Trà là thức uống được mọi người trên khắp thế giới yêu thích. Trà xanh được làm từ lá của cây Camellia sinensis. Trà xanh được coi là thức uống lành mạnh nhất của người Việt Theo y học cổ truyền Trung Hoa và thảo mộc cổ truyền Ấn Độ, trà xanh giúp tiêu hoá tốt, chữa lành vết thương, tăng cường sức khoẻ tim mạch, ổn định đường huyết, cải thiện tình hình tiêu hoá và thúc đẩy chức năng thần kinh.
Caffeine: Caffeine được xem là loại ‘thuốc’ thần kinh được tiêu thụ nhiều nhất thế giới bởi sự kích thích thần kinh trung ương giúp làm tỉnh táo và hưng phấn.
Thường có sự so sánh về lượng caffeine trong trà và cà phê. Thực tế, lượng caffein trong 100 gram lá trà nhiều hơn một chút so với lượng caffein trong 100gr cà phê. Tuy nhiên, bột cà phê lại tiết caffeine vào nước khi pha nhiều hơn lá trà, trong khi đó thì caffeine lại bị giữ lại trong lá trà.
Caffeine xuất hiện nhiều ở lá trà già, càng già thì lại càng nhiều caffeine. Caffeine chịu trách nhiệm cho vị đắng của trà. Độ tiết ra của caffeine bị ảnh hưởng bởi 2 yếu tố là nhiệt độ nước và cách ngâm. Do đó dùng nước nhiệt độ càng cao và ngâm càng lâu thì caffeine trong trà tiết ra nhiều hơn, trà càng đắng.
Amino acids: Amino acids là các hợp chất hữu cơ kết hợp với nhau tạo thành protein hay đạm, protein chính là nguồn sống chính của tất cả các sinh vật sống.
Các nhà khoa học Nhật Bản khám phá ra rằng, 50% cấu tạo của trà chính là amino acids. Mỗi loài sinh vật có các hợp chất hữu cơ (amino acids) khác nhau, và cây trà thì có nhiều nhất L-Theanine.
Cây trà là một trong 3 loại thực vật duy nhất trên thế giới có chứa L-Theanine, hai loại cây còn lại là nấm thông (Boletus badius) và cây guayusa. L-Theanine là chất giúp não tăng cường việc phát ra những sóng não alpha cùng với việc sản xuất dopamine, giúp chúng ta có được những cảm giác thư giãn như vậy.
Đối với trà, có 5 vị cơ bản là ngọt, chua, mặn, đắng và vị umami.Vị umami đơn giản chỉ làm nền cho các hương vị khác của trà được thăng hoa, đồng thời tạo nên cảm giác ngon miệng cho người uống. Đối với những người yêu trà xanh, thì họ luôn đánh giá loại trà này dựa trên umami. Và L-Theanine chính là hợp chất chịu trách nhiệm cho vị umami trong trà.
Amino acids bị chuyển hoá thành polyphenols (tạo ra vị chát) khi lá trà quang hợp. Do đó các chủ vườn trà thường trồng trà ở những hướng đồi hoặc núi hạn tiếp xúc với ánh mặt trời (nhất là nắng trưa và chiều), hoặc trồng thêm những hàng cây có tán rộng để che nắng một phần cho vườn trà. Đối với hầu hết các loại trà thì vụ thu và xuân thường là ngon nhất, lý do là vì ngoài nhiệt độ thấp và mưa ổn định, trời cũng ít nắng to nên cây trà nhiều amino acids hơn nên hương vị cũng ngon hơn. Đối với một số nước như Nhật Bản, họ có Gyokuro là một dạng trà xanh làm từ cây trà được trồng trong bóng râm 3 tuần trước khi thu hoạch, để giữ được vị umami tạo vị ngon cho trà của họ. Đối với gu uống trà xanh của người Việt thì cây trà xanh như trà Thái Nguyên sẽ vừa được quang hợp vừa được che chắn, để trà không chỉ có chất (umami) mà còn có vị chát đặc trưng.
Polyphenols: Amino acids được chuyển hoá thành polyphenol trong quá trình quang hợp, dưới sự xuất hiện của ánh mặt trời. Vì vậy, các búp non và các lá kế tiếp chứa nhiều Polyphenols hơn các lá già phía dưới. Nếu chế biến lá trà tươi đúng cách (nhất là làm thành trà xanh), thì phần lớn lượng polyphenol này sẽ vẫn còn được giữ cho đến khi chúng ta pha trà. Và sẽ giảm dần qua quá trình chế biến trà oolong và trà đen. Ngoài ra, polyphenols cũng là chất tạo nên vị chát đặc trưng của trà xanh.
Polyphenols là một thành phần không thể thiếu của bất kỳ cây trà nào. Vì chính những lợi ích sức khỏe mà cây trà mang lại đều đến từ polyphenols.
Trong hợp chất Polyphenols thì nhóm flavonoid quan trọng bậc nhất vì chính nhóm này chịu trách nhiệm cho khả năng chống oxy hóa tuyệt vời của cây trà. Cấu tạo chính của flavonoid là các hợp chất flavanol (hay dùng với tên phổ biến là catechin), và quan trọng nhất là chất EGCG. EGCG hoạt động mạnh nhất trong tất cả các chất trong hợp chất catechin. EGCG là chất chống các tế bào tự do giúp chống lão hóa, ngăn ngừa các bệnh ung thư và tim mạch, ngoài ra còn giúp đốt cháy chất béo, giảm cân.
Vitamin: Vitamin là dưỡng chất thiết yếu mà cơ thể cần nhưng cơ thể lại không tự sản xuất được mà phải thu nhận thông qua thực phẩm. Thường xuyên uống trà xanh cũng là cách vừa bổ sung đầy đủ vitamin vừa tốt cho sức khỏe.
Trà có chứa kha khá các thành phần vitamin khác nhau. Vitamin có trong lá trà được chia thành hai nhóm vitamin không hòa tan trong nước và hòa tan trong nước. Đối với các loại vitamin hòa tan trong nước, khi hãm trà với nước sôi, có thể chiết xuất tới 80% vitamin. Các nhóm vitamin hòa tan trong nước bao gồm: B1, B2, B6, B12, C, P… Trà xanh được biết đến với hàm lượng vitamin cao hơn so với các loại thực phẩm khác, và chỉ riêng điều này đã khiến trà trở thành một loại nước giải khát cao cấp. Nhiều loại trà ô long và trà đen chứa ít vitamin, trong đó vitamin C và các loại vitamin khác hầu như bị mất đi trong quá trình sản xuất.
Chất khoáng: Khoáng chất đóng một vai trò quan trọng như các chất điều hòa cơ thể. Trà chứa khoảng 5-7% khoáng chất, chủ yếu là kali, canxi, phốt pho và magiê và một lượng nhỏ mangan, kẽm, đồng… Trong các thành phần chất khoáng thì lá trà có rất nhiều flo giúp răng chắc khỏe và ngừa sâu răng. Cũng giống như caffeine thì flo có nhiều ở những lá già.