Những ai không nên uống trà

Trà xanh có rất nhiều công dụng bởi vậy nó là thức uống ưa thích và thường xuyên của nhiều người. Tuy nhiên, có những người tuyệt đối không nên uống trà.

Những người có vấn đề dạ dày

Tannin có trong trà xanh làm tăng axit trong dạ dày, dễ gây đau bụng, buồn nôn hoặc táo bón. Vì vậy, bạn không được uống trà xanh khi đói. Những người bị loét dạ dày hoặc trào ngược axit cũng không nên uống quá nhiều. Một nghiên cứu kết luận trà là chất kích thích mạnh axit dạ dày, có thể giảm bớt bằng cách thêm sữa và đường.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Người thiếu sắt, thiếu máu

Catechin trong trà xanh có thể làm giảm hấp thu sắt từ thức ăn. Chiết xuất trà xanh làm giảm 25% khả năng hấp thụ sắt không phải heme. Đây là loại sắt có trong trứng, sữa và thực phẩm từ thực vật như đậu. Vì thế, người thiếu máu không nên uống trà. Ngoài ra, chất caffeine của trà làm tăng nhiệt độ cơ thể và giảm hiệu quả của thuốc do vậy, người bị sốt cũng nên tránh xa trà.

Vitamin C làm tăng hấp thu sắt không heme, vì vậy bạn có thể vắt chanh vào trà hoặc ăn các thực phẩm giàu vitamin C khác như bông cải xanh để bù đắp. Bạn cũng có thể bổ sung các loại thực phẩm giàu chất sắt như thịt đỏ (bò, lợn, bê) hay cá hồi, cá rô, cá ngừ. 

Theo Viện Ung thư Quốc gia, uống trà giữa các bữa ăn dường như ít ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắt hơn. 

Người nhạy cảm với caffeine

Trà xanh có chứa caffeine. Hấp thụ quá nhiều chất này có thể dẫn đến hồi hộp, lo lắng, nhịp tim bất thường và run. Một số người không có khả năng dung nạp caffeine sẽ bị các triệu chứng đó ngay cả khi uống ít trà. 

Dùng đồ uống có nhiều caffeine cũng có thể cản trở hấp thụ canxi, ảnh hưởng đến sức khỏe của xương và tăng nguy cơ loãng xương. 

Phụ nữ mang thai và đang cho con bú

Trà xanh có chứa caffeine, catechin và axit tannic. Cả ba chất này đều có liên quan đến nguy cơ khi mang thai. Nếu bạn đang mang thai hoặc cho con bú, uống trà xanh với lượng nhỏ, khoảng 2 cốc mỗi ngày là an toàn. Lượng trà xanh này cung cấp khoảng 200mg caffeine. 

Tuy nhiên, uống nhiều hơn 2 tách trà xanh/ngày có liên quan đến tăng nguy cơ sảy thai và các tác động tiêu cực khác. Caffeine đi vào sữa mẹ dễ ảnh hưởng đến trẻ. Uống nhiều có thể gây dị tật ống thần kinh ở trẻ sơ sinh.

Ngoài ra, một số nhóm nên hạn chế uống trà xanh như người bị rối loạn cảm xúc, bệnh tim, tiêu chảy, tăng nhãn áp, bệnh gan, đang uống thuốc. 

Trẻ em cũng không nên uống trà xanh do tannin có thể cản trở sự hấp thụ chất dinh dưỡng như protein và chất béo ở trẻ. Caffeine cũng có thể dẫn đến kích thích quá mức. 

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Bệnh nhân tim mạch, cao huyết áp

Đối với những người bị bệnh động mạch vành có nhịp tim nhanh, chất caffeine và theophylline trong trà gây kích thích làm tăng nhịp đập của tim khiến cho bệnh tình trở nên trầm trọng hơn. Ngoài ra, nếu bệnh nhân cao huyết áp uống nhiều trà đậm đặc, chất caffeine trong trà sẽ khiến huyết áp tăng cao, gây hại cho sức khỏe.

Người suy dinh dưỡng

Trà có tác dụng phân giải chất béo và do vậy, nếu người suy dinh dưỡng thường xuyên uống trà sẽ khiến cơ thể thêm suy nhược. Hơn nữa, bạn không nên uống trà khi đói bụng vì nó gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, khiến cơ thể dễ bị say trà với cảm giác khó chịu, nôn nao và chóng mặt.

Uống trà lúc đói sẽ làm loãng a xít dạ dày, ức chế dịch vị tiết ra, cản trở tiêu hóa và dễ bị viêm niêm mạc dạ dày. Ngoài ra, bạn cũng không nên dùng nước trà để uống thuốc. Điều này là do chất tannin và theophylline trong trà gây ra phản ứng hóa học với một số loại thuốc, dẫn đến làm giảm hiệu quả của thuốc.

Người bị loãng xương, suy nhược thần kinh

Uống nhiều trà làm hạn chế sự hấp thụ can xi và tăng lượng chất khoáng này bài tiết ra ngoài qua nước tiểu, khiến cơ thể bị thiếu hụt can xi dẫn đến loãng xương. Người bị suy nhược thần kinh cũng không nên uống trà đậm đặc vào buổi chiều và tối vì chất caffeine của trà kích thích não bộ, khiến bạn mất ngủ, làm cho bệnh tình trầm trọng hơn.

Hương Trà (t/h)