phóng viên tại khu vực này.
Niềm trăn trở lớn
Tuy nhiên, sau khi đi tìm được các danh sách các liệt sỹ, phóng viên đã hi sinh tại chiến trường và cung cấp danh sách cho người thân của họ, ông lại có một nỗi đau đáu khác.
Đó là nhiều chiến sỹ đã mất đi gia đình, người thân nên giờ không có ai thờ cúng. Trong khi đó, những nhà báo không có niên hiệu, đơn vị nên không ai lên danh sách thờ cúng ở các nghĩa trang liệt lỹ của các địa phương.
Giờ danh sách đã có rồi họ được thờ cúng ở đâu cũng là một một nỗi trăn trở lớn.
Nhờ cơ duyên gặp được thầy Thích đức Thích Đồng Tuệ - Trụ trì chùa Âu Lạc. Thầy Tuệ đã ngõ lời đưa các liệt sỹ là nhà báo, phóng viên về chùa để thờ tự, dường như ông đã trút được một gánh nặng bấy lâu nay.
Năm 2018, sư trụ trì Thích Đồng Tuệ đã tổ chức một buổi đại lễ cầu siêu để đưa các liệt sỹ vào thờ tự tại chùa. Đây được xem là nơi duy nhất thờ tự các nhà báo, phóng viên đã đã hi sinh khắp các chiến trường.
Được biết, trong 511 nhà báo, phóng viên được thờ tự tại đây có 505 người là hi sinh tại chiến trường, còn những người còn lại hi sinh khi đang đi tác nghiệp trong thời bình.
Theo ông Hiền, giờ đã 76 tuổi rồi nhưng tôi vẫn chưa hoàn thành được tâm nguyện của mình khi mà vẫn chưa thể tìm hết được các mộ phần của các đồng đội đã hi sinh.
"Giờ chỉ mong các cấp đoàn thể và chính quyền luôn tưởng nhớ, tri ân các anh hùng liệt sĩ là những nhà báo. Cần có những công trình để tưởng nhớ các liệt sĩ là nhà báo và chăm sóc thân nhân mỗi gia đình. Đây là tâm nguyện của tôi gửi Hội Nhà báo Việt Nam", ông Hiền chia sẻ.
Diễm Phước