Bánh trôi tàu - Thức quà vặt xế chiều ngày đông
Trong những ngày Hà Nội trở lạnh, bánh trôi tàu là món ăn khiến người ta vô tình thương nhớ. Vài viên bánh trôi tròn trịa, căng mẩy, chùng chình trong chiếc bát nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng tự nhiên khiến người ta ấm cõi lòng.
Bánh trôi tàu là loại bánh được làm bằng bột gạo nếp cùng hai loại nhân phổ biến là đậu xanh và vừng đen, ăn cùng nước đường mía nấu cùng gừng đun nóng và dừa nạo. Bánh trôi tàu hấp dẫn thực khách nhờ lớp vỏ bánh mềm mượt bên ngoài mà dẻo dai bên trong, phần nhân mềm mại bùi bùi và nước đường thanh thanh thơm mùi gừng. Ăn miếng nào vị cay ngọt của gừng đọng lại miếng đó. Cái vị cay ngọt ấy đã thấm vào cuống lưỡi, cổ họng, làm ấm cơ thể và xua tan cái lạnh của Hà nội.
Những thực khách sành ăn đều cho rằng, điều làm nên cốt lõi của bát bánh trôi tàu ngon không nằm nhiều ở nhân bánh, mà được chú trọng vào nước đường, quyện trong gừng cay. Muốn ngon, nước này phải được giữ sôi liu riu trên bếp than, đến khi sệt lại một mức vừa phải, không quá đặc, không quá loãng, không có vị ngọt sắc, nhưng vẫn giữ nguyên được hương vị đậm đà. Màu nước phải là màu sánh vàng, nâu nâu của mật ong, ngửi thôi đã thấy hơi cay của gừng, mới là đạt đúng tiêu chuẩn. Nhưng tùy quán lại có những độ ngọt, nhạt khác nhau. Tùy theo khẩu vị của từng thực khách để lựa chọn điểm đến. Nhưng có điều, nếu nước đường bị làm ngọt quá sẽ vô tình làm mất đi sự tinh tế, thanh thoát của món ăn này.
Ở Hà Nội, thật không thiếu những quán bánh trôi tàu ngon, nó được bán ở bất cứ đâu, đặc biệt khi thời tiết Hà Nội đã chớm lạnh. Từ những quán ven đường, len lỏi sâu vào trong ngõ ngách, ở trong những con phố cổ Hà Nội hay ở trong những nhà hàng sang trọng, món ăn này vẫn giữ nguyên được hương vị ngọt ngào, ấm áp vốn có. Nhưng đối với người Hà Nội sành ăn, muốn ăn bánh trôi tàu họ thích tìm tới những quán lâu đời, dù phải mất công mò tận sâu vào ngõ ngách phố cổ, để người ta thưởng thức được trọn vẹn cái hương vị tinh tế của món ăn.
Rươi - Nỗi nhớ của Hà Nội
Trong Miếng ngon Hà Nội, nhà văn Vũ Bằng có nói đến mùa mà không được ăn rươi thì như là một người đàn bà đẹp đã để phí mất tuổi hoa, sau này sẽ nặng một niềm tiếc nhớ. Nhà văn có nói đến cảnh cả miền Bắc, cứ đến những ngày cuối thu, tất cả các gia đình, "không nhiều thì ít, cũng đều ăn rươi".
Món ăn này được biết đến từ lâu bởi đã xuất hiện tại Hà Nội cách đây hàng chục năm về trước. Để ăn được chả rươi ngon nhất, người ta sẽ chế biến rươi vào 2 vụ rươi chính đó là từ tháng 3 đến tháng 6 âm lịch và tháng 8 đến tháng 12 âm lịch.
Con rươi là loài hải trùng kì lạ, chúng chỉ sinh sống ở một số vùng tiếp giáp nước lợ và nước ngọt gần biển. Sự đặc sắc về hương vị, sự đa dạng về thành phần dinh dưỡng và sự khan hiếm về số lượng đã biến rươi thành loại đặc sản mà ai cũng muốn thưởng thức. Hà Nội không có con rươi nhưng những món ăn về rươi ở Hà Nội lại ngon nổi tiếng cả nước.
Món ăn này chính là sự kết hợp giữa đặc sản vùng miền với ẩm thực truyền thống tạo nên sức cuốn hút của vùng đất này. Cái vị ngậy ngậy ngọt đậm của thịt rươi, trộn cùng trứng gà, vỏ quýt, cọng húng thơm hấp dẫn đến độ ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Chả rươi trong ký ức của nhiều người dân Hà thành là món ngon thuộc hàng bậc nhất, thịt cá hay quà đi chợ cũng chả thể nào bằng một miếng chả rươi còn đọng hạt dầu nóng trên miếng chả. Thơm vô cùng, một mùi thơm đặc biệt không lẫn vào đâu được. Chả rươi thường ăn nóng kèm theo nước chấm chua ngọt, rau thơm và bún.
Bánh đúc nóng – Hương vị của mùa đông
Bánh đúc nóng có mặt từ nhà hàng cho đến vỉa hè hay các gánh hàng rong, tùy vào từng tín đồ ẩm thực sẽ chọn cho mình mỗi cách thưởng thức khác nhau. Người dân Hà Nội cũng không biết món bánh này có từ bao giờ, họ chỉ biết rằng bánh đúc nóng chính là tinh hoa ẩm thực phố phường Hà Nội.
Vốn dĩ bánh đúc được biết đến là loại bánh truyền thống làm từ bột gạo, khuấy cùng nước vôi trong. Sau khi bánh nguội, người dùng sẽ cắt từng miếng có dạng hình vuông, chấm với tương Bần. Lúc này bánh mang lại mùi lạc béo béo bùi bùi ẩn trong từng miếng bánh dẻo dai, thấm vị tương đậm đà.
Tuy nhiên, có nhiều nơi lại dùng nước hầm xương nêm thêm chút gia vị chua ngọt để làm nước chấm bánh. Do đó, khi ăn bánh đúc nóng Hà Nội, người dùng sẽ thấy có vị ngọt thì đây chính là vị ngọt của nước hầm xương không phải đường hay bột ngọt như nhiều người hay nghĩ.
Để giúp bánh đúc nóng thơm ngon hơn, nhiều người bán sẽ rắc thêm một ít hành phi có mùi vị béo ngậy và một số loại rau thơm được thái nhỏ. Lúc này vị giác của người dùng sẽ được chuyển sang một trạng thới mới, đung đưa bởi nước thịt xào cùng mùi rau thơm phức hòa vào phần nước mắm béo ngậy có hành phi, tạo thành một hương vị ngọt ngào tự nhiên.
Đặc biệt, món ăn này không gây cảm giác chán ăn, đầy bụng nên là ai cũng muốn quay lại “hít hà” hương vị quen thuộc mà mình đã từng nếm qua. Món bánh đúc nóng Hà Nội cũng có giá thành vừa phải, phù hợp với túi tiền của nhiều người.
Cháo sườn – Món ăn quen thuộc của mùa đông
Cháo sườn là món ăn đã có từ rất lâu tại Hà Nội và cũng giống như các món ăn truyền thống khác tại đây, không ai biết rõ nguồn gốc của món ăn này.
Những gánh cháo sườn vỉa hè từ lâu đã trở thành hình ảnh rất đỗi giản dị, bình yên của người Hà Nội. Một bát cháo sườn nóng hổi là thức quà ăn mỗi xế chiều, hay buổi sáng sớm tinh mơ làm ấm bụng biết bao con người Hà Nội.
Món cháo sườn chính gốc của người Hà Nội từ xa xưa chỉ có cháo với quẩy, thêm chút hạt tiêu cho những ai thích cảm giác cay nồng. Cháo sườn ngon là phải mịn màng, không bị vón cục và có độ ngọt của sườn tiết ra.
Ngày nay, để phục vụ đa dạng nhu cầu của người ăn cháo sườn còn được kết hợp với nhiều thức ăn kèm như trứng cút luộc, thịt nạc băm rim nước mắm, hay ruốc heo, ruốc cá,... hoặc thêm một chút hành phi.
Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là nồi cháo phải sánh, mịn, thơm ngọt hương vị của hạt gạo Việt. Tùy vào ngẫu hứng, tay nghề của chủ quán và sở thích của thực khách gần xa mà mỗi quán cháo sườn lại có một hương vị gây nhớ nhung riêng của nó.