Giáo viên, học sinh được dùng điện thoại trên lớp
Theo Thông tư 32 của Bộ GD&ĐT, kể từ ngày 1/11/2020, học sinh cấp 2, cấp 3 được sử dụng điện thoại trong giờ học để phục vụ cho việc học tập và phải được giáo viên cho phép.
Trước đó, tại Thông tư 12/2011, về các hành vi học sinh không được làm, học sinh bị cấm sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học.
Tương tụ, theo điều lệ trường THCS, THPT đi kèm với Thông tư 32, giáo viên không còn bị cấm sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp.
Cũng từ ngày 1/11, các loại sổ, sách của giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông cũng được giảm bớt, chỉ còn: Kế hoạch giáo dục của giáo viên theo năm học; Kế hoạch bài dạy (giáo án); Sổ theo dõi và đánh giá học sinh.
Không được phê bình học sinh trước trường, lớp
Từ ngày 1/11/2020, giáo viên không còn được phê bình học sinh trước lớp, trước trường hoặc trong cuộc họp chung với cha mẹ học sinh khi học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện.
Tuỳ theo mức độ vi phạm có thể thực hiện các biện pháp kỷ luật như nhắc nhở, hỗ trợ giúp đỡ trực tiếp để học sinh tiến bộ hơn; thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Việc đánh giá học sinh phải chú trọng đánh giá quá trình học tập của học sinh; đánh giá bằng nhiều phương pháp, hình thức, kỹ thuật và công cụ khác nhau nhưng không so sánh học sinh này với học sinh khác và không gây áp lực cho học sinh, giáo viên và cha mẹ học sinh.
Sinh viên sư phạm được hỗ trợ 3,6 triệu đồng/tháng
Theo Nghị định 116, kể từ ngày 15/11/2020, sinh viên sư phạm từ khóa tuyển sinh năm học 2021-2022 sẽ được hỗ trợ tiền đóng học phí bằng mức thu của trường, tiền sinh hoạt phí mỗi tháng 3,63 triệu đồng.
Thời gian hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt được xác định theo số tháng thực tế học tập tại trường, nhưng không quá 10 tháng/năm học.
Sinh viên đã hưởng chính sách không công tác trong ngành giáo dục sau 2 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp sẽ phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Trong trường hợp chuyển sang ngành đào tạo khác, bỏ học, không hoàn thành chương trình đào tạo, sinh viên cũng phải bồi hoàn kinh phí hỗ trợ.
Chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm
Thông tư 36 quy định chế độ làm việc của giảng viên trường cao đẳng sư phạm trong năm học là 44 tuần (tương đương 1.760 giờ hành chính).
Thời gian giảng dạy trong kế hoạch đào tạo được tính bằng giờ chuẩn giảng dạy, trong đó một tiết giảng lý thuyết trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) 50 phút được tính bằng một giờ chuẩn giảng dạy.
Đối với các nội dung giảng dạy có tính chất đặc thù, các tiết giảng trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) trên 50 phút giao hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm quy đổi cho phù hợp.
Định mức giờ chuẩn giảng dạy của giảng viên trong một năm học được quy định từ 270 đến 420 giờ chuẩn giảng dạy (tương đương từ 810 đến 1.260 giờ hành chính). Trong đó, giờ chuẩn giảng dạy trực tiếp trên lớp (hoặc trực tuyến) phải đảm bảo tối thiểu 50% định mức quy định.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 20/11/2020.
Cũng từ ngày 20/11, việc bổ nhiệm, xếp lương đối với giáo viên giảng dạy trong các trường cao đẳng sư phạm công lập sẽ được áp dụng theo Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT .
Theo đó, mức lương của giảng viên cao đẳng sư phạm như sau:
Giảng viên cao cấp: Hệ số lương từ 6.2 đến 8.0 (tương ứng mức lương từ hơn 9,2 - 11,92 triệu đồng/tháng);
Giảng viên chính: Hệ số lương từ 4.4 đến 6.78 (tương ứng mức lương từ 6,5 - hơn 10 triệu đồng/tháng)
Giảng viên hạng III: Hệ số lương từ 2.34 đến 4.98 (tương ứng mức lương từ 3,4 - hơn 7,4 triệu đồng/tháng).
Minh Thư
Theo Đại đoàn kết