Phở
Không ngạc nhiên khi phở - món ăn quốc hồn quốc túy của Việt Nam là món xuất hiện đầu tiên trong danh sách được gợi ý. Bát phở có vẻ đơn giản, nhưng đây lại là món đặc sản được chế biến cầu kỳ để tạo ra một thứ hương vị hết sức thơm ngon, quyến rũ và khiến thực khách thỏa mãn.
Phở là một ứng cử viên nặng ký thể hiện được sự khác biệt của ẩm thực Việt Nam với nước dùng ngon ngọt và được phục vụ cùng rất nhiều thịt tươi. Món phở cũng rất phổ biến ở mọi thành phố hay thị trấn trên khắp Việt Nam. Chuyên trang du lịch AFAR khuyến nghị, nơi trải nghiệm món phở truyền thống nhất là Hà Nội. Trong số nhiều vùng miền, phở bò ở Hà Nội có một số sự khác biệt. Nước dùng vị ngọt thanh, thường ninh từ xương bò, khác một chút với nước dùng ở phía Nam thường kết hợp cả nước dùng gà. Ở Hà Nội có rất nhiều địa điểm để thưởng thức món phở ở và những cửa hàng phở gia truyền có thể là một địa điểm phù hợp.
Bún chả
Bún chả, đặc biệt ở Hà Nội, là một món đặc sản mà du khách có thể thấy bán ở khắp các ngõ phố thủ đô. Thịt làm chả là thịt xiên, hoặc băm nhuyễn viên miếng để nướng trên bếp than, bún ăn kèm là bún gạo tươi và bún chả không thể thiếu nước dùng đã pha chế thêm đĩa rau sống. Có thể dùng để ăn bữa chính như bữa trưa, bún chả được nhiều người ví giống thịt viên hoặc hamburger nhưng Rough Guides nhận xét, bún chả là sự kết hợp hương vị khác hẳn.
Món bún chả của Việt Nam thì đã có từ rất lâu, nhưng có lẽ nổi tiếng hơn khi được cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama và đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain cùng nhau nếm thử trong chuyến đi tới Việt Nam vào năm 2016.
Bánh mì
Không giống như món phở có xuất xứ từ miền Bắc, bánh mỳ lại là món bắt nguồn từ miền Nam, mà cụ thể là Sài Gòn và theo đánh giá, bánh mỳ ngon nhất Việt Nam là ở các thành phố miền Nam và miền Trung của Việt Nam.
Là một trong những món ăn đường phố nổi tiếng nhất, bánh mì được Pháp du nhập vào Việt Nam vào thế kỷ 19 từ loại bánh mì dài (baguette) sau đó người Việt sáng tạo thêm các loại nhân ăn kèm. Bánh mì Việt thường có nhân thịt (gà, bò, heo), pate, trứng chiên và một số rau dưa muối. Bánh mì không chỉ bán ở khắp Việt Nam mà còn xuất hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như London, New York, Tokyo...
Năm 2011, món ăn đặc biệt này của Việt Nam đã vinh hạnh được thêm vào từ điển Oxford, xác nhận là một danh từ riêng không thể thay thế: "Bánh mì"- (banh mi /ˈbɑːn miː/) với miêu tả là một món ăn nhẹ, bên trong kẹp một hoặc nhiều loại thịt (thịt bò, thịt gà hoặc thịt lợn), pate và rau củ như cà rốt, dưa chuột, rau mùi… và kèm gia vị như ớt, hạt tiêu.
Bún bò Huế
Nhắc đến bún bò Huế thì nơi khám phá nhất định là xứ Huế. Đây là một món bún có hương vị rất đặc trưng, kết hợp đủ các hương vị chua, cay, mặn, ngọt với rất nhiều nhân, từ thịt bò thái lát, chân giò, tiết và đôi khi cả bò viên.
Trên đường vào thành phố Huế, du khách có thể tìm thấy rất nhiều nhà hàng và quán ăn bán món này. Bạn có thể đến chợ Đông Ba hoặc ghé qua các quán ăn ở thành phố Huế để thưởng thức món đặc sản này.
Bánh xèo
Những chiếc bánh dẹt chiên giòn kẹp nhân tôm, thịt, rau giá, trứng... cuộn cùng bánh tráng và chấm mắm chua ngọt là bánh xèo (tiếng xèo xèo phát ra khi chiên bánh). Là món ăn chơi, bánh xèo được rất nhiều người Việt và cả du khách nước ngoài ưa thích. Tuy có nguồn gốc ở miền Trung và miền Nam, bánh xèo hiện phổ biến khắp nơi và rất dễ tìm ra hàng bánh ở cả ba miền.
Mì Quảng
Đúng như tên gọi mì Quảng là đặc sản xứ Quảng, phổ biến nhất ở thành phố biển Đà Nẵng. Món mì trước đây nếu chỉ có nhân tôm thịt, thì nay đã được biến tấu và sáng tạo với nhiều nguyên liệu khác như ếch, giò heo, sườn, bò, gà... Tương tự cao lầu, mì Quảng không chan nước, ăn kèm rau sống, lạc rang, bánh tráng (bánh đa) giòn.
Luôn xuất hiện trong danh sách các món đặc sản, mì Quảng được bán khá nhiều tại Đà Nẵng. Ở đây, món ăn này được cho là có vị chuẩn nhất, ở nơi nào cũng có bán với mức giá rất mềm.
Cơm tấm
Đi trên đường phố Sài Gòn, thực khách sẽ thấy các hàng quán bán cơm tấm ở mọi nơi vì đây là món ăn đường phố có tiếng nhất và cũng dễ ăn nhất. Cơm tấm là một phần cơm (nấu từ gạo vỡ) ăn cùng thịt, sườn heo, trứng chiên, chả trứng hoặc cá, với rau dưa, nước chấm chua ngọt. Không chỉ người Việt ưa chuộng mà cả khách nước ngoài cũng mê mẩn món ăn này.
Bánh cuốn
Có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam, nhưng hiện nay, bạn có thể nếm thử món ăn này ở khắp mọi tỉnh thành. Đây là một món ăn sáng đơn giản, nhẹ bụng. Được làm từ bột gạo, bên trong là nhân thịt và mộc nhĩ, bên ngoài rắc hành khô, từng chiếc bánh cuốn chấm với nước mắm chua ngọt ăn kèm su hào, cà rốt giòn sần sật sẽ khiến bạn ăn một lại muốn ăn hai.
Hương Trà (t/h)