Dừng chân tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam ở bản Cơn, huyện Keooudom, tỉnh Viêng Chăn, cụ Phan Anh Thuần (90 tuổi), cựu chiến binh đến từ TP. Hồ Chí Minh, nguyên chiến sĩ Đoàn 83 Vientiane – lặng lẽ nhìn về những bia đá khắc tên đồng đội năm xưa. Đôi mắt cụ đỏ hoe, ánh lên niềm xúc động sâu thẳm. Cụ bảo mình không khóc, nhưng nước mắt cứ lặng lẽ rơi – như một lời chào muộn gửi tới những người đã nằm lại nơi đây.
Giữa không gian trang nghiêm của khu tưởng niệm, ký ức năm xưa như sống dậy. Đó là những ngày tháng gian khó, những năm tháng sẻ chia gian nguy, chén cơm, giấc ngủ cùng người bạn Lào nghĩa tình. Dù nay tóc đã bạc, bước chân đã chậm, nhưng trong cụ, mọi kỷ niệm như mới hôm qua.
“Lúc nào tôi cũng mong được trở lại nơi này – nơi có những đồng đội thân thương mãi mãi không về, nhiều người còn chưa tìm thấy hài cốt. Tôi biết ơn nhân dân Lào đã gìn giữ ký ức ấy, đã dựng nên Đài tưởng niệm trang nghiêm và đầy nghĩa tình. Trong dịp tưởng niệm Ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7, chuyến trở lại này càng thêm thiêng liêng. Chúng tôi – những người còn sống vẫn luôn khắc ghi, vẫn luôn mong được quay về, dù chỉ một lần, để nói lời tri ân với đồng đội, để tiếp nối và gìn giữ mối quan hệ keo sơn Việt Nam – Lào ngày càng bền chặt.” – cụ Thuần nghẹn ngào chia sẻ.
Câu chuyện của cụ là minh chứng sống động cho một thời nghĩa tình, cho sợi dây gắn bó không thể tách rời giữa hai dân tộc cùng vượt qua muôn vàn thử thách vì một tương lai hòa bình và hữu nghị.
Cụ Phan Anh Thuần xúc động nghẹn ngào khi đến dâng hương tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Bản Cơn (Bankon), nơi ghi dấu ký ức thiêng liêng của một thời tuổi trẻ đầy gian khó và nghĩa tình
Các cựu chiến binh trang nghiêm chụp ảnh lưu niệm tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Bản Cơn (Bankon) – nơi thiêng liêng ghi dấu tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào. Trong khoảnh khắc lắng đọng ấy, họ cùng nhau lưu giữ hình ảnh của một hành trình tri ân, như lời nhắc nhở về quá khứ hào hùng và nghĩa tình sâu nặng giữa hai dân tộc anh em.
Cựu chiến binh Nguyễn Phi Thường – người lính già đến từ thành phố Hải Phòng, nguyên chiến sĩ đơn vị 410 thuộc Đoàn 959, chuyên gia quân sự Việt Nam từng công tác tại Lào lặng lẽ trở lại vùng đất gắn bó cả tuổi thanh xuân của mình. Trở về sau chiến tranh chỉ với một chân và chiếc nạng gỗ cũ, ông bước đi chậm rãi nhưng đầy kiêu hãnh trong khuôn viên Khu tưởng niệm liệt sĩ. Trước vong linh đồng đội, thỉnh thoảng ông lại đưa tay lau những giọt nước mắt lặng lẽ rơi.
Ông kể lại, năm xưa, các ông vừa làm nhiệm vụ bảo vệ vùng giải phóng của Lào, vừa hỗ trợ xây dựng lực lượng, phát triển cơ sở và giúp nhân dân bạn ổn định đời sống giữa muôn vàn gian khó. Những ký ức về tinh thần đoàn kết, sẻ chia và gắn bó bền chặt giữa hai dân tộc vẫn còn nguyên vẹn trong ông.
“Trở lại sau 55 năm, tôi thật sự xúc động. Mọi hy sinh gian khó năm xưa giờ đã được đền đáp bằng sự đổi thay, phát triển và bình yên trên mảnh đất này. Tôi chỉ mong tình hữu nghị Việt – Lào mãi trường tồn, mãi đong đầy nghĩa tình như thuở ban đầu,” ông Thường chia sẻ, mắt rưng rưng.
Những tâm sự chân thành ấy không chỉ là lời tri ân quá khứ mà còn là cầu nối cho hiện tại và tương lai. Cũng chính bởi giá trị thiêng liêng đó, khi đoàn CCB từng công tác tại Mặt trận 379 Bắc Lào trở về thăm nơi từng đóng quân, Tỉnh trưởng tỉnh Phongsaly – ông Khamphoi Vanasan – đã đích thân ra Đài tưởng niệm liệt sĩ Phongsaly ở thị xã Boun Neua để đón đoàn, khi các cựu binh đang dâng hương tưởng niệm. Đó không chỉ là sự tiếp đón, mà là biểu tượng sống động của tình cảm thủy chung, nghĩa tình son sắt giữa hai dân tộc Việt – Lào, được gìn giữ suốt bao thế hệ.
Tỉnh trưởng tỉnh Phongsaly, ông Khamphoi Vanasan, đã đích thân tới Đài tưởng niệm liệt sĩ Phongsaly tại thị xã Boun Neua để đón ông Vương Bình Minh – Trưởng Ban liên lạc Mặt trận 379 Bắc Lào – trong lúc ông cùng đoàn cựu chiến binh đang dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ
Tại Đài tưởng niệm liệt sĩ Phongsaly, Tỉnh trưởng tỉnh Phongsaly – ông Khamphoi Vanasan – thân mật chụp ảnh lưu niệm cùng các cựu chiến binh Việt Nam
Với tình cảm thủy chung son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào, khắp các tỉnh thành của nước bạn Lào đều hiện diện những Đài tưởng niệm liệt sĩ liên quân Lào - Việt. Mỗi nơi đi qua, người ta dễ dàng bắt gặp những tượng đài trang nghiêm, trầm mặc, như những cột mốc ký ức nhắc nhớ về một thời kỳ đầy gian nan nhưng chan chứa nghĩa tình. Đó không chỉ là công trình tri ân, mà còn là biểu tượng sống động của tình đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc anh em.
Đại tướng Chansamone Chanyalath - Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lào - trong nhiều dịp tiếp xúc và giao lưu Việt - Lào, luôn xúc động nhấn mạnh: “Trên từng ngọn núi, dòng sông, cánh rừng, từng con đường của đất nước Lào đều in đậm dấu chân, mồ hôi và sự hy sinh thầm lặng của các chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam trong suốt những năm tháng chiến tranh. Sự hy sinh ấy là cao cả và thiêng liêng, không gì có thể so sánh. Nhờ những đóng góp ấy, hôm nay nhân dân hai nước mới được sống trong hòa bình, độc lập và hạnh phúc.”
Đại tướng cũng khẳng định, nhân dân các dân tộc Lào luôn khắc ghi trong tim sự giúp đỡ to lớn và nghĩa tình sâu sắc ấy – không chỉ trong cuộc đấu tranh giành độc lập, mà còn trong hành trình bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước hôm nay. Đó là minh chứng không thể phai mờ cho tình bạn vững bền, thủy chung giữa hai dân tộc Việt – Lào, được vun đắp bằng sự sẻ chia, đồng cam cộng khổ và niềm tin vào tương lai chung tươi sáng.
Đài tưởng niệm Liệt sĩ Liên quân Việt Lào tại thị xã Phonesavanh, tỉnh Xiengkhoang
Cựu chiến binh Việt Nam dâng hương Đài tưởng niệm Liệt sĩ Liên quân Việt Lào tại tỉnh Xiengkhoang
Đặt chân đến nước bạn Lào, điều dễ nhận ra là ngay tại trung tâm các tỉnh lỵ – nơi từng ghi dấu những chiến trường ác liệt trong thời kỳ chống Mỹ – đều hiện diện những tượng đài tưởng niệm chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam. Tượng đài với hình ảnh hai người lính – một Lào, một Việt – kề vai sát cánh, tay giữ chặt súng, ánh mắt kiên cường nhìn về phía trước. Hình tượng ấy không chỉ thể hiện tinh thần liên minh chiến đấu keo sơn giữa hai dân tộc, mà còn là biểu tượng sống động của một thời hào hùng, nhắc nhớ các thế hệ hôm nay và mai sau về sự hy sinh cao cả của những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của hai đất nước anh em.
Tại huyện Keooudom, tỉnh Viêng Chăn, một trong những điểm nhấn sâu sắc là Khu tưởng niệm và Đài liệt sĩ Quân tình nguyện Việt Nam – nơi từng là hố chôn tập thể của 26 chiến sĩ liên quân Việt – Lào bị thực dân Pháp sát hại năm 1946. Khu tưởng niệm được xây dựng trang nghiêm trên diện tích hơn 3.000m², với Đài tưởng niệm cao 11m, gồm ba bậc dẫn lên – như ba nấc ký ức nâng bước người trở về quá khứ.
Bên trong, tấm bia đá đen trang trọng ghi danh 11 liệt sĩ – gồm 2 liệt sĩ Lào, 8 liệt sĩ Việt Nam và một tình nguyện viên người Nhật Bản – được khắc bằng chữ vàng theo lối truyền thống Việt Nam. Kiến trúc đài là sự hòa quyện tinh tế giữa bản sắc hai dân tộc: hình rồng uốn lượn sơn thếp vàng bao quanh, mái lọng đặt trên bốn cột vững chãi – biểu tượng cho sự chở che, bảo vệ và trường tồn. Hai lá quốc kỳ Việt Nam và Lào tung bay bên nhau, như lời nhắc về tình hữu nghị đặc biệt, không gì lay chuyển nổi giữa hai đất nước đã cùng sẻ chia ngọt bùi, cùng xây đắp hòa bình từ trong gian khó.
Cựu chiến binh Việt Nam dâng hương Liệt sĩ Liên quân Việt - Lào tại tỉnh Oudomxay (Bắc Lào)
Theo các tư liệu được lưu giữ tại Nhà trưng bày Khu tưởng niệm, nơi đây chính là biểu tượng lịch sử ghi dấu chiến thắng Ban Kon ngày 1/1/1946 – một trong những trận đánh có ý nghĩa bước ngoặt của liên quân Lào – Việt. Chiến thắng này không chỉ làm thay đổi cục diện quân sự tại vùng Viêng Chăn, mà còn tạo nên làn sóng cổ vũ mạnh mẽ trên toàn chiến trường Lào trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp.
Ông Trần Hanh – Chủ nhiệm Câu lạc bộ đồng hương Xiengkhuang tại thủ đô Viêng Chăn chia sẻ rằng, cứ đến ngày 27/7 hằng năm, đông đảo kiều bào Việt Nam tại Lào lại hành hương về đây, thành kính dâng nén hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ. Đó không chỉ là nghi lễ tri ân, mà còn là dịp để gắn kết cộng đồng, giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, gìn giữ thành quả cách mạng mà biết bao thế hệ người Việt và người Lào đã đánh đổi bằng mồ hôi, máu và cả cuộc đời mình. Cộng đồng người Việt tại Lào cũng từ đó mà thêm gắn bó, yêu thương, hỗ trợ nhau trong cuộc sống, đồng thời tuân thủ tốt pháp luật và chính sách của nước sở tại.
Rời Viêng Chăn, đến tỉnh Xiengkhuang (Xiêng Khoảng), giữa trung tâm thị xã Phonsavanh – nơi từng là vùng đất khói lửa nay đã chuyển mình phát triển mạnh mẽ – tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sừng sững hiện lên trên đỉnh đồi cao, như một ngọn hải đăng ký ức. Tượng đài thếp vàng rực rỡ, càng thêm nổi bật khi nắng lên, không chỉ điểm tô vẻ đẹp cho vùng đất cao nguyên mà còn gợi nhắc mỗi du khách về một thời kỳ hào hùng, đầy nghĩa tình giữa hai dân tộc.
Ông Maikham – Nguyên Giám đốc Sở Lao động và Phúc lợi xã hội tỉnh Xiengkhuang cho biết: “Mỗi dịp có đoàn công tác từ Việt Nam sang, hoặc vào các ngày lễ lớn như Quốc khánh Lào, lãnh đạo tỉnh và đại diện các địa phương đều đến dâng hương, đặt hoa dưới chân tượng đài. Đặc biệt, hằng năm vào hai dịp quy tập và tiễn đưa hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam trở về đất mẹ, nơi đây chính là không gian thiêng liêng tổ chức lễ tiễn biệt trang trọng nhất theo nghi thức và phong tục truyền thống Lào.”
Những tượng đài, khu tưởng niệm nơi đất bạn không chỉ là nơi dừng chân của lịch sử, mà còn là biểu tượng sống động của tình hữu nghị keo sơn, bền vững giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào. Từng tấm bia, từng nén nhang, từng dòng người đến dâng hoa, cúi đầu tưởng niệm… đều là minh chứng cho một mối quan hệ đặc biệt – thiêng liêng, thủy chung và không gì có thể thay thế.
Thiếu niên Lào dâng hương tại Khu tưởng niệm Liệt sĩ Liên quân Việt Lào
Tại Lào, đất nước triệu voi giàu truyền thống nghĩa tình – những tượng đài, khu tưởng niệm chiến sĩ liên quân Lào – Việt hiện diện trang trọng khắp các vùng đất, từ miền núi Bắc Lào đến cao nguyên miền Nam, như những mốc son lịch sử bất tử, nhắc nhớ một thời kỳ hào hùng và gắn bó keo sơn giữa hai dân tộc.
Tại tỉnh Oudomxay, giữa trung tâm thị xã Muangxay, tượng đài chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam sừng sững trên đồi cao, uy nghi giữa không gian xanh mướt của núi rừng, trở thành điểm đến thiêng liêng, là nơi người dân và du khách dừng chân tưởng niệm và chiêm nghiệm lịch sử.
Tại tỉnh Xaysomboun – một địa phương vừa được nâng cấp từ đặc khu lên tỉnh, nằm giữa ba tỉnh Viêng Chăn, Xiêng Khoảng và Bolikhamxay – nơi từng được xem là “thủ phủ” của lực lượng phản loạn Vàng Pao trong quá khứ – giờ đây rạng rỡ một biểu tượng mới của hòa bình và tình hữu nghị: Đài tưởng niệm Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam. Công trình được xây dựng tại trung tâm thị xã Anuvong trên diện tích 4.300m², với khu tượng đài trung tâm rộng 2.600m², gồm tượng chính cao 11m, hai bức tượng chiến sĩ cao 3,2m, hai bức phù điêu hoành tráng cùng khuôn viên được đầu tư đồng bộ: bãi đỗ xe, nhà điều hành, hệ thống chiếu sáng và hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Ở miền Nam, tại huyện Paksong thuộc tỉnh Champasak – vùng đất cao nguyên Bolaven từng chứng kiến nhiều chiến dịch lớn – Chính phủ Lào cũng vừa khánh thành Đài tưởng niệm chiến sĩ Lào – Việt trên diện tích hơn 4ha. Công trình gồm 13 hạng mục, nổi bật là hai trụ tháp cao 11m, đường kính 13m, cụm phù điêu khổng lồ cao 4,5m, nhà điều hành, nhà trưng bày và hệ thống cảnh quan, hạ tầng đồng bộ. Đây không chỉ là điểm nhấn văn hóa – lịch sử của vùng đất này mà còn là minh chứng sinh động cho sự biết ơn sâu sắc đối với những người đã hy sinh vì nền hòa bình hôm nay.
Tại các tỉnh Nam Lào như Savanakhet, Attapeu, Khammuan, Bolikhamxay, Sekong… tượng đài chiến sĩ liên quân Lào – Việt hiện diện như những biểu tượng bất biến của tình đoàn kết, của khát vọng tự do và độc lập. Hầu hết các tượng đài đều khắc họa hình ảnh hai chiến sĩ Việt Nam và Lào vai kề vai, tay nắm chặt súng, đặt trên bục cao với lư hương lớn phía dưới – vừa trang nghiêm, vừa lắng đọng cảm xúc.
Những tượng đài ấy không chỉ là công trình kiến trúc mà còn là ký ức khắc sâu trong tâm khảm của nhân dân Lào – về sự hy sinh to lớn của hơn 500.000 lượt quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đã từng sát cánh bên quân và dân Lào trong những năm tháng gian khổ. Trong số đó, hơn 50.000 người mang thương tật trở về và hơn 40.000 liệt sĩ đã nằm lại vĩnh viễn trên đất bạn. Sự hy sinh ấy đã góp phần làm nên nền hòa bình, độc lập và mối quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, bền chặt đến muôn đời.
Bia lưu danh liệt sĩ Liên quân Việt Lào tại Bankon
Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào Thongloun Sisoulith, trong một lần dâng hương tưởng niệm tại khu lưu niệm liệt sĩ, đã xúc động ghi vào sổ vàng những dòng đầy ý nghĩa: “Việc xây dựng các tượng đài chiến sĩ Lào và Việt Nam ngay tại trung tâm các tỉnh lỵ không chỉ là để tưởng nhớ quá khứ, mà còn là thông điệp trường tồn gửi đến tương lai. Đây là những địa chỉ đỏ góp phần giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân Lào – đặc biệt là thế hệ trẻ – nhận thức sâu sắc hơn nữa về truyền thống hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai dân tộc Lào – Việt Nam.”
Tổng Bí thư nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước và nhân dân các dân tộc Lào luôn trân trọng và nguyện gìn giữ, nâng niu mối quan hệ thiêng liêng ấy như một báu vật quốc gia – không chỉ cho hôm nay, mà cho muôn thế hệ mai sau.
“Mối quan hệ đặc biệt, truyền thống liên minh chiến đấu giữa Việt Nam và Lào là di sản vô giá, được đúc kết từ máu, mồ hôi và nước mắt trong suốt những năm tháng đấu tranh giành độc lập trước thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Đó là thành quả mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Souphanouvong và Chủ tịch Kaysone Phomvihane đã dày công gây dựng, và các thế hệ lãnh đạo, nhân dân hai nước tiếp nối, vun đắp không ngừng.”
Những lời nhắn gửi ấy không chỉ thể hiện tầm nhìn chiến lược của người đứng đầu Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, mà còn là bản tuyên ngôn tinh thần cho mối quan hệ đặc biệt Việt – Lào. Những Đài tưởng niệm hiện hữu khắp đất nước Lào – từ Bắc xuống Nam, từ đồng bằng đến rẻo cao – không chỉ khắc ghi ký ức lịch sử trên đá, trên đồng, mà còn xây nên những tượng đài vĩnh cửu trong lòng mỗi người dân hai nước. Đó là nơi ký ức và lòng biết ơn giao thoa, là biểu tượng sống động cho tình hữu nghị thủy chung, trong sáng và bất diệt giữa hai dân tộc anh em Việt Nam – Lào.
Quốc Khánh - Nguyệt Hằng - Cát Tường