Nhiều mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch trải nghiệm góp phần nâng tầm giá trị cây chè

Với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè đến với người tiêu dùng.

Nhằm hướng đến phát triển ngành chè bền vững, hiện nay các doanh nghiệp chè trên cả nước đang chú trọng áp dụng giải pháp công nghệ sạch, xây dựng vùng chè an toàn. Bên cạnh đó tăng cường các hoạt động gắn với du lịch trải nghiệm nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm, để mở rộng thị trường cũng như thu hút du khách nhiều hơn. 

Đồi chè Tân Cương
Đồi chè Tân Cương

Tính đến năm 2020, cả nước có 34 tỉnh, thành trồng chè, với diện tích hơn 130 nghìn ha. Tận dụng những lợi thế có sẵn, nhiều tỉnh đã áp dụng được du lịch sinh thái gắn với vùng chè và đạt được những kết quả ngoài mong đợi. Các địa điểm du lịch gắn với sinh thái vùng chè, vùng nguyên liệu rộng rãi đều có tiềm năng phát triển, vừa góp phần quảng bá rộng rãi các sản phẩm chè đặc sản của địa phương vừa giúp người dân ổn định thu nhập, thêm yêu và gắn bó với nghề truyền thống của quê hương hơn.

Tiêu biểu như huyện Mộc Châu của tỉnh Sơn La có tổng diện tích chè 1.879 ha, sản lượng chè búp tươi trên 24.350 tấn, toàn huyện có 10 doanh nghiệp, HTX sản xuất kinh doanh chè. Cây chè đã trở thành loại cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Mộc Châu, hàng nghìn hộ dân đã có cuộc sống ổn định, ấm no nhờ cây chè. Cùng với đó, trên địa bàn huyện Mộc Châu đã hình thành nhiều sản phẩm du lịch sinh thái, trải nghiệm gắn với cây chè, như: Làng chè của Công ty cổ phần Vinatea Mộc Châu, khu vực đồi chè trái tim, đồi chè vân tay, vùng nguyên liệu chất lượng cao gắn với phát triển du lịch sinh thái của DNTN Mộc Sương… 

Với việc thu hút khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm đã giúp các tổ chức, cá nhân có thêm thu nhập từ hoạt động du lịch. Hơn thế, du khách tìm đến với các đồi chè đẹp, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè nội địa, từ đó góp phần mở rộng thị trường.

Đồi chè trái tim tại Nông trường Mộc Châu là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến với Mộc Châu.
Đồi chè trái tim tại Nông trường Mộc Châu là một trong những điểm đến thu hút đông đảo du khách khi đến với Mộc Châu.

Ngoài Mộc Châu, Lâm Đồng là địa phương có diện tích trồng chè lớn nhất cả nước khoảng 12.632 ha, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước khoảng 170.000 tấn. Ước tính, cây chè tỉnh Lâm Đồng đã chiếm tỷ lệ 25% về diện tích và 27% về sản lượng chè của cả nước. Tỉnh Lâm Đồng cũng hướng đi phát triển du lịch sinh thái gắn với sản xuất chè. Hiện tại diện tích chè của Lâm Đồng hiện nay bị giảm so với sự cạnh tranh, thay thế của các cây khác nhưng các doanh nghiệp, hộ sản xuất, hợp tác xã ở Lâm Đồng đang hướng đến sản xuất chè chất lượng cao và kết hợp giữa du lịch sinh thái với sản xuất chế biến chè. Đặc biệt quan tâm đến các dòng sản phẩm hướng đến sản phẩm chè nội tiêu. Nổi tiếng nhất là Cầu Đất, địa phương này đang hướng đến các sản phẩm chè già trồng từ những năm 1922 thuộc thời Pháp (gọi là chè cổ) họ phát huy rất tốt sản xuất kết hợp du lịch, quảng bá thương hiệu chè cho khách du lịch.

Đồi chè Cầu Đát
Đồi chè Cầu Đát

Ngoài Cầu Đất, hiện ở Lâm Đồng có nhiều khu du lịch sinh thái chè như: đồi chè Tam Châu, Nông trường Phú Sơn, nhà máy chè phương Nam… Ngoài thăm quan chụp ảnh, các nông trường này còn kết hợp hoạt động giúp du khách du khách có thể tìm hiểu toàn bộ thông tin về chè như các loại chè, công dụng từng loại chè, các công đoạn nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch và sản xuất chè chi tiết nhất.

Hay tại Thái Nguyên, vùng đất được mệnh danh Đệ nhất danh trà, những năm gần đây nhiều địa phương trong tỉnh đã quan tâm đầu tư, khai thác phát triển du lịch cộng đồng, nông nghiệp, sinh thái gắn với văn hóa trà như xã La Bằng (huyện Đại Từ), xã Tức Tranh (huyện Phú Lương), xã Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), xã Bình Sơn (thành phố Sông Công), xã Phú Đình (huyện Định Hóa), xã Phú Thượng (huyện Võ Nhai)... Tại đây, các hộ dân đã bước đầu phát triển các dịch vụ đón khách như nhà hàng ăn uống, cơ sở lưu trú homestay; một số hợp tác xã và cơ sở sản xuất chè đã xây dựng được không gian thưởng trà, trưng bày các sản phẩm trà và khu vực chế biến chè có không gian rộng rãi, có thể đón và phục vụ các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm. Nhiều nơi đã thành lập được hợp tác xã du lịch cộng đồng với các dịch vụ tham quan, trải nghiệm, lưu trú, ăn uống.

Nhiều mô hình sản xuất chè kết hợp du lịch trải nghiệm góp phần nâng tầm giá trị cây chè - Ảnh 1

Hay đồi chè Long Cốc nằm ở huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ là một trong các khu vực trồng chè đẹp nhất Việt Nam với các đồi, đảo lớn nhỏ. Không chỉ là nơi sản xuất chè, vài năm gần đây Long Cốc còn trở thành điểm du lịch sinh thái hấp dẫn du khách gần xa. Với hàng trăm, hàng ngàn quả đồi như những chiếc bát úp màu xanh Vào buổi sớm, khi mây vờn, sương sớm bảng lảng trên những đồi chè, nơi đây không khác gì chốn "thần tiên". Mới đây, bức ảnh 'Miền trung du thức giấc' chụp đồi chè Long Cốc vào sáng sớm của nhiếp ảnh gia Bùi Việt Đức đã đoạt giải thưởng trong mục ảnh Vẻ đẹp thiên nhiên tại Cuộc thi ảnh quốc tế First Half of 2021 Smile World càng minh chứng cho sức hút tuyệt vời của những đồi chè xanh mướt, giàu sức sống và thu hút. 

Đồi chè Long Cốc
Đồi chè Long Cốc

Có thể thấy, với việc du khách ngày càng tìm đến với các đồi chè, nhà máy chế biến chè để tham quan sẽ là cơ hội để quảng bá các sản phẩm cũng như thương hiệu chè đến với người tiêu dùng, từ đó góp phần mở rộng thị trường, tăng thu nhập cho cán bộ, công nhân viên và người làm chè, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Sản phẩm trà nổi tiếng cùng với sự đa dạng về tài nguyên của các vùng chè nguyên liệu sẽ là điểm cuốn hút đặc biệt với du khách trong và ngoài nước trong thời gian sắp tới. 

Bảo Anh