Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa phê duyệt Chiến lược phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông lâm thủy sản đến năm 2030.
Theo chiến lược này, Việt Nam sẽ ưu tiên phát triển doanh nghiệp chế biến nông sản quy mô lớn, hiện đại, có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến; đồng thời duy trì cơ sở quy mô vừa và nhỏ. Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đầu tư phát triển cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản.
Ngành chế biến nông sản sẽ được phát triển hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mục tiêu năm 2025, cơ giới hóa trong sản xuất cây trồng chủ lực hơn 90%; sản xuất chăn nuôi gia súc, gia cầm hơn 80%; nuôi trồng thủy sản hơn 70%; đánh bắt, bảo quản trên tàu cá 85%.
Năm 2030, tốc độ giá trị gia tăng công nghiệp chế biến nông sản đạt 10%/năm; hơn 70% cơ sở chế biến, bảo quản nông sản có trình độ và năng lực công nghệ tiên tiến; tổn thất sau thu hoạch nông sản chủ lực giảm 1%.
Việt Nam cũng sẽ hình thành một số tập đoàn, doanh nghiệp chế biến nông sản hiện đại, có tiềm lực kinh tế và trình độ quản lý ngang tầm thế giới; các cụm công nghiệp chế biến nông sản gắn với vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa.
Nhà nước sẽ hoàn thiện chính sách theo hướng khuyến khích và tạo điều kiện tích tụ đất đai. Chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp và hỗ trợ cơ giới hóa được đẩy mạnh để hình thành trung tâm, cụm liên kết sản xuất - chế biến, bảo quản - tiêu thụ nông sản.
Lĩnh vực chế biến nông sản, máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ nông nghiệp sẽ được ưu đãi về thuế. Ba nhóm sản phẩm được chú trọng cơ giới đồng bộ là sản phẩm chủ lực quốc gia, cấp tỉnh và đặc sản địa phương.
Hồi tháng 6, Ban chấp hanh Trung ương ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trung ương yêu cầu đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai; phát triển nông nghiệp xanh, theo hướng hiện đại, chuyên canh hàng hóa tập trung quy mô lớn...
Hoài Anh