Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024): Nhớ đến một người để nhớ mọi người

Kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô là để ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, nhớ về mùa thu tháng Mười, không quên ơn những người đã góp công sức, dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước, trong đó có Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

Đó là lời trong bài hát “Nhớ mùa thu Hà Nội”, một trong những bài hát được nhiều người yêu thích, sống mãi trong lòng người nghe nhạc. Trong tâm trí mỗi người, Hà Nội không chỉ đẹp và hấp dẫn bởi nét đẹp cổ kính mà còn là mảnh đất chứa đựng nguồn cội lịch sử hình thành, dựng xây, chiến tranh, hồi sinh và phát triển cùng với dân tộc. Thành phố cũng trải qua những cung bậc cảm xúc đổi thay của năm tháng thăng trầm “Đây Đông Đô, đây Thăng Long, đây Hà Nội-Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Ngày 2/9/1945 tại quảng trường Ba Đình lịch sử đã diễn ra cuộc mít tinh trọng thể, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là sự kiện lịch sử trọng đại khắc ghi không phai mờ trong đời sống người dân Thủ Đô và được gọi là Tết Độc lập. Sau nhiều thập kỷ ngập chìm trong cuộc sống lầm than, nô lệ, người dân Việt Nam mới thật sự có độc lập tự do, được làm chủ vận mệnh của mình. Nhà nước - chính quyền nhân dân được thành lập, dù còn rất non trẻ nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ cùng toàn dân thực hiện nhiệm vụ hết sức nặng nề, ngay sau ngày nước nhà độc lập. Ấy là tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược vì chúng muốn cướp nước ta một lần nữa”.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024): Nhớ đến một người để nhớ mọi người - Ảnh 1

Nhớ lại, lúc bấy giờ lực lượng vũ trang quân sự của ta sức vóc khiêm nhường, trong thế ít địch nhiều, yếu chống mạnh nên đã chấp nhận lặng lẽ, âm thầm rút khỏi thủ đô – từ đồng bằng lên rừng núi tây bắc Tổ quốc - chiến khu Việt Bắc, Điện Biên Phủ, dựa vào thế mạnh của địa bàn rừng núi hiểm trở- “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, có thêm thời gian xây dựng, củng cố, bổ sung lực lượng thực hành chiến lược “kháng chiến trường kỳ” mà Đảng và Bác Hồ vạch ra. Nhớ lại lời thề của những anh, chị vệ quốc quân tuổi đôi mươi tràn trề sức sống, giấu những giọt nước mắt, nghẹn ngào lời hứa với đồng bào Thủ đô yêu dấu rằng, một ngày gần nhất chúng tôi sẽ trở về giải phóng Hà Nội, tiếp quản Thủ đô. “Đêm, cái đêm anh rút qua gầm cầu. Anh đã hẹn ngày mai trở lại. Sóng sông Hồng vỗ bờ xa hát mãi. Đó niềm tin là khúc khải hoàn ca”.

Nhớ, gần một thập kỷ sau, cả nước kiêu hãnh, xúc động mừng vui khôn tả giang rộng vòng tay ôm hôn những chiến sĩ vệ quốc đoàn trở về Thủ đô yêu dấu trong tiếng nhạc trầm hùng của bài “Tiến về Hà Nội” được sáng tác bởi nhạc sĩ Văn Cao hay “Cảm xúc tháng 10” của nhạc sĩ Nguyễn Thành…Trùng trùng quân đi như sóng, lớp lớp đoàn quân kéo về…Năm cửa ô xòe năm cánh rộng, đoàn quân về nhấp nhô như sóng. Những ngôi nhà dường muốn cao thêm…Không thể nói trời không trong hơn. Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy. Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường. Mẹ đứng hàng đầu rưng rưng rưng nước mắt. Xốn xang mẹ thầm gọi các con. Anh chiến sĩ mến thương nhìn mẹ. Nghe niềm vui ấm cả tâm hồn…” Lời hứa ấy đã được những người chiến binh thực hiện trọn vẹn. Làm sao quên hình ảnh những nụ cười, giọt nước mắt tràn đầy hạnh phúc của người dân thủ đô sắp hàng ngay ngắn trên tay ôm bó hoa thắm tươi, tay cầm cờ đỏ sao vàng tung bay khắp phố đón chào đoàn vệ quốc quân áo trấn thủ, chân dép cao su, đầu đội mũ tươi xanh màu ngụy trang...còn nguyên “ mùi” chiến trường, trận mạc, chiến tranh trở lại thủ đô.

Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024): Nhớ đến một người để nhớ mọi người - Ảnh 2

Thoắt đấy mà đã bảy thập kỷ trôi qua, thế hệ những người làm nên sự kiện lịch sử ấy đã vội đi rất nhiều, song ký ức về  những năm tháng hào hùng của dân tộc, của Thủ đô Hà Nội vẫn vẹn nguyên trong mỗi người Việt Nam, nhất là những ai đã sinh ra, lớn lên trên mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Hà Nội giờ đã khác xa Hà Nội thế kỷ 20. Một Hà Nội với “năm cửa ô xòe năm cánh rộng” đã được mở mang ra nhiều phía, khang trang hiện đại, văn minh, hội nhập. Song, cái lõi Hà Nội cổ xưa vẫn đang được mọi người gắng gìn giữ. Đó là hồn cốt mảnh đất kinh kỳ - Thăng Long xưa “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”.

Giờ đây, đã có những tuyến phố đi bộ để mọi người thưởng ngoạn không khí chợ đêm, món ăn đặc chất Hà Nội xưa; thăm quan trải nghiệm bằng nhiều phương tiện giao thông đến di tích lịch sử Hoàng Thành Thăng long, chùa Một Cột, Tháp Rùa, Hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Cầu Thê Húc, Bảo tàng lịch sử, Nhà tù Hỏa Lò, vào Lăng viếng Bác...đến Hồ Tây thưởng lãm trà sen, thăm làng nghề Ngũ xã, thưởng thức món bánh tôm ở nhà hàng trên đường Thanh niên, 

Hà Nội đã hiện đại với diện tích mở rộng nhưng sự gia tăng dân số đang là thách thức không nhỏ. Sức ép về chỗ ở, công ăn việc làm, trụ sở làm việc, khu sinh hoạt, vui chơi giải trí trong nội đô đang tăng lên đáng kể. Hạ tầng đô thị hiện đại, môi trường sống, chất lượng không khí, ngập lụt, ùn tắc giao thông khi mưa bão xảy ra…đang là bài toán khó cho lãnh đạo thành phố. Đường sắt trên cao, xe điện ngầm, tuyến xe buýt công cộng …nội đô còn ngổn ngang, bất cập sau nhiều năm triển khai xây dựng. Dự án thì ngưng trệ nửa chừng, dự án thì thất bại, dự án chưa khai thác hiệu quả bởi thiếu sự kết nối giữa các loại phương tiện, khiếm khuyết trong quy hoạch và việc chấp hành kỷ cương đúng pháp luật quy hoạch đô thị…

Hà Nội cùng cả nước vừa trải qua hai cơn bão lớn chưa từng có - bão covid-19  mới đi qua, bão số 3 Yagi ập tới. Hậu quả của dịch bệnh và thiên tai đang đặt ra nhiều thách thức mới cho người dân và chính quyền thủ đô. Làm thế nào, làm gì để Thủ đô xứng với khát khao của nhân dân: thành phố hiện đại, văn minh, thành phố vì hòa bình, đáng sống, là trung tâm chính trị, trái tim của cả nước Bởi ‘dù có đi bốn phương trời, lòng vẫn nhớ về Hà Nội. Hà Nội của ta, Thủ đô yêu dấu, một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Dù đã có những thành tựu đáng ghi nhận, song còn biết bao công việc ngổn ngang, bao khó khăn thử thách đang chờ đợi người dân và lãnh đạo thành phố . Câu nói truyền miệng “ Hà Nội không vội được đâu. Muốn nhanh thì phải từ từ” hay “Hà Nội không vội không xong” được lan truyền rộng khắp cả nước đã từng được hiểu theo nhiều cách khác nhau nhưng có một điểm chung là cần phải xác định xây dựng Hà Nội xứng tầm là thủ đô của nước Việt Nam trong thế kỷ 21.

Đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng, phải được triển khai nghiêm túc, khẩn trương với nỗ lực, quyết tâm chính trị cao nhất. Không ít người dân cả nước mãi ước ao, trong đời mình ít nhất có một lần được đặt chân đến thủ đô, được vào Lăng viếng Bác, thăm quan mảnh đất linh thiêng, giàu truyền thống dân tộc và thời đại. Ước mơ giản dị ấy của đồng bào là nguồn động lực lớn lao để cả nước vì Hà Nội, Hà Nội vì cả nước. Kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô là để ôn lại quá khứ lịch sử hào hùng của dân tộc, nhớ về mùa thu tháng Mười, không quên ơn những người đã góp công sức, dâng hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, dựng xây đất nước, trong đó có Đông Đô - Thăng Long - Hà Nội.

 VĂN HÙNG

 

Từ khóa:
#h