Theo đó, lũy kế từ đầu năm đến nay, tổng giá trị TPDN phát hành đạt hơn 9.400 tỷ đồng, gấp 3 lần so với cùng kỳ. Lãi suất TPDN bình quân trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 11,1%/năm, cao hơn so với mức trung bình 8%/năm của năm 2023.
Đặc biệt, trong tháng 1/2024 ghi nhận 3 đợt phát hành trái phiếu ra công chúng, với tổng giá trị phát hành là hơn 5.463 tỷ đồng, chiếm 58% tổng lượng phát hành.
Tổng giá trị trái phiếu phát hành đã tập trung vào nhóm ngành khác thay vì chỉ các ngân hàng thương mại như năm 2023 cho thấy, các công ty đang bước vào giai đoạn hồi phục do các vấn đề pháp lý thực hành thu hồi nợ của nhiều đơn vị đã được xử lý.
Theo dữ liệu Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cho thấy, hai tháng đầu năm, 12 doanh nghiệp chậm trả lãi hơn 833 tỷ và 6 đơn vị chưa tất toán gần 5.300 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu.
Như vậy, khoảng 14 doanh nghiệp, chủ yếu là bất động sản, chậm hoàn thành các nghĩa vụ về trái phiếu. Công ty Bất động sản Nhật Quang dẫn đầu khi chưa thanh toán 2.150 tỷ đồng nợ gốc lô trái phiếu đáo hạn hôm 20/1, do thiếu tài chính. Lô trái phiếu này lãi suất 11% một năm, có tài sản bảo đảm liên quan dự án The Spirit of Saigon (đối diện chợ Bến Thành) do Công ty TNHH Saigon Glory làm chủ đầu tư. Saigon Glory cũng là đơn vị nhiều lần chậm trả lãi và gốc trái phiếu.
Liên quan dự án này, Công ty Smart Dragon đang chậm tất toán lô trái phiếu 1.900 tỷ đồng, cũng với lý do chưa thu xếp đủ tài chính.
Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, áp lực trả lãi và đáo hạn trái phiếu tiếp tục là gánh nặng lớn với nhiều doanh nghiệp năm nayước tính khoảng 279.200 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó bất động sản chiếm trên 41%, tương đương 115.700 tỷ đồng.
Còn theo tính toán của VNDirect, trái phiếu địa ốc đáo hạn gần 123.000 tỷ đồng, tăng 24% so với 2023. "Áp lực dòng tiền, trái phiếu đáo hạn vẫn là thách thức với bất động sản", nhóm phân tích của VNDirect nhận xét. Bởi, thị trường trầm lắng, việc tháo gỡ pháp lý các dự án chậm so với kỳ vọng khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc chưa hết khó khăn.
Báo cáo mới đây của FiinRatings - bộ phận xếp hạng tín nhiệm thuộc FiinGroup (công ty chuyên cung cấp các dịch vụ phân tích dữ liệu, ngành và xếp hạng tín nhiệm), cho rằng rủi ro đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp vẫn hiện hữu.
Bất động sản, xây dựng - vật liệu và du lịch - giải trí là ba lĩnh vực gặp khó, có dư nợ trái phiếu lớn. FiinRatings lưu ý chất lượng các doanh nghiệp phát hành thấp, nhiều công ty tiềm lực tài chính mỏng hoặc mới hoạt động.
Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP), MBS cho biết, trong tháng 2/2023, trong số 29.500 tỷ đồng trái phiếu được Kho bạc Nhà nước (KBNN) chào bán, có 28.170 tỷ đồng được huy động thành công, đạt tỷ lệ 95%. Trong đó, kỳ hạn 7 năm, 10 năm và 15 năm vẫn tiếp tục phát hành thành công toàn bộ lượng giá trị trái phiếu gọi thầu.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, KBNN đã phát hành được tổng cộng 47.679 tỷ đồng TPCP, hoàn thành được 38% kế hoạch phát hành quý I/2024 và 12% kế hoạch năm.
Việc huy động vốn tiếp tục được KBNN thực hiện theo hướng tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, đáp ứng mục tiêu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu chính phủ đạt từ 9 - 11 năm theo đúng Nghị quyết số 23/2021/QH15 của Quốc hội đặt ra. Nhờ đó, tiếp tục cơ cấu lại danh mục TPCP theo hướng kéo dài kỳ hạn, giảm áp lực trả nợ ngắn hạn và chi phí vay vốn, góp phần cơ cấu lại nợ công an toàn, bền vững.
Mức lợi suất trúng thầu của các trái phiếu cho thấy đã quay lại xu hướng tăng sau 3 tháng giảm liên tiếp. Trong đó, lợi suất kỳ hạn 10 năm và 15 năm lần lượt là 2,3%/năm và 2,5%/năm. Lợi suất kỳ hạn 5 năm cũng tăng nhẹ 4 điểm cơ bản lên mức 1,4%/năm.
Tiến Hoàng