Thật giả lẫn lỗn
Tình trạng kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng ngày càng gia tăng rõ rệt, đặc biệt phát triển mãnh mẽ dựa trên xu thế phát triển của thương mại điện tử, nhu cầu mua sắm hàng hóa trên mạng nói chung và trên các sàn thương mại điện tử nói riêng.
Tình trang hàng giả hàng nhái ngày càng diễn biến phức tạp và trở thành một trong những hình thức gian lận thương mại phổ biến tại Việt Nam. Để đánh lừa người tiêu dùng, phương thức, thủ đoạn này ngày càng chuyên nghiệp, tinh vi và biến đổi liên tục.
Không khó để mua được những dòng túi xách, kính mắt, mỹ phẩm mang các thương hiệu lớn như Chanel, Dior, Gucci,... ở các cửa hàng mỹ phẩm thậm chí là các kiot ở chợ truyền thống. Từ túi, giày, kem dưỡng kem nền, phấn má, thứ gì cũng được bày bán kèm với lời khẳng định là hàng thật. Còn một số tiểu thương thì mời chào khách hàng bằng những câu nói “hàng thật giá rẻ”, “Hàng hiệu giá tốt”...
Nếu như phấn phủ Chanel chính hãng đang được bán với giá vài triệu đồng thì tại đây chỉ có giá vài trăm nghìn đồng. Chỉ nhìn qua người mua không thể phân biệt được đâu là đồ thật, đâu là đồ giả bởi hàng giả được đóng tem mác y hệt, chỉ khác ở một chi tiết rất nhỏ mà ít người để ý đó là không có tem phản quang chống hàng giả.
Theo ông Nguyễn Đức Lê - Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xảy ra trên mọi lĩnh vực, địa bàn, ở cả khu vực sản xuất, lưu thông và xuất nhập khẩu, với mọi loại hàng hóa, từ hàng tiêu dùng thông thường đến các hàng hóa có giá trị cao, hàng hóa có chức năng quan trọng. Hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ sản xuất ở Việt Nam, mà còn sản xuất cả ở nước ngoài và đưa về Việt Nam tiêu thụ.
“Nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện chẳng những ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng, an toàn tính mạng của người sử dụng. Quan trọng hơn, dưới góc độ kinh tế, hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang làm phương hại rất lớn đến cả lợi nhuận và uy tín của những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính, tạo tác động tiêu cực đến quyết định đẩy mạnh đầu tư của các doanh nghiệp này.
Cách thức ngày càng tinh vi
Sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử cũng đang tồn tại "mặt trái" khi tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện ngày một nhiều trên không gian mạng.
Trong những năm vừa qua, thương mại điện tử đã có sự tăng trưởng bứt phá, đặc biệt có “chất xúc tác” từ dịch bệnh Covid-19. Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, doanh thu thương mại điện tử Việt Nam năm 2021 đạt 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020. Việt Nam thuộc nhóm 3 quốc gia có tốc độ tăng trưởng thị phần bán lẻ trực tuyến cao nhất khu vực Đông Nam Á. Dự báo, tốc độ tăng trưởng của thương mại điện tử Việt Nam năm 2022 có thể ở mức cao nhất từ trước tới nay nhờ kiểm soát tốt đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đi cùng với sự phát triển này, cũng xuất hiện một số thủ đoạn mới trên nền tảng thương mại điện tử. Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các thủ đoạn thường thấy là lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng); một số người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream và đăng các bài quảng cáo các sản phẩm như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, các đối tượng có nhiều thủ đoạn mới để đối phó với cơ quan chức năng, khiến việc phát hiện các vi phạm gặp không ít khó khăn. Nếu như trước đây thương mại điện tử chỉ là bán hàng trên website của doanh nghiệp, thì hiện nay có thể bán trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok…
Bên cạnh đó, có không ít bài báo, video clip… của các cơ quan báo chí, truyền hình Việt Nam bị các đối tượng ăn cắp, chỉnh sửa, biên tập, cắt ghép, phát lại trên trên các nền tảng YouTube, Facebook để trục lợi quảng cáo gây ảnh hưởng uy tín nặng nề cho các đơn vị này.
Những người bán hàng trên sàn thương mại điện tử còn tìm mọi cách để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn, cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Như Dior thì viết thành D.I.O.R hoặc DIO, gucci thành guc.ci…. Khi cơ quan chức năng phát hiện những “từ khoá” này là hàng vi phạm thì các đối tượng lại nghĩ ra “từ khoá” khác. Do đó việc kiểm soát người bán hàng hoá vi phạm đang gặp nhiều khó khăn.
Tăng cường nhận diện hàng giả, hàng nhái
Nhiều nhãn hiệu có tên tuổi hiện bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Bởi vậy, bên cạnh việc triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn thì làm thế nào để giúp người tiêu dùng có thể phân biệt rõ thật, giả đang là một trong những nỗ lực của các lực lượng chức năng.
Đại diện Tổng cục QLTT cho biết, trên các sản phẩm thật đều có một số dấu hiệu để người tiêu dùng nhận biết là hàng "xịn", được thể hiện trên tem mác. Đơn cử như sản phẩm sữa tắm dành cho em bé hãng Johnson’s Baby, trên phần tem nhãn có in thông tin ngày tháng sản xuất, hạn sử dụng. Theo đó, đối với hàng "xịn", khi sờ bằng tay có độ nhám nhất định, với hàng "fake" thì không có. Hoặc mã vạch in trên sản phẩm, cũng có các dấu hiệu để nhận biết sản phẩm thật - giả.
Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường Trần Hữu Linh, trên thực tế, ở nước ta không hiếm gặp các nhãn hiệu có tên tuổi bị xâm phạm dưới các hình thức như sao chép, bắt chước kiểu dáng, mẫu mã gần giống hoặc tương tự, gây nhầm lẫn, đánh lừa người tiêu dùng và làm tổn hại đến kinh tế và giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.
Chính vì vậy, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa được xem là biện pháp hữu hiệu để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ nhãn hiệu hàng hóa, tạo sân chơi lành mạnh giữa các nhà sản xuất. Đặc biệt, việc bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa còn góp phần đẩy lùi tệ nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, giúp người tiêu dùng thoát khỏi tâm lý hoang mang, lo lắng khi lựa chọn sản phẩm tiêu dùng.
Ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường, lực lượng quản lý thị trường luôn chú trọng công tác bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Trên thực tế, những nỗ lực của các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng Quản lý thị trường đối với công tác chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái trên môi trường thương mại điện tử vẫn là rất nhỏ so với những chiếc “vòi bạch tuộc” hàng giả, hàng nhái đang tràn lan trên mạng.
Bởi tâm lý sính hàng hiệu, nhưng thiếu thông tin về hàng giả và hàng chính hãng của không ít khách hàng khi đặt mua sản phẩm. Cũng có người tiêu dùng biết sản phẩm đó là hàng giả, hàng nhái, nhưng vẫn chấp nhận dùng vì giá rẻ, lại thỏa mãn tâm lý thích dùng hàng hiệu. Điển hình là việc tiêu dùng tùy tiện theo ý thích của giới trẻ đối với nhóm hàng mỹ phẩm, thời trang quần áo, giầy dép, túi xách và đồ dùng sinh hoạt gia đình.