Những vấn đề các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè đang phải đối mặt

Các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè được dự báo sẽ còn nhiều khó khăn hơn nữa trong giai đoạn tới bởi những ảnh hưởng từ chuỗi cung ứng cũng như từ đại dịch Covid-19 trước đó.

Cước vận tải biển ‘ăn mòn' lợi nhuận doanh nghiệp

Trước đó, khi cước vận tải biển “đạt đỉnh”, không chỉ các doanh nghiệp chè gặp khó mà tất cả doanh nghiệp đều đối mặt với thách thức này.

Chi phí cước vận tải tăng cao trong một thời gian dài khiến vốn của các doanh nghiệp bị “ăn mòn”. Trong đó, nổi bật nhất là tình trạng khan hiếm container rỗng, cước vận chuyển liên tục gia tăng, làm tăng chi phí của doanh nghiệp và giảm sức cạnh tranh của sản phẩm ngành chè Việt Nam nói chung cũng như nông sản xuất khẩu của cả nước nói riêng trên thị trường thế giới.

Chi phí vận tải biển từng "gây bão" trong một thời gian dài
Chi phí vận tải biển từng "gây bão" trong một thời gian dài

Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới giá cước vận chuyển liên tục tăng trong hơn 1 năm qua. Đặc biệt từ giai đoạn cuối năm 2021, giá cước container sản phẩm chè và hàng nông, thủy sản xuất khẩu từ Việt Nam tới Mỹ, châu Á, châu Âu… đã bị đẩy tăng rất mạnh khiến giá thành sản phẩm tăng theo, làm giảm sức cạnh tranh và giảm giá trị xuất khẩu của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, khó khăn trong hoạt động vận chuyển còn dẫn tới rủi ro không hoàn thành kịp đơn hàng cho đối tác, làm mất uy tín và gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Trong báo cáo được cập nhật mới đây đối với ngành Logistics, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, giá cước vận tải biển có phục hồi nhẹ, được thúc đẩy bởi sự tăng trưởng vượt bậc của thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, về lâu dài, các mức giá tàu biển này có thể sẽ điều chỉnh về mức hợp lý nhờ: Điểm nghẽn toàn cầu đã dần được tháo gỡ; Thương mại toàn cầu hạ nhiệt và nguồn cung tàu biển sẽ giảm bớt áp lực cầu.

Theo VDSC, hiện tại, tình trạng tắc nghẽn tàu ở các cảng lớn và tình trạng thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc,châu Âu đang đẩy giá vận chuyển hàng hóa lên cao. Nhưng việc tàu nhanh chóng được giao vào năm 2023 và 2024 sẽ giảm áp lực lên vấn đề nguồn cung tàu và giúp cước vận tải biển hạ nhiệt. Cân bằng cung - cầu được kỳ vọng sẽ hồi phục trong những năm sắp tới.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp đánh giá rằng cước vận tải biển có xu hướng hạ nhiệt nhưng chưa chắc đã duy trì lâu dài. Bởi vận tải biển phụ thuộc vào tình hình giao thương quốc tế. Cùng với đó, bất ổn chính trị cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình giao thương quốc tế.

Chi phí sản xuất cao nhưng giá chè thành phẩm không đổi

Chi phí sản xuất cao khiến các doanh nghiệp khốn đốn
Chi phí sản xuất cao khiến các doanh nghiệp khốn đốn

Từ đầu năm 2022 đến thời điểm này, nhiều nguyên vật liệu đã tăng 30-50%. Bên cạnh đó, cước vận chuyển nội địa cũng tăng theo giá xăng dầu, khiến chi phí vận chuyển bị đội lên 10-15%, chưa kể nhiều chi phí khác cũng tăng ăn theo giá xăng dầu.

Giá vật tư đầu vào như phân bón, xăng, dầu… tăng cao khiến chi phí sản xuất tăng trong khi giá và đầu ra nông sản chưa ổn định. Điều này đòi hỏi các hộ trồng chè phải thay đổi cách thức canh tác, linh hoạt, thích ứng với biến động thị trường nhằm phục hồi kinh tế và nâng cao hiệu quả sản xuất.

Do chi phí đầu vào tăng dẫn đến giá chè không ổn định, nhiều doanh nghiệp cho biết phải tăng giá đầu ra tùy từng loại mặt hàng. Tuy nhiên, cái khó đối với các doanh nghiệp xuất khẩu là chưa thể đàm phán với các đối tác nước ngoài để nâng giá bù đắp chi phí trong khi vì giá cao nên đối tác cũng bắt đầu giảm đơn hàng. 

Thời gian qua, giá phân bón tăng cao, trong khi giá chè thành phẩm không đổi nên chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp chè đã phải tính toán để vừa hạ chi phí sản xuất, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, đại diện công ty Phong Hải Lào Cai chia sẻ.

Chất lượng vùng nguyên liệu

Từ những tháng đầu năm 2020, mặc dù phải đối mặt với những diễn biến phức tạp của tình hình dịch bệnh Covid-19, song chè là một trong những sản phẩm duy trì được sản xuất, không bị đứt gãy trong quá trình xuất khẩu, tăng trưởng xuất khẩu chè của Việt Nam sang nhiều thị trường chính được đảm bảo ổn định.

Chất lượng của vùng nguyên liệu quyết định chè thành phẩm
Chất lượng của vùng nguyên liệu quyết định chè thành phẩm

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu chè trong tháng 7/2022 đạt 12,5 nghìn tấn, trị giá 21,2 triệu USD, tăng 8,7% về lượng và tăng 2,1% về trị giá so với tháng 7/2021. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 7/2022 đạt 1.695,4 USD/tấn, giảm 6,1% so với tháng 7/2021. Tính chung 7 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu chè đạt 66,2 nghìn tấn, trị giá 113,7 triệu USD, giảm 4,9% về lượng và giảm 1,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021; Giá chè xuất khẩu bình quân đạt 1.718,1 USD/tấn, tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2021.

Pa-ki-xtan là thị trường xuất khẩu chè chính của Việt Nam. Trong 7 tháng đầu năm 2022, chè xuất khẩu sang thị trường này tăng mạnh cả về lượng và trị giá, đạt 26,2 nghìn tấn, trị giá 49,6 triệu USD, tăng 21,9% về lượng và tăng 17,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy nhiên, chất lượng chè không cao nên lép vế trước sản phẩm chè các nước, ảnh hưởng đến giá chè xuất khẩu. Không ít sản phẩm chè xuất khẩu không chứng minh, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến giá trị xuất khẩu chung của ngành chè. Hiện nay, ngoài số ít DN tự trồng hoặc liên kết được chặt chẽ với nông dân theo chuỗi giá trị, còn lại đa phần là sản xuất tại các hộ gia đình nông dân và các hộ gia đình công nhân nhận khoán.

Đại diện một doanh nghiệp sản xuất chè nổi tiếng ở Lào Cai chia sẻ: Một trong những vấn đề nan giải của các doanh nghiệp xuất khẩu chè hiện nay chính là đảm bảo chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn đặt ra như yêu cầu xuất xứ, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn thực phẩm, không có chất cấm trong sản phẩm... Việc xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao là một trong những vấn đề cốt lõi của các vùng chè. Việc nông dân áp dụng máy móc trong khâu hái chè tác động không nhỏ đến sự phát triển của tán cây, từ đó cây chè khó phát triển và vùng nguyên liệu bị ảnh hưởng.

Để đẩy mạnh xuất khẩu các doanh nghiệp chè cần nỗ lực hơn nữa, nhất là việc xây dựng thương hiệu và đầu tư công nghệ nhằm sản xuất các mặt hàng đủ tiêu chuẩn bởi những quy định về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với mặt hàng xuất khẩu là rất nghiêm ngặt, nhất là tại một số thị trường khó tính như Mỹ, EU... Đồng thời, để đảm bảo được nguồn nguyên liệu sạch, doanh nghiệp phải liên kết với các đơn vị sản xuất, các hợp tác xã trồng chè; nhân rộng mô hình các vùng trồng chè nguyên liệu theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm đảm bảo tiêu chuẩn cho chè xuất khẩu.

Thư Trà