Cụ Huỳnh Thúc Kháng - Chí sĩ yêu nước nổi tiếng, một nhà báo can trường
Cụ Huỳnh Thúc Kháng tên thật là Huỳnh Văn Thước, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1876 tại làng Thạch Bình, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Cụ Huỳnh Thúc Kháng sớm nổi danh là một đại khoa trẻ tuổi, được xếp đầu trong 3 người hay chữ (tam hùng) đất Quảng Nam là: Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp và Phạm Liệu.
Ngày 10/8/1927 báo Tiếng Dân ra số đầu, cụ Huỳnh bắt đầu làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút báo Tiếng Dân, đặt trụ sở tại Huế. Báo Tiếng Dân chủ trương chống chính quyền bảo hộ. Hầu hết các bài xã luận đăng trên Tiếng Dân đều do cụ Huỳnh Thúc Kháng viết với mục đích kích thích lòng yêu nước của độc giả. Báo Tiếng Dân ra đời trong hoàn cảnh cực kỳ khó khăn giữa lúc nhân dân miền Trung đang chờ đợi sự xuất hiện một tờ báo đứng đắn bằng Việt ngữ. Tờ báo có khổ 58 x 42cm, phát hành mỗi tuần hai kỳ.
Đây là tờ báo đầu tiên ở miền Trung và là tờ nhật báo duy nhất xuất hiện trước năm 1930. Tuy có ra trễ hơn nếu so với báo chí ở hai miền Nam, Bắc nhưng báo Tiếng Dân đã đóng một vai trò chính trị quan trọng. “Tiếng Dân” được cụ Huỳnh Thúc Kháng giải thích trên tờ La Tribune Indochinoise số ra ngày 24/12/1926 như sau: “Đó là sự vui mừng, sự buồn tủi và sự chờ đợi ấp ủ trong lòng hàng triệu đồng bào. Dân là đầu mối của nước. Tiếng Dân đi sát với những vấn đề trong nước. Nếu chánh phủ biết rõ những nguyện vọng sâu xa của dân thì cần gì đối xử bất công với Tiếng Dân như đã từng đối xử với vài tờ báo đã ra mắt gần đây và đã bị đóng cửa. Tờ báo này thật xứng đáng để mang tên là Tiếng Dân, vì trong thực tế, phải nhờ đến báo chí thì Tiếng Dân mới bộc lộ ra được”.
Cụ Huỳnh Thúc Kháng viết hàng nghìn báo báo đấu tranh chống Thực dân Pháp, Là một chí sĩ lão thành, cụ Huỳnh Thúc Kháng là một tấm gương sáng về lòng yêu nước, suốt đời hy sinh phấn đấu vì dân, vì nước. Là một nhà báo kỳ cựu, cụ Huỳnh nêu cao ý chí khảng khái bất khuất trước khó khăn gian khổ, và tấm lòng thành làm nghề báo vì lợi ích xã hội, không chạy theo danh tiếng hay tiền bạc.
Sau này, Bác Hồ lấy tên cụ để đặt tên cho trường đào tạo cán bộ báo chí là “Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng”
Nhà Báo Xuân Thủy – Nhà báo cách mạng tài hoa
Đồng chí Xuân Thủy tên thật là Nguyễn Trọng Nhâm, sinh ngày 02-9-1912 tại xã Xuân Phương, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội. Sinh ra trong một gia đình nhà nho, trên mảnh đất giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, Xuân Thủy sớm bộc lộ tố chất thông minh và tài thơ văn của mình.
Không chỉ là một nhà ngoại giao xuất chúng, tài hoa, đức độ, ở ông Xuân Thủy còn thể hiện trên nhiều vai trò như nhà báo, nhà thơ… Ngay từ những ngày đầu hoạt động cách mạng, ông Xuân Thủy đã có dấu ấn trong những vai trò này.
Ngay từ lúc ngoài 20 tuổi, ông đã là ký giả, có bài đăng trên các báo “Tin tức,” “Đời nay”…, là thông tin viên cho tờ Trung Bắc Tân văn và từ năm 1932 hoạt động cách mạng thông qua báo chí. Bút danh Xuân Thủy ra đời trong thời kỳ này và trở thành tên gọi của ông cho đến khi qua đời.
Từ năm 1938 đến 1943, vì những hoạt động chống thực dân, ông nhiều lần bị bắt giam, bị đưa đi lưu đày. Trong nhà tù Sơn La, ông cùng bạn tù là Nhà báo Trần Huy Liệu tiếp tục bí mật làm tờ Suối Reo, ra 2 tháng một số, động viên các bạn tù kiên trì vượt khó, chờ đợi thời cơ cách mạng. Ngày 25/1/1942, báo Cứu quốc - cơ quan tuyên truyền tranh đấu của Tổng bộ Việt Minh ra đời.
Hai năm sau, ông được thả và trở lại hoạt động cách mạng trong phong trào Việt Minh, được cử làm Chủ nhiệm tờ Cứu quốc. Lúc này, ông phụ trách tờ báo trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Từ đây và nhiều năm sau đó, ông dành nhiều tâm lực cho việc tổ chức và phát triển báo Cứu quốc với những bài báo, trang báo, số báo nóng bỏng khí phách cách mạng và hồn non nước, mở ra một trang sử mới cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Gắn bó với nghiệp cầm bút, nhà báo Xuân Thủy thường viết xã luận và bình luận, viết ca dao bằng nhiều hình thức khác nhau. Ông viết hàng nghìn bài trên mặt báo trong thời kỳ chống thực dân Pháp với lời văn hùng hồn, tha thiết, mạch lạc.
Tối 19/12/1946, khi Đài Tiếng nói Việt Nam truyền đi mệnh lệnh chiến đấu của Bộ trưởng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, cũng là lúc báo Cứu quốc chuẩn bị cho ra số đặc biệt với lời kêu gọi “Toàn quốc kháng chiến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và bài xã luận ký tên Xuân Thủy trên trang nhất báo Cứu quốc.
Những năm sau đó, trên báo Cứu quốc liên tục xuất hiện tác phẩm của ông viết về những vấn đề cấp bách, những sự kiện có ý nghĩa sống còn đối với vận mệnh của đất nước. Những bài viết chứa đựng tính nhân văn, dân tộc và tính chiến đấu cao, ca ngợi cuộc đấu tranh của nhân dân ta, kêu gọi nhân dân đoàn kết, ủng hộ kháng chiến; lên án tội ác và vạch trần những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến chính nghĩa của dân tộc.
Cuối năm 1945, nhà báo Xuân Thủy vận động các ông Nguyễn Đức Thuyết, Chủ nhiệm báo Vì nước ra đời sau Cách mạng Tháng Tám và nhà báo Nguyễn Tường Phượng, Chủ nhiệm Tạp chí Tri Tân, tham gia thành lập tổ chức của người làm báo Việt Nam.
Trên cơ sở đó, năm 1950, tại Quảng Nạp (thuộc chiến khu Việt Bắc), ông Xuân Thủy lại đứng ra triệu tập các nhà báo, mở Đại hội thành lập “Hội những người viết báo Việt Nam” (từ năm 1959 đổi tên là Hội Nhà báo Việt Nam) và ông được bầu làm Chủ tịch đầu tiên của hội.
Theo sáng kiến của ông và sự đồng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đầu năm 1949, lớp dạy học báo chí cách mạng mang tên Huỳnh Thúc Kháng thành lập, được coi là khóa dạy báo chí cách mạng đầu tiên ở Việt Nam.
Trong quá trình làm báo, nhà báo Xuân Thủy cũng có những đóng góp quan trọng trong chỉ đạo, trực tiếp chuẩn bị cho sự ra đời của một số cơ quan báo chí lớn của đất nước, như Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam…
Lịch sử sẽ mãi ghi những nét son tên tuổi và hình ảnh của nhà ngoại giao xuất sắc và đức độ Xuân Thủy, một nhà báo, nhà thơ tâm huyết, tài hoa. Ông như một vì sao còn mãi giữa lòng dân tộc, giữa quê hương, như trong một câu đối mà một vị hòa thượng viết tặng: “Xuân khứ, Xuân lai, Xuân bất tận/ Thủy lưu, Thủy chuyển, Thủy trường tồn”.
Lưu Quý Kỳ - Nhà báo cách mạng chân chính và tài năng
Nhà báo Lưu Quý Kỳ sinh ra tại làng Hóa Đông, nay thuộc xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ông gốc người làng Minh Hương, phủ Điện Bàn, nay thuộc thành phố Hội An. Không phải ngẫu nhiên mà cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo Lưu Quý Kỳ gắn liền với báo chí. Năm 1935, khi mới 16 tuổi, ông đã có truyện ngắn "Vượt Ngục" đăng trên tờ Tin văn ở Hà Nội. Cái tài riêng của ông đã trở thành điều kiện ưu tiên để tổ chức cách mạng phân công nhiệm vụ. Vậy là, viết văn, làm báo cũng trở thành cái duyên nghiệp không bao giờ rời bỏ ông. Ông làm báo để làm cách mạng, làm người chiến sỹ đánh giặc bằng vũ khí là ngòi bút.
Lưu Quý Kỳ bắt đầu cuộc đời hoạt động cách mạng của mình với tư cách người phụ trách công tác thông tin tuyên truyền của tổ chức Đảng ở Hội An. Tháng 11/1937, ông được tổ chức điều động vào Sài Gòn làm Bí thư Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ, đồng thời làm Tổng thư ký Ban vận động Đông Dương văn sĩ tả phái liên đoàn. Trong thời kỳ này, Lưu Quý Kỳ liên tục tham gia hoạt động báo chí, lần lượt làm Thư ký tòa soạn báo Dân tiến, Dân muốn, Tiến tới; Chủ bút báo Mới - cơ quan của Liên đoàn thanh niên dân chủ Nam Kỳ. Đồng thời, ông còn là biên tập viên một số tờ báo xuất bản công khai của Đảng như: Lao động, Phổ thông, Dân chúng, Tin tức, và viết bài cho các tờ báo công khai khác như: Công luận, Điện tín, Thế kỷ v.v..
Sau Cách mạng Tháng Tám, ông làm chủ bút báo Quyết thắng của Mặt trận Việt Minh Trung bộ, chủ bút báo Ánh sáng. Năm 1947, làm chủ bút báo Cứu quốc khu IV và phụ trách tạp chí Kháng chiến, báo Sáng tạo ở khu IV. Khi vào Nam Bộ, ông được cử làm Giám đốc Sở Tuyên truyền văn nghệ Nam bộ (sau là Sở Thông tin Nam Bộ), Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ Nam bộ, chủ bút tạp chí Thống Nhứt – cơ quan của Hôi Nghiên cứu chủ nghĩa Mác ở Nam Bộ, chủ bút báo Nhân dân miền Nam – cơ quan của Trung ương Cục miền Nam, chủ nhiệm tạp chí Lá lúa – cơ quan của Chi hội Văn nghệ Nam bộ…
Năm 1954, tập kết ra Bắc, Lưu Quý Kỳ được cử làm Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền miền Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban liên lạc văn hóa nước ngoài, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền quốc tế, Vụ trưởng Vụ Báo chí thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, trợ lý Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng, Phó Tổng Thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chủ bút tuần báo Thống Nhất…
Với những hoạt động tích cực trong Tổ chức Quốc tế các nhà báo (OIJ) và góp phần tăng cường sự đoàn kết giữa các nhà báo nước ta và giới báo chí thế giới, tháng 10-1981, tại Đại hội X của OIJ ở Matxcơva (Liên Xô), ông được bầu vào Đoàn Chủ tịch và giữ chức Phó Chủ tịch OIJ.
Trong suốt 48 năm hoạt động báo chí liên tục từ Nam ra Bắc, Lưu Quý Kỳ lập “kỷ lục” mà ít nhà báo nào có được: đã tổ chức xây dựng 15 cơ quan báo chí, viết trên 3.000 bài báo, xuất bản 27 cuốn sách thuộc nhiều thể loại và chủ đề như Bài thơ Nam Bộ (thơ, 1950), Tác phong văn nghệ nhân dân (lý luận, 1951), Miền Nam yêu quý (bút ký, 1955), Thực tiễn văn nghệ kháng chiến Nam Bộ (bình luận văn học, 1958), Phút im lặng (bút ký, 1961), Nước về biển cả (tùy bút, 1971)…
Nhà báo Lưu Quý Kỳ vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc. Tên ông đã được nhiều địa phương đặt tên đường, như Quảng Nam, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông còn được tặng thưởng 6 huy chương về báo chí nước ngoài, trong đó có Huy chương Julius Fucik của OIJ – “Nhà báo cống hiến cho hòa bình và hữu nghị”.
Hương Trà