Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023

Ngành nông nghiệp tiếp tục trở thành điểm sáng trong bức tranh xuất nhập khẩu, tiếp tục đóng vai trò bệ đỡ của nền kinh tế trong năm 2023.

Gạo ST25 đạt giải gạo ngon nhất thế giới

Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023 - Ảnh 1

Trong khuôn khổ Hội nghị Thương mại lúa gạo toàn cầu được tổ chức tại Cebu Philippines do The Rice Trader tổ chức, gạo Ông Cua ST25 đạt giải nhất tại hội thi gạo ngon nhất thế giới năm 2023.

Năm nay có sự tham gia của hơn 10 quốc gia và 30 mẫu gạo được gửi dự thi. Kết quả, gạo ST25 đạt giải nhất, Campuchia đạt giải nhì và Ấn Độ đạt giải ba.

Đây là lần thứ hai loại gạo ST25 đăng quang ngôi vương gạo ngon nhất thế giới tại hội thi này. Trước đó, năm 2019, gạo ST25 được trao giải gạo ngon nhất thế giới sau khi vượt qua các loại gạo của Thái Lan, Campuchia.

Sầu riêng tạo kỳ tích giúp xuất khẩu rau quả lập kỷ lục

Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023 - Ảnh 2

Theo Bộ NN&PTNT, hàng rau quả xuất khẩu năm 2023 đã mang về trị giá 5,7 tỉ USD, tăng mạnh nhất trong các ngành hàng nông nghiệp, tăng hơn 69% cao nhất từ trước tới nay.

Trong đó, sản lượng sầu riêng xuất khẩu năm nay trên 1 triệu tấn, tăng 16% so với năm 2022. Đặc biệt, giá trị xuất khẩu sầu riêng trong năm 2023 đạt mức kỷ lục gần 2,3 tỉ USD, gấp 5 lần năm 2022 và gấp 10 lần năm 2021

Hiện nay, sầu riêng tươi xuất khẩu đi 24 thị trường; sầu riêng đông lạnh cũng có tới 23 thị trường xuất khẩu, trong đó Trung Quốc là thị trường chủ đạo chiếm đến 90% tổng lượng sầu riêng tươi xuất khẩu. Năm 2024 sẽ hướng đến nhiều thị trường khác để tăng dư địa xuất khẩu.

Ngoài thị trường Trung Quốc, năm nay xuất khẩu sầu riêng sang thị trường Czech cũng tăng đột biến đạt gần 10 triệu USD, tăng 28 lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Cùng với sầu riêng, một số loại trái cây khác cũng tăng trưởng mạnh về xuất khẩu: mít đạt 168,6 triệu USD, tăng 35,5%; xoài đạt 154 triệu USD, tăng 41,4% so với năm 2022. Tính chung xuất khẩu nhóm hàng trái cây (tươi và đông lạnh) cả nước năm 2023 tăng 112,5% so với 2022.

Xuất khẩu gạo lập kỷ lục với sản lượng, giá trị cao nhất

Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023 - Ảnh 3

Báo cáo năm 2023 của Bộ NN&PTNT, xuất khẩu gạo hơn 8 triệu tấn với kim ngạch đạt gần 4,8 tỉ USD, tăng 17% về lượng và tăng 39% về giá trị so với năm 2022. Đây là mức cao nhất từ năm 1989 (năm Việt Nam bắt đầu xuất khẩu gạo) tới nay.

Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu cũng liên tục tăng. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 12, giá gạo Việt Nam luôn neo ở mức 663 USD/tấn, là mức giá rất cao trong nhiều năm trở lại đây.

Xuất khẩu ngành nông nghiệp tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm qua

Những con số ấn tượng của ngành nông nghiệp Việt Nam năm 2023 - Ảnh 4

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt hơn 53 tỉ USD, giá trị toàn ngành tăng trưởng hơn 3,8%, cao nhất trong vòng 10 năm qua.

Ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế quan trọng, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Xuất siêu nông nghiệp Việt Nam đạt mức kỷ lục 12 tỉ USD, tăng 44%, chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước.

Một số mặt hàng xuất khẩu tăng cao kỷ lục như: Hàng rau quả đạt 5,7 tỉ USD, tăng 69%; gạo đạt 4,8 tỉ USD, tăng 38%.

Thêm vào đó, có những mặt hàng nông nghiệp Việt Nam đạt giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỉ USD như hạt điều 3,6 tỉ USD, tăng hơn 17%; cà phê 4,18 tỉ USD, tăng 3%...

Mục tiêu tăng trưởng 3 - 3,5% trong năm tới

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự báo năm 2024 sẽ tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù vậy, ngành nông nghiệp vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng từ 3 - 3,5%.

Trong đó, tốc độ tăng giá trị sản xuất lĩnh vực trồng trọt tăng 2 - 2,2%; chăn nuôi 4 - 5%; thủy sản 3,7 - 4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản khoảng 54 - 55 tỷ USD...

Để đạt mục tiêu trên, theo ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành hàng, chính quyền địa phương xây dựng các chương trình tái cơ cấu, thông qua việc chọn những cây trồng, sản phẩm chủ lực có ưu thế cạnh tranh.

Cùng với đó xây dựng vùng sản xuất an toàn tạo năng suất, chất lượng cao; đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường sản xuất phân bón hữu cơ thay thế phân bón vô cơ. Qua đó, tiết kiệm chi phí sản xuất, kinh doanh, cung ứng ra thị trường nhiều sản phẩm giá hợp lý...

Để đạt được những mục tiêu đã đề ra trong năm tới, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho rằng, toàn ngành Nông nghiệp, nông thôn tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; phấn đấu vượt mục tiêu tăng trưởng của năm ở mức cao nhất. 

Ngành cũng phát triển mạnh thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cả trong nước và xuất khẩu; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics nông nghiệp, nông thôn, bảo đảm chuỗi cung ứng thị trường trong nước; đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp, các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu, bảo đảm nguồn cung nông sản, thực phẩm trong mọi tình huống.

"Ngành Nông nghiệp tiếp tục chú trọng phát triển nông thôn, trọng tâm là thực hiện hiệu quả Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 gắn với phát triển kinh tế nông thôn theo hướng đi vào chiều sâu, bảo đảm chất lượng và bền vững, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn", Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Hương Trà (t/h)

Từ khóa: