Nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương điều chỉnh kế hoạch sản xuất, cơ cấu mùa vụ phù hợp với tình hình thời tiết, nhu cầu thị trường; hạn chế tối đa thiệt hại bởi dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, qua đó bảo đảm nguồn cung nông sản ổn định.
Đồng thời Bộ Công Thương, Bộ Giao thông - Vận tải đã có nhiều giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong vận chuyển hàng hóa cũng như cước phí lưu thông, kho bãi. Bộ Tài chính, các ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã nguồn vốn sản xuất, kinh doanh, triển khai chính sách ưu đãi lãi vay vốn đối với các doanh nghiệp logistics, chế biến bảo quản nông sản để kịp thời hỗ trợ các dịch vụ hậu cần, lưu thông, kho lạnh, bảo quản hàng hóa nông lâm thủy sản trong suốt thời gian chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19.
Nhờ đó, nhóm hàng Nông sản bất ngờ tăng đột biến trong thời gian vừa qua. Dẫn đầu là ngô, với mức tăng cao nhất trong hơn một tháng vừa qua và đạt mức 557.25 cent/giạ. Thời tiết tiếp tục là yếu tố hỗ trợ giá của các mặt hàng khi băng giá xuất hiện sớm ở khu vực sản xuất ngũ cốc chính của Mỹ, đe dọa đến chất lượng ngô và đậu tương đang sắp được thu hoạch ở đây. Trong khi đó, hiện tượng La Nina đi kèm theo khô hạn cũng làm gia tăng lo ngại cho mùa vụ ở Brazil.
Sự phục hồi của nhóm Nông sản đã giúp cho dòng tiền quay trở lại, nâng tỉ trọng giá trị giao dịch của nhóm này từ 25% lên mức xấp xỉ 40% trong phiên hôm qua. Tổng giá trị giao dịch tiếp tục duy trì đà tăng mạnh mẽ lên mức 6.500 tỷ đồng, bất chấp giá hàng hóa đi xuống, do đặc tính có thể mua và bán 2 chiều của thị trường này.
Tuy nhiên, theo dự kiến, giá lợn hơi trong những tháng cuối năm sẽ tăng trở lại. Cụ thể, trong những ngày qua, ngoại trừ khu vực miền Bắc đi ngang thì từ miền Trung trở vào phía Nam đều tăng mạnh. Giá lợn hơi ở Thái Nguyên và Hà Nội lần lượt tăng 2.000 và 3.000 đồng/kg, lên khoảng 50.000 - 52.000 đồng/kg, cao nhất khu vực miền Bắc. Tương tự, ở Hà Tĩnh, Lâm Đồng và Thừa Thiên Huế tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/kg lên 47.000 - 49.000 đồng/kg. Còn ở TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu tăng 1.000 - 2.000 đồng/kg lên 47.000 đồng/kg.
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp kết hợp với các biện pháp giãn cách xã hội đã khiến nhu cầu tiêu thụ thịt heo sụt giảm mạnh trên cả nước. Điều này khiến những đàn heo của doanh nghiệp và nông dân bị tồn ứ lại và gây thiệt hại cho người nuôi. Theo MXV, thị trường thịt heo có thể nóng lên vào dịp cận Tết Nguyên đán, tuy nhiên, người nông dân vẫn cần thêm các chính sách hỗ trợ việc tái đàn trong giai đoạn cuối năm nay, để quá trình phục hồi sản xuất được nhanh chóng và kịp thời.
Nhân Lê (t/h)