Những vấn đề được thảo luận, thẳng thắn chất vấn trong cuộc họp
Thẳng thắn chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề nóng đang xảy ra, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải cho biết: Có thực trạng một số cán bộ văn phòng quản lý đất đai găm hồ sơ không chịu làm bìa đỏ cho dân, gợi ý làm qua cò. Họ tổ chức từ huyện đến xã, văn phòng công chứng, cơ quan thuế, làm bìa đỏ cho dân qua cò để thu tiền bất hợp pháp. Theo Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh, thời gian qua, tỉnh đã chỉ đạo công an xử lý tồn tại này ở huyện Kỳ Anh và Thạch Hà.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo đồng chí Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo công an 13 huyện thị kiểm tra lại sự việc phản ánh, xử lý đúng người đúng tội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân. Giao Sở TN&MT tỉnh thực hiện làm bìa đỏ đúng quy định, không găm bìa đỏ hàng năm trời.
Ông Lê Ngọc Huấn, Giám đốc Sở TN-MT Hà Tĩnh cho hay: Hiện nay giá cát tại Hà Tĩnh cao gấp nhiều lần so với Quảng Bình và Nghệ An. Nguyên nhân do: trữ lượng mỏ tại Nghệ An, quy hoạch 50 triệu m3, Quảng Bình 20 triệu m3, trong khi Hà Tĩnh toàn tỉnh có 37 mỏ nhưng trữ lượng chỉ được 14 triệu m3. Bên cạnh đó, nguồn tiềm năng cát Quảng Bình và Nghệ An nhiều hơn Hà Tĩnh.
Bên cạnh đó giá đấu mỏ tại Hà Tĩnh quá cao. Hà Tĩnh có nhiều mỏ đấu lên cao gấp 40 giá khởi điểm, trong khi Nghệ An cao nhất cũng chỉ 12 lần. Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản tại Nghệ An, Quảng Bình thấp hơn nhiều so với Hà Tĩnh.
Đặc biệt, quản lý Nhà nước tại Hà Tĩnh quá chặt, không khai thác lậu được nên giá cát cao.
Ông Võ Trọng Hải cho biết, việc mua sắm tập trung gặp rất nhiều khó khăn, nhiều gói thầu mua sắm trang thiết bị không có đơn vị nào nộp hồ sơ đấu thầu.
Vướng mắc do quy định đấu thầu mua sắm tập trung đã xảy ra 3 năm nay. Theo Chủ tịch tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải - một chiếc máy phô tô ở Ban Nội chính Tỉnh ủy nhưng 3 năm nay không mua nổi. Giờ phải phân cấp, phân quyền, phân về cho các đơn vị. Nếu chúng ta không phân cấp, phân quyền thì không thể mua sắm tập trung, nhất là về y tế, giáo dục. 3 năm nay mua sắm tập trung ở giáo dục cũng không mua được, trong khi giáo dục là mũi nhọn.
Từ đầu năm 2020 đến ngày 30/4/2023 có 175 công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc. Đó là con số được đưa ra tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVIII. Trong đó có 61 giáo viên. Riêng tinh giản biên chế, Hà Tĩnh có trên 200 giáo viên xin nghỉ theo diện này.
Lý giải nguyên nhân của tình trạng này Giám đốc Sở Nội vụ cho rằng: Là do công chức, viên chức, giáo viên phải chịu nhiều áp lực, khối lượng công việc nhiều, chất lượng đòi hỏi ngày càng cao, thời gian làm việc nhiều, áp lực lớn. Bên cạnh đó, chế độ tiền lương và phụ cấp chưa đảm bảo. Trong khi đó khối tư nhân có chế độ đãi ngộ cao hơn, đặc biệt đối với đội ngũ giáo viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm được khối tư nhân thu hút khá nhiều.
Giải pháp đối với vấn đề này, theo Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh, thời gian qua UBND tỉnh có các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo: “Đề nghị các ngành, địa phương tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc khắc phục tình trạng công chức, viên chức, giáo viên nghỉ việc”.
Tập trung cao cho các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023
Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Võ Trọng Hải đề nghị các cấp, ngành chỉ đạo quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm là quan tâm công tác quy hoạch và xúc tiến đầu tư; rà soát quy hoạch đồng bộ với Quy hoạch tỉnh, đảm bảo khai thác tiềm năng lợi thế từng ngành, từng vùng, địa bàn.
Về nông nghiệp, nông thôn mới, tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện, cơ cấu lại giống lúa để đẩy mạnh tập trung tích tụ ruộng đất, nhân rộng mô hình liên kết sản xuất; rà soát các tiêu chí nông thôn mới.
Tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch, gắn với du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh. Tập trung thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, công chức...
Tăng cường quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu; tiếp tục giải quyết việc tồn đọng, các vụ việc phức tạp, vướng mắc…
Hoài Thanh