Thời điểm hiện tại, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Việc tích cực tuyên truyền và hưởng ứng Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại các địa phương trong cả nước là cách để hỗ trợ người tiêu dùng, các doanh nghiệp ứng phó với dịch bệnh, góp phần sớm đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Đà Nẵng
Nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố trong tình hình mới, UBND TP. Đà Nẵng đã tập trung nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện Cuộc vận động. Đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc tiêu dùng hàng Việt Nam. Các cơ quan, đơn vị có sử dụng ngân sách nhà nước phải ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Được biết, Sở Công Thương Đà Nẵng là cơ quan thường trực, phối hợp các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm triển khai, đôn đốc việc thực hiện các nội dung; tổng hợp, báo cáo UBND thành phố định kỳ, theo yêu cầu. Đồng thời, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan triển khai hiệu quả Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh đổi mới, ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ; thực hiện các cam kết bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Ưu tiên sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và các yếu tố đầu vào là các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam; công khai, minh bạch thông tin liên quan đến tiêu chuẩn, giá cả và nguồn gốc xuất xứ sản phẩm, hàng hoá Việt.
Vĩnh Phúc
Theo Ban chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh Vĩnh Phúc, đến nay đã có hơn 80% người tiêu dùng có thói quen mua sắm, sử dụng hàng Việt.
Tại các chợ đầu mối, cửa hàng bán lẻ, trung tâm thương mại, siêu thị… hàng Việt Nam hiện nay chiếm đa số. Điều đó cho thấy nhu cầu tiêu dùng hàng nội địa vẫn ở mức cao, đòi hỏi nguồn cung hàng hóa dồi dào, đáp ứng sức mua của người dân. Đặc biệt, người dân đã có ý thức hơn trong việc ưu tiên, sử dụng hàng Việt.
Ninh Bình
Tại Ninh Bình, thời gian qua, việc triển khai Cuộc vận động luôn được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo; các ban, ngành, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực triển khai và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ của đông đảo doanh nghiệp cũng như người dân.
Nhằm nâng cao hiệu quả triển khai Cuộc vận động, góp phần thực hiện mục tiêu phục hồi nhanh nền kinh tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19, vừa qua, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tỉnh đã đặt ra yêu cầu cho các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội là tiếp tục quán triệt các nhiệm vụ và các giải pháp cơ bản của Cuộc vận động, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng về Cuộc vận động, nhằm khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, trí tuệ, bản lĩnh, trách nhiệm, khát vọng vươn lên của người Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh, quảng bá và sử dụng hàng Việt Nam, tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Nam Định
Triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Nam Định đã xây dựng được hệ thống với hàng chục điểm cung ứng hàng Việt tại tất cả các huyện, thành phố trên địa bàn.
Theo đó, hơn 90% người tiêu dùng đã nhận thức đúng đắn hơn về khả năng sản xuất, kinh doanh cũng như chất lượng của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp trong nước cung ứng. Tâm lý thích dùng hàng ngoại của một bộ phận người tiêu dùng đã có sự thay đổi, chuyển từ phải vận động sang tự nguyện lựa chọn sử dụng hàng Việt thay cho các mặt hàng mác ngoại không rõ nguồn gốc xuất xứ như trước đây.
Theo Ban Chỉ đạo Cuộc vận động (CVĐ) Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của tỉnh, trong giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt mục tiêu giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại và trên 80% các kênh phân phối truyền thống, doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa.
Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo CVĐ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam của tỉnh xác định trọng tâm của CVĐ trong bối cảnh mới tập trung vào 3 nội dung chính gồm: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát triển hệ thống phân phối hàng hóa; nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa, doanh nghiệp; kiểm tra, kiểm soát thị trường và bảo vệ người tiêu dùng.
Hoài Nam (t/h)