Những hợp chất tinh túy hội tụ trong từng chén trà

Từ vị thuốc Đông y cổ xưa đến thức uống phổ biến khắp thế giới, trà không chỉ mang giá trị văn hóa mà còn đem lại nhiều lợi ích sức khỏe. Ngoài việc mang lại cho người dùng một vị giác độc đáo, bao gồm cả vị chát, đắng, ngọt... và hương vị nồng nàn. Trà xanh cũng bao gồm một số lượng lớn các thành phần có lợi cho sức khỏe con người.

Trà là một trong những loại đồ uống phổ biến nhất trên thế giới, được ưa chuộng không chỉ vì hương vị thơm ngon mà còn nhờ các tác dụng tích cực đối với sức khỏe. Đằng sau mỗi tách trà là sự kết hợp phong phú của các hợp chất tự nhiên mang lại vô vàn lợi ích. Trong số đó, tannin và các polyphenol khác như epigallocatechin gallate (EGCG), theaflavins, thearubigins, ellagitannin, cùng với caffeine và amino acid, đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe toàn diện. Những hợp chất này không chỉ giúp tăng cường sức đề kháng mà còn hỗ trợ bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh mãn tính, duy trì sức khỏe tim mạch, não bộ và hệ tiêu hóa.

Tannin

 

Những hợp chất tinh túy hội tụ trong từng chén trà - Ảnh 1

 

Trước tiên, tannin, hay còn gọi là tannoit, là một hợp chất polyphenol tự nhiên tạo nên vị chát đặc trưng trong trà. Tannin hoạt động như một chất kháng khuẩn tự nhiên, bảo vệ cây trồng khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường. Nguồn tannin phong phú và phổ biến nhất phải kể đến một số loại như trà, cà phê, rượu vang và sô cô la. Nhờ hàm lượng tannin dồi dào đã giúp tạo nên hương vị đắng đặc trưng của những thực phẩm và đồ uống này.

Nói riêng về trà, dù thức uống này được đánh giá là một nguồn cung cấp tannin phong phú song lượng tannin cụ thể trong các loại trà sẽ dao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta có 4 loại trà chính gồm trà trắng, đen, xanh và trà ô long, đều được làm từ lá của một loại cây có tên Camellia sinensis. Tuy loại trà nào cũng đều chứa tannin nhưng nồng độ trong mỗi loại sẽ bị ảnh hưởng đáng kể bởi cách thức và thời gian mà chúng ta xử lý lá trà. Trong số 4 loại trà kể trên, trà đen được cho là có nồng độ tannin cao nhất, còn thấp nhất là trà xanh. Trà trắng và trà ô long chứa hàm lượng tannin ở mức trung bình nhưng như đã đề cập bên trên, nồng độ này sẽ không cố định. Lượng tannin trong mỗi loại trà hoàn toàn có thể thay đổi phụ thuộc vào cách trà được sản xuất và chế biến. Các loại trà chất lượng thấp hơn thông thường sẽ có nồng độ tannin cao hơn, bên cạnh đó trà càng được ngâm lâu thì nồng độ tannin trong trà sẽ càng cao.

Trà đen được cho là có nồng độ tannin cao nhất, còn thấp nhất là trà xanh, trà trắng và trà ô long chứa hàm lượng tannin ở mức trung bình nhưng như đã đề cập bên trên, nồng độ này sẽ không cố định  
Trà đen được cho là có nồng độ tannin cao nhất, còn thấp nhất là trà xanh, trà trắng và trà ô long chứa hàm lượng tannin ở mức trung bình nhưng như đã đề cập bên trên, nồng độ này sẽ không cố định  

Giáo sư Yukihiki Hara đã tiến hành nhiều nghiên cứu và cho thấy, trong cơ thể con người, tannin có khả năng chống oxy hóa mạnh mẽ nhờ khả năng trung hòa các gốc tự do, ngăn chặn sự phá hủy tế bào và giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính như ung thư và bệnh tim mạch. Các gốc tự do thường được sản sinh từ quá trình trao đổi chất hoặc do tác động từ môi trường như ô nhiễm và tia UV. Khi tích tụ trong cơ thể, chúng có thể gây hại nghiêm trọng cho tế bào, dẫn đến các bệnh lý nghiêm trọng. Tannin, bằng cách ức chế quá trình oxy hóa, đã chứng minh khả năng ngăn ngừa các tổn thương này, đồng thời hỗ trợ duy trì sức khỏe tế bào.

Ngoài ra, tannin cũng được nghiên cứu vì khả năng kiểm soát đường huyết. Một số thí nghiệm trên động vật và nghiên cứu lâm sàng cho thấy tannin có thể tăng cường độ nhạy của insulin, làm giảm lượng đường huyết sau bữa ăn và ức chế các enzyme tham gia vào quá trình tiêu hóa carbohydrate thành glucose. Những cơ chế này giúp tannin trở thành một thành phần hỗ trợ quan trọng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.

Không chỉ dừng lại ở đó, tannin còn được biết đến với tác dụng ngăn ngừa ung thư. Theo các nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư MD Anderson ở Hoa Kỳ, tannin có khả năng gây apoptosis (chết tế bào theo chương trình) ở tế bào ung thư, ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của khối u. Tannin cũng có khả năng ức chế quá trình hình thành mạch máu mới, một yếu tố cần thiết để nuôi dưỡng các khối u ác tính. Bên cạnh đó, với đặc tính chống viêm, tannin đóng vai trò giảm nguy cơ ung thư phát triển, đồng thời hỗ trợ trong điều trị các loại ung thư phổ biến như ung thư vú, ung thư phổi và ung thư đại trực tràng. Không chỉ vậy, tannin còn được chứng minh có tác dụng bảo vệ não bộ. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Molecules, tannin có khả năng làm chậm quá trình tiến triển của các rối loạn thoái hóa thần kinh như bệnh Alzheimer và Parkinson. Điều này là nhờ khả năng chống oxy hóa và chống viêm, giúp bảo vệ các tế bào thần kinh khỏi tổn thương, đồng thời cải thiện tuần hoàn máu đến não. Tuần hoàn máu tốt đảm bảo não bộ nhận đủ lượng oxy và chất dinh dưỡng, duy trì chức năng nhận thức và ngăn ngừa các tổn thương do thiếu máu.

EGCG

 

Những hợp chất tinh túy hội tụ trong từng chén trà - Ảnh 2

 

Bên cạnh tannin, trà xanh nổi bật với hàm lượng epigallocatechin gallate (EGCG) cao. EGCG là một catechin mạnh mẽ, được coi là "ngôi sao" trong trà xanh nhờ vào hàng loạt lợi ích sức khỏe. Theo tạp chí khoa học Biochemical Pharmacology, EGCG là viết tắt của epigallocatechin gallate tồn tại nhiều trong lá trà, nhờ hợp chất EGCG mà trà xanh được coi là chất chống oxy hóa hữu hiệu nhất hiện nay, cao gấp 100 lần so với vitamin C, gấp 25 lần so với vitamin E, tạo ra những công dụng to lớn cho sức khỏe mà không một loại trà nào có được.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng EGCG có khả năng chống viêm mạnh, giúp ngăn ngừa và điều trị các bệnh lý liên quan đến viêm như viêm khớp, viêm đường ruột và viêm da. Ngoài ra, EGCG cũng được chứng minh là có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào ung thư bằng cách ngăn chặn các tín hiệu tế bào cần thiết cho sự phát triển và lan rộng của tế bào ác tính.  Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng trà xanh giúp bảo vệ chống lại nhiều loại ung thư, như ung thư phổi, tuyến tiền liệt và vú. Các nhà nghiên cứu đã xem xét cách chúng ảnh hưởng đến một loại protein được tìm thấy trên bề mặt tế bào ung thư được gọi là thụ thể laminin. Nghiên cứu cho thấy rằng khi các tế bào ung thư có protein này được điều trị bằng polyphenol EGCG, sự tăng trưởng của các tế bào khối u đã giảm đáng kể. Đặc biệt, nồng độ chất chống oxy hóa EGCG cần thiết có tác dụng chống ung thư, tương đương với nồng độ được tìm thấy trong cơ thể sau khi uống hai đến ba tách trà xanh mỗi ngày.

Thêm vào đó, EGCG còn thúc đẩy quá trình đốt cháy mỡ, hỗ trợ quản lý cân nặng hiệu quả bằng cách ức chế một loại enzym phá vỡ hormone norepinephrine. Khi enzyme này bị ức chế, lượng norepinephrine này tăng lên thúc đẩy quá trình phân hủy chất béo, đặc biệt khi kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. EGCG cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện sức khỏe tim mạch, nhờ khả năng giảm cholesterol xấu (LDL) và tăng cường cholesterol tốt (HDL), đồng thời cải thiện lưu thông máu và giảm huyết áp.

Ngoài các polyphenol, trà còn chứa caffeine và amino acid như L-theanine. Caffeine giúp tăng cường sự tỉnh táo và cải thiện khả năng tập trung, trong khi L-theanine thúc đẩy cảm giác thư giãn, giảm căng thẳng mà không gây buồn ngủ. Hai hợp chất này khi kết hợp cùng nhau sẽ tạo ra một hiệu ứng "thư giãn nhưng tỉnh táo", giúp bạn duy trì sự minh mẫn và thoải mái trong công việc và học tập.

Tiêu thụ lượng lớn trà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe  
Tiêu thụ lượng lớn trà có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe  

Tuy nhiên, dù trà mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, việc tiêu thụ không đúng cách cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Tannin, với khả năng liên kết mạnh mẽ với protein và khoáng chất, có thể cản trở hấp thu sắt trong cơ thể, đặc biệt ở những người bị thiếu máu. Vì vậy, để tránh tình trạng này, bạn nên hạn chế uống trà ngay sau bữa ăn hoặc kết hợp với thực phẩm giàu vitamin C để tăng cường khả năng hấp thu sắt. Ngoài ra, uống trà lúc bụng đói có thể gây buồn nôn và khó chịu dạ dày, do tannin kích thích niêm mạc dạ dày và tăng tiết axit. Để tránh triệu chứng này, bạn nên uống trà sau bữa ăn hoặc thêm sữa vào trà để giảm tác dụng của tannin.

Như vậy, trà là một món quà thiên nhiên đầy giá trị, chứa đựng hàng loạt tinh chất quý giá mang lại vô vàn lợi ích cho sức khỏe. Tannin, EGCG và những hợp chất khác không chỉ góp phần tạo nên hương vị đặc trưng của trà mà còn hỗ trợ phòng ngừa và điều trị nhiều bệnh lý, từ ung thư, tim mạch đến các rối loạn thần kinh và tiêu hóa. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa lợi ích từ trà, bạn cần tiêu thụ đúng cách, tránh lạm dụng và kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh. Hãy biến mỗi tách trà thành một phần không thể thiếu trong hành trình chăm sóc sức khỏe và tận hưởng những lợi ích tuyệt vời mà nó mang lại!

Phương Linh

Từ khóa: