Những điều cần chú ý khi xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản

Theo kế hoạch, vào ngày 2/6, chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để trực tiếp giám sát và chứng nhận cho các lô hàng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này.

Nằm trong Top 5 thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, Nhật Bản là mục tiêu khai thác xuất khẩu của doanh nghiệp thông qua hệ thống bán lẻ. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường khó khăn bởi những “cửa ải” tiêu chuẩn khắt khe được đặt ra.

Ông Hoàng Trung - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) – chia sẻ, theo yêu cầu của Nhật Bản, vải xuất khẩu phải được xử lý bằng công nghệ xông hơi, khử trùng và có chuyên gia Nhật Bản giám sát. Trong 2 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, Nhật Bản ủy quyền cho Cục Bảo vệ thực vật trực tiếp giám sát. Nhưng năm nay, Nhật Bản cử chuyên gia kiểm dịch thực vật trở lại Việt Nam trực tiếp giám sát, chứng nhận cho các lô hàng xuất khẩu.

"Theo kế hoạch, vào ngày 2/6, chuyên gia Nhật Bản sang Việt Nam để trực tiếp giám sát và chứng nhận cho các lô hàng vải thiều xuất khẩu sang thị trường này", ông Hoàng Trung cho biết.

Ảnh minh họa 
Ảnh minh họa 

Theo Cục Bảo vệ thực vật, thị trường Nhật Bản yêu cầu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tối đa cho phép chỉ là 0,01 mg/kg, đây là mức thấp nhất và ở ngưỡng này thì gần như không phát hiện thuốc bảo vệ thực vật trên quả vải.

Để đạt được tiêu chuẩn này, Cục Bảo vệ thực vật thường xuyên khuyến cáo nông dân không sử dụng thuốc nằm trong danh mục và đảm bảo thời gian cách ly. Theo đó, trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày, các nhà vườn không được sử dụng bất kỳ loại thuốc bảo vệ thực vật nào.

Công tác mở cửa thị trường đã khó, để giữ thị trường lại càng khó hơn. Do đó, để kiểm soát chất lượng vải thiều xuất khẩu đi các thị trường EU, Hoa Kỳ và Nhật Bản, hằng năm, tại các vùng chuyên trồng vải thiều xuất khẩu, cán bộ kiểm dịch thực vật đều lấy mẫu phân tích tầm soát, đánh giá các nguy cơ rủi ro trước vụ thu hoạch.

Trước thu hoạch 7 ngày và 2 ngày, cán bộ kiểm dịch thực vật tiếp tục lấy mẫu phân tích các chỉ tiêu dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng chủ động lấy mẫu để kiểm nghiệm độc lập, làm đối chứng.

Quả vải thiều của Việt Nam có nhiều tiềm năng vào thị trường Nhật Bản. Để quảng bá, xúc tiến thương mại, những năm qua Việt Nam cũng đã triển khai quảng bá vải thiều qua các hội nghị có sự tham gia của các tham tán thương mại.

Trong đó, Bắc Giang và Hải Dương phối hợp với một số doanh nghiệp cùng Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tặng vải miễn phí ở Lễ hội Việt Nam tại Nhật Bản.

Nhật Bản chính thức mở cửa cho phép nhập khẩu vải thiều từ thị trường Việt Nam kể từ ngày 15/12/2019. Trong các mùa vụ 2020, 2021 và 2022 vừa qua, vải thiều tươi Việt Nam đã thâm nhập vào thị trường Nhật Bản rất thành công với lượng nhập khẩu năm đầu tiên đạt khoảng 40 tấn và tăng cao trong các năm tiếp theo, đạt khoảng 300 - 400 tấn.

Quả vải Việt Nam chiếm được cảm tình của đông đảo người tiêu dùng tại Nhật Bản, đặc biệt là số lượng lớn cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc tại Nhật Bản. Nhờ đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm, quả vải tươi Việt Nam đang được doanh nghiệp xuất khẩu sang Nhật Bản bán với giá khoảng 18 – 20 USD/kg (tương đương hơn 400.000 đồng).

Ông Tạ Đức Minh - Tham tán thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho hay, khi có trái cây mới nhập khẩu vào Nhật Bản thì doanh nghiệp, địa phương nơi sản xuất của Thái Lan, Trung Quốc đều phối hợp tổ chức các chiến dịch truyền thông rất lớn thông qua nhiều hình thức đa dạng như quảng bá ở các hội chợ, hội thảo xúc tiến thương mại, tặng miễn phí sản phẩm, mời người tiêu dùng thử trải nghiệm, thậm chí làm cả video, trailer quảng cáo phát trong các nhà hàng, siêu thị…

Để quả vải thiều có tiếng vang hơn nữa, lan tỏa rộng khắp trong người tiêu dùng Nhật Bản, ông Tạ Đức Minh khuyến nghị, địa phương trồng vải, doanh nghiệp xuất khẩu nên trực tiếp triển khai mạnh hơn, quy mô lớn hơn tại các sự kiện tại Nhật Bản. Quan trọng hơn là tổ chức hoạt động quảng bá hằng năm để bền bỉ sự hiện diện của quả vải ở Nhật Bản chứ không chỉ làm 1 - 2 năm đầu tiên trái cây này xuất hiện trên thị trường.

Các doanh nghiệp xuất khẩu vải nên chú trọng đầu tư, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng báo giới thiệu thương hiệu, chất lượng sản phẩm, nông sản tại thị trường Nhật Bản.

Bên cạnh đó, đối với loại trái cây như vải thiều có thời gian bảo quản ngắn, doanh nghiệp nên đầu tư vào công nghệ bảo quản sau thu hoạch, xây dựng các chuỗi cung ứng lạnh để giữ cho trái vải có chất lượng ổn định trong quá trình vận chuyển, phân phối.

Hương Trà