Nông dân Hương Sơn tất bật thu hoạch vụ chè xuân

Những ngày cuối tháng 3 âm lịch, khắp các đồi chè tại huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) lại rộn ràng tiếng nói cười, người dân hối hả thu hái chè xuân – vụ chè đầu tiên trong năm, mang theo niềm hy vọng về một mùa bội thu.

Chè Hương Sơn – thương hiệu lâu đời của Hà Tĩnh

Hương Sơn từ lâu đã nổi tiếng là vùng trồng chè truyền thống của Hà Tĩnh. Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng lý tưởng, cây chè ở đây sinh trưởng tốt, cho năng suất và chất lượng cao. Vụ xuân thường bắt đầu từ cuối tháng 1 đến tháng 4 âm lịch – thời điểm chè cho ra những búp non xanh mướt, tươi ngon.

Chè mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây
Chè mang lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nơi đây

Tại xã Sơn Kim 2, từ sáng sớm, người dân đã có mặt trên các đồi chè. Tay thoăn thoắt hái những búp chè mơn mởn, họ vừa làm việc vừa trò chuyện rôm rả, tạo nên bức tranh lao động đầy sức sống giữa thiên nhiên xanh mát.

Tại vườn chè của gia đình, bà Nguyễn Thị Hợi (xã Sơn Kim 2) cho biết: “Gia đình tôi phải thuê thêm 1-2 lao động mỗi ngày để kịp tiến độ thu hoạch. Từ đầu vụ đến nay, đã thu được hơn 1 tấn chè.”

Chuyển đổi canh tác – tăng thu nhập

Những búp chè mơn mỡn được những cánh tay của chị em thu hái thoăn thoắt
Những búp chè mơn mỡn được những cánh tay của chị em thu hái thoăn thoắt

Chị Bùi Thị Hiền (thôn Hà Chua, xã Sơn Tây) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi trồng đậu, lạc, nhưng hiệu quả thấp, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và thị trường. Sau khi chuyển sang trồng chè, kinh tế ổn định hơn hẳn. Chè thu hoạch quanh năm, được xí nghiệp thu mua tận nơi, giá cả lại ổn định.”

Năm nay, do thời tiết đầu năm mưa rét kéo dài, sản lượng đầu vụ có phần giảm. Tuy nhiên, dự báo thời tiết thuận lợi trong thời gian tới sẽ giúp cây chè phục hồi nhanh, hứa hẹn một vụ chè năng suất cao.

Chị Hiền cho biết thêm, trung bình mỗi tháng gia đình thu hoạch khoảng 2 tấn chè tươi, sau khi trừ chi phí vẫn lãi hơn 7 triệu đồng. Nhờ tuân thủ quy trình chăm sóc nghiêm ngặt từ khâu bón phân đến phòng trừ sâu bệnh, chất lượng chè ngày càng nâng cao, giá bán cũng ổn định hơn.

Sản xuất sạch, chất lượng cao – hướng đến thị trường quốc tế

Chè hái bao nhiêu được Xí nghiệp chè thu mua bấy nhiêu nên không lo đầu ra của sản phẩm
Chè hái bao nhiêu được Xí nghiệp chè thu mua bấy nhiêu nên không lo đầu ra của sản phẩm

Không chỉ ở Sơn Kim 2, người trồng chè tại các xã như Sơn Tây, Sơn Hồng, Sơn Lâm… cũng đang áp dụng mô hình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ đó, chè Hương Sơn ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng, nhiều sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao, nâng cao thương hiệu và giá trị sản phẩm địa phương.

Ông Hoàng Văn Sơn (thôn Hà Chua, xã Sơn Tây), người có hơn 10 năm kinh nghiệm trồng chè, chia sẻ: “Gia đình tôi chuyển đổi từ đất màu kém hiệu quả sang trồng hơn 1 ha chè. Nhờ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, mỗi tháng thu khoảng 3 tấn chè, sau chi phí vẫn lời gần 10 triệu đồng.”

Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên các đồi chè ở huyện Hương Sơn đã cho năng suất ngày một cao, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển.
Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên các đồi chè ở huyện Hương Sơn đã cho năng suất ngày một cao, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

Chè Hương Sơn hiện chủ yếu sử dụng hai giống chính là LDP2 và PH1 – có khả năng chống chịu tốt, cho chất lượng cao. Sản phẩm không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản và Trung Đông.

Kỳ vọng bội thu

Theo ông Nguyễn Hồng Sánh – Giám đốc Xí nghiệp chè Tây Sơn, thời tiết đầu năm không thuận khiến sản lượng chè giảm khoảng 100 tấn so với năm ngoái. Tuy nhiên, vào quý I, đơn vị vẫn thu mua khoảng 700 tấn chè tươi với giá ổn định 7.000 đồng/kg.

Bà con phấn khởi rủ nhau hái chè từ sáng sớm
Bà con phấn khởi rủ nhau hái chè từ sáng sớm

Nhờ được chăm sóc tốt, tích cực ứng dụng các tiến bộ KHKT, chú trọng sản xuất theo quy trình chè an toàn VietGAP nên các đồi chè ở huyện Hương Sơn đã cho năng suất ngày một cao, đưa đời sống nhân dân ngày càng phát triển.

“Việc mang sản phẩm an toàn tiêu thụ tại các thị trường khó tính luôn được đặt lên hàng đầu. Xí nghiệp chè Tây Sơn được cấp chứng nhận tiêu chuẩn VietGap cho toàn bộ phần diện tích sản xuất và đạt chuẩn 3 sao OCOP. Để vào EU, cần nhanh chóng xây dựng thương hiệu chè quốc tế RA. Tiêu chuẩn này yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo an toàn thực phẩm tuyệt đối; bảo vệ môi trường nước, đất, không khí, hệ sinh thái trong vùng sản xuất… nghiêm ngặt”. ông Sánh cho hay.

Toàn huyện Hương Sơn hiện có khoảng 633 ha chè. Dự kiến, vụ xuân năm nay sẽ đạt khoảng 1000 tấn. Nếu giữ được ổn định như hiện nay, năm 2025, sản lượng chè toàn huyện có thể đạt trên 8.000 tấn, mang về doanh thu khoảng 56 tỷ đồng.

Diễm Phước