Theo thông tin từ Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Hà Tĩnh, từ ngày 1 đến trưa 2/8, trên địa bàn Hà Tĩnh có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to. Lượng mưa đo được ở một số trạm đạt tới 400 - 500mm như huyện Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh… gây ngập cục bộ một số diện tích lúa hè thu.
Tại huyện Hương Khê, lượng mưa không lớn nhưng có thể gọi là cơn mưa vàng vì đã giải nhiệt cho 2.400 ha bưởi Phúc Trạch, 1.900 ha cam và 2.000 ha lúa hè thu. Đặc biệt, hơn 5.000 hộ dân ở các xã Hương Lâm, Hương Liên, Điền Mỹ… hai tháng nay phải đi gánh từng thùng nước về sinh hoạt nay đã có nước để phục vụ nhu cầu.
Ông Lê Quang Vinh, Trưởng phòng nông nghiệp huyện Hương Khê nói: “Mặc dù cơn mưa này rất quý nhưng nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua chắc chắn ảnh hưởng đến năng suất lúa hè thu và một số diện tích chè, cam bưởi cũng đã bị chết cục bộ”.
Theo ông Vinh, cơn mưa này cũng mới chỉ giải hạn tạm thời, Hương Khê vẫn đang rất cần mưa để đảm hoạt động sản xuất, sinh hoạt không bị gián đoạn do các đợt nắng nóng.
Tại Hà Tĩnh, từ năm 2015 đến nay, các vườn chè công nghiệp trên địa bàn sử dụng 3 giống chủ yếu là PH1 (chiếm khoảng 45%) và LDP1, LDP2 (chiếm khoảng 55%). Trong đó, diện tích năm 2015 đạt 2551ha đến năm 2019 đạt 2900ha; diện tích trồng mới năm 2015 là 148ha đến năm 2019 là 180ha; diện tích cho thu hoạch năm 2015 đạt 2321ha đến năm 2019 đạt 2500ha…
Diện tích chè phục vụ chế biến chè xanh (chè công nghiệp) năm 2015 diện tích 1036ha, năm 2016 diện tích 1107ha, năm 2017 diện tích 1106ha, năm 2018 diện tích 1136ha, diện tích còn lại là chè hái lá. Hiện nay tổng diện tích chè VietGap là 502,901ha.
Sản xuất chè công nghiệp ở Hà Tĩnh đã hình thành được chuỗi khép kín giữa Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, Tổng đội TNXP - XDXTM với các hộ dân theo mô hình khép kín từ khâu cung ứng giống, phân bón, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm. Toàn bộ diện tích chè công nghiệp được liên kết với công ty. Thị trường tiêu thụ chủ yếu xuất khẩu ra các nước Trung Đông.
Cùng với đó, tiếp tục phát huy lợi thế chuỗi giá trị sản xuất chè bền vững của Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh, đổi mới cơ cấu giống, công nghệ chế biến; tăng cường liên kết giữa người làm chè với doanh nghiệp, phát triển sản xuất phải gắn với chế biến tinh sâu và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho vùng nguyên liệu như giao thông, thủy lợi…
Tiếp tục mở rộng diện tích chè ở những nơi có điều kiện sinh thái thích hợp. Bố trí phát triển vùng nguyên liệu tập trung ở các địa phương đã có truyền thống như Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Vũ Quang. Phát triển cây chè theo hướng thâm canh, hình thành vùng chuyên canh cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, phục vụ sản xuất; áp dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất…
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo thực hiện theo quyết định 2300/QĐ-UBND ngày 13/8/2014 của UBND tỉnh về quy hoạch tổng thể phát triển chè công nghiệp Hà Tĩnh đến năm 2020 và các văn bản điều chỉnh, bổ sung quy hoạch. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiên quyết xử lý các cơ sở sản xuất kinh doanh vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
Về khoa học công nghệ các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất chè trên địa bàn chỉ đạo, hướng dẫn, giám sát các hộ trồng chè liên kết thực hiện đúng quy trình kỹ thuật về kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản chè. Mở rộng diện tích áp dụng quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGap) trong sản xuất chè.
Tăng cường công tác quản lý giống chè, không để giống không rõ nguồn gốc, giống không phù hợp với vùng sinh thái đưa vào sản xuất đại trà. Hình thành mạng lưới sản xuất cây giống sạch bệnh, chất lượng cao cung cấp cho người dân.
Về chính sách thực hiện hiệu quả các chính sách của tỉnh về hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo Nghị quyết số 123/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Hà Tĩnh về một số chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn và cơ chế xây dựng nông thôn mới, đô thị tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2019 - 2020.
Về tổ chức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất chè tại các vùng công nghiệp cần áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2000, từng bước áp dụng tiêu chuẩn HACCP chè an toàn. Các doanh nghiệp trực tiếp quản lý quy trình kỹ thuật, thực hiện cung ứng giống vật tư cho các vùng chè và có tổ chuyên phòng trừ sâu bệnh và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Vùng chè trồng mới phải được đơn vị chuyên ngành về chè tư vấn, hướng dẫn ngay từ đầu về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch bảo quản và định hướng tiêu thụ sản phẩm.
Xây dựng và tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với người trồng chè từ khâu sản xuất đến tiêu thụ. Tạo điều kiện để người trồng chè tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị ngành chè. Doanh nghiệp (Công ty Cổ phần chè Hà Tĩnh) đóng vai trò chủ đạo trong hướng dẫn, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm.
Đặc biệt, xây dựng và củng cố mô hình liên kết “4 nhà” là giải pháp để sản xuất và giúp tiêu thụ sản phẩm bền vững. Tăng cường mô hình liên kết ngang giữa các hộ trồng thành hợp tác xã, phường chè, đội chè hay nhóm liên minh để thuận lợi trong quá trình sản xuất và tiêu thụ. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đơn vị kinh doanh chè và chính quyền địa phương trên địa bàn trong liên kết với nông dân, HTX, xây dựng phát triển bền vững các vùng nguyên liệu.
Thanh Hà