Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường có giá trị cao

Doanh nghiệp Việt đang nỗ lực tìm kiếm cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu, tìm khách hàng mới bằng nhiều cách, nhằm giảm phụ thuộc vào một số thị trường, tăng lợi thế hàng hóa.

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính đạt trên 9,4 tỷ USD, tăng 10,4%; lâm sản chính đạt gần 7,7 tỷ USD, tăng 7,6%; thủy sản ước đạt gần 4,8 tỷ USD, tăng 46,3%.

Trong 5 tháng đã có 9 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD, đó là: Cà phê đạt gần 2 tỷ USD (tăng 54,0%); cao su đạt trên 1 tỷ USD (tăng 12,0%); cá tra đạt 1,2 triệu USD (tăng 91,2%), tôm đạt trên 1,9 tỷ USD (tăng 42,7%), gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 7,2 tỷ USD (tăng 6,9%)…  

Nông sản Việt hướng tới chinh phục thị trường có giá trị cao - Ảnh 1

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản trong 5 tháng đầu năm 2022, thị trường lớn nhất vẫn thuộc về Mỹ, đạt gần 6,5 tỷ USD, chiếm 28,0% thị phần. Nhóm hàng gỗ và sản phẩm gỗ chiếm tới 67,5% tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam vào thị trường Mỹ.

Đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc trên 4,1 tỷ USD, chiếm 17,8% thị phần; với kim ngạch xuất khẩu nhóm rau quả chiếm 20,8. Xếp ở vị trí thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,6 tỷ USD (chiếm 7,0%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ nhiều nhất (chiếm 43,8%). Thứ 4 là thị trường Hàn Quốc với giá trị xuất khẩu đạt trên 1,1 tỷ USD (chiếm 4,8%) và xuất khẩu nhóm sản phẩm gỗ chiếm 44,2%.

Phân tích về thị trường xuất khẩu, đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, các mặt hàng như: Cao su, trái cây, rau quả, gỗ và lâm sản, thủy sản… đều dự báo có sự tăng trưởng lớn trong xuất khẩu. Đơn cử như mặt hàng cao su, trong giai đoạn 2022 - 2024, cao su thế giới có thể bước vào chu kỳ tăng giá khá mạnh do nguồn cung đang giảm dần. Vì thế, xuất khẩu cao su của Việt Nam có thể tiếp tục được hưởng lợi về giá, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu cao su năm 2022 dự báo vượt mốc 3,6 tỷ USD.

Các chuyên gia kinh tế nhận định, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt trong năm 2022 nhiều lạc quan bởi nhu cầu của thế giới tăng sau dịch Covid-19. Còn theo các tham tán thương mại tại nhiều nước, thị trường, người tiêu dùng châu Âu và châu Mỹ, người dân châu Á cũng dần biết đến và ưa thích các loại nông sản chủ lực của Việt Nam như: Cà phê, trái cây tươi. Điều này cho thấy cơ hội xuất khẩu của cà phê, trái cây tươi Việt Nam năm 2022 vẫn rất lạc quan. 

Tuy từ đầu năm đến nay xuất khẩu nông sản có được đà tăng trưởng tốt, song theo nhận định của các chuyên gia, hoạt động này trong thời gian tới sẽ gặp không ít khó khăn, thách thức từ những yếu tố rủi ro khó lường của dịch Covid-19, lạm phát và đặc biệt là tình hình xung đột giữa Nga - Ukraine. Đáng nói, giá cước vận tải biển chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, giá thành sản xuất còn cao... vẫn là những thách thức mà các DN xuất khẩu nông sản phải đối mặt trong năm 2022.

Nếu chinh phục được các thị trường xuất khẩu “khó tính” sẽ giúp doanh nghiệp Việt mang lại những đơn hàng có giá trị cao và ổn định. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là hàng hóa Việt Nam cần vượt qua yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng, phải chủ động đối diện với các rủi ro về pháp lý, sự cạnh tranh gay gắt từ những nước cung cấp các sản phẩm tương tự… Do vậy rất cần sự hỗ trợ để hàng Việt chinh phục thị trường "khó tính".

Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản, cùng với việc chú trọng theo dõi, nắm bắt và tổng hợp thông tin, số liệu về giá cả, tình hình sản xuất và nguồn cung các mặt hàng nông sản tại địa phương trong nước trong điều kiện mới, Bộ NN&PTNT đang triển khai cập nhật hệ thống phần mềm dữ liệu cung cầu nông sản từ địa phương; tăng cường kết nối, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tại các vùng sản xuất trọng điểm và tại các cửa khẩu chính với Trung Quốc. 

Xác định rõ việc kiểm soát chất lượng nông sản không chỉ mở cánh cửa xuất khẩu chính ngạch mà còn để mở rộng thị trường cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ở những thị trường mang lại giá trị cao, khó tính. Vì vậy, Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cập nhật, thông báo kịp thời quy định an toàn thực phẩm của các thị trường cho DN, chính quyền địa phương, người nông dân để áp dụng quy trình sản xuất phù hợp và kiểm soát các chỉ tiêu an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu.

Mặt khác, ngành nông nghiệp sẽ không ngừng thúc đẩy các hoạt động mở cửa thị trường. Cụ thể, ngành nông nghiệp sẽ chuẩn bị nội dung làm việc song phương với cơ quan chức năng của các nước: Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Hàn Quốc và xây dựng Đề án thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản đi châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản. 

Nhằm hướng đến đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, thông qua nhiều chương trình xúc tiến thương mại số, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ DN nói chung và DN xuất khẩu nông sản đẩy mạnh khai thác hiệu quả những hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký với các quốc gia, lãnh thổ, đặc biệt là FTA với Liên minh kinh tế Á - Âu; các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Hiện Bộ NN&PTNT đang phối hợp với Bộ Công Thương trong việc đánh giá, dự báo tình hình một cách kịp thời chính xác; cùng nhau tìm giải pháp ổn định sản xuất và cung ứng cho thị trường trong nước cũng như xuất khẩu hàng hóa nông sản. Đặc biệt là chú trọng trao đổi, đàm phán với các nước để đưa hàng nông sản của Việt Nam vào những thị trường này. Ngoài ra, hai Bộ cũng đẩy mạnh việc hỗ trợ DN vừa khai thác tốt thị trường truyền thống vừa tiếp cận các thị trường mới. Cùng với đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, ách tắc trong xuất khẩu nông sản.

Bảo An (t/h)