Được phát triển theo mô hình take away (bán mang đi) và không có chỗ ngồi tại chỗ, chuỗi đồ uống “Nước lê thần thánh” đã nhanh chóng mở rộng và trở thành hiện tượng trên thị trường F&B Hà Nội thời gian qua.
Cửa hàng Nước Lê đầu tiên đặt tại Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội, mở từ đầu tháng 4 năm nay. Hiện tại, Nước Lê đã có 31 cơ sở tại Hà Nội và 1 cơ sở tại TP. HCM. Với mức giá bình dân chỉ từ 20.000 đồng/sản phẩm, chuỗi cửa hàng này đã thu hút được nhiều khách hàng, đặc biệt là giới trẻ trải nghiệm.
Không chỉ hấp dẫn với mức giá phải chăng, Nước Lê còn ghi điểm nhờ bộ nhận diện thương hiệu bắt mắt với tông màu xanh lá cây tươi mát, phù hợp với không khí mùa hè. Trên các nền tảng mạng xã hội, giới trẻ đang tích cực check-in và chia sẻ trải nghiệm về món đồ uống mới này. Tuy nhiên, bên cạnh những lời khen ngợi, cũng có một số ý kiến cho rằng hương vị của nước lê ở đây còn hơi nhiều hương liệu và chưa thực sự tự nhiên.
Nước Lê thuộc sở hữu của công ty TNHH Đầu tư Pika Lê Việt Nam, địa chỉ đặt tại Quán Thánh, Ba Đình,Hà Nội - trùng địa chỉ quán Nước Lê đầu tiên. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Hoàng Quân, sinh năm 1993. Ngành nghề kinh doanh chính của Pika Lê theo đăng ký là sản xuất đồ uống không cồn, nước khoáng. Hiện, Nước Lê được phát triển theo hình thức nhượng quyền Nước Lê. Với mục tiêu có thêm nhiều cửa hàng trên cả nước, Nước Lê đang áp dụng chính sách nhượng quyền 0 đồng, mở ra cơ hội kinh doanh cho nhiều người.
Ngoài ra, vì phát triển theo mô hình take away, nhiều cơ sở đơn giản chỉ là một quầy hàng pha chế đặt trên vỉa hè, chi phí phát triển không quá cao đã giúp Nước Lê tăng nhanh số lượng điểm bán sau một thời gian ngắn.
Mô hình take away không mới tại Việt Nam song hình thức này chỉ thực sự phát triển trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 và khoảng thời gian sau đó, khi người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu, hướng đến sử dụng các sản phẩm có giá cả phải chăng và tiện lợi.
Nhiều thương hiệu lớn trong ngành đồ uống như Highlands Coffee, The Coffee House, Phúc Long… cũng đã từng phát triển mô hình này. Chẳng hạn, sau khi về tay Masan Group, Phúc Long đã phát triển hàng loạt các điểm bán take away nằm trong các cửa hàng tiện lợi, siêu thị WinMart nhằm tận dụng tập khách hàng sẵn có.
Lý giải về lợi thế mô hình bán mang đi, ông Lê Bá Nam Anh, cựu CEO The Coffee House, từng chia sẻ rằng: “Do thị trường ngày càng đông đúc, các thương hiệu trong phân khúc cao cấp phải gia tăng sức cạnh tranh bằng cách “đổ tiền” vào những mặt bằng đẹp ở vị trí trung tâm.
Việc này dẫn đến tình trạng The Coffee House mặc dù sở hữu doanh thu “khủng” nhưng thực tế vẫn lỗ nặng. Trước tình hình đó, thương hiệu buộc phải thay đổi chiến lược để mở rộng nguồn doanh thu”. Và mô hình kiosk có thể là biện pháp để chuỗi đồ uống lớn này tăng doanh thu trong khi không quá mất nhiều chi phí phát triển điểm bán.