Dựa theo báo cáo phân tích một số cổ phiếu đáng quan tâm trước phiên 25/9 của một số công ty chứng khoán. Chúng tôi xin trích lược lại như sau:
BSC: Khuyến nghị đối với cổ phiếu SIP
Theo BSC, cổ phiếu SIP đang ở trong trạng thái tiếp tục tăng giá sau khi đã có sự điều chỉnh ngắn hạn vào đầu tháng 9. Thanh khoản cổ phiếu trong những phiên gần đây đang có chiều hướng giảm dần. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang ở trong trạng thái tích cực.
Trong phiên ngày 24/9, chỉ báo MACD vừa xuất hiện Golden Cross đồng thời chỉ báo RSI vẫn chưa đi vào vùng quá mua nên SIP tiềm năng sẽ duy trì đà tăng trong ngắn hạn. Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 79.5. Mục tiêu chốt lãi của SIP nằm tại mức 95, cắt lỗ nếu ngưỡng 76 bị xuyên thủng.
KBSV: Khuyến nghị đối với cổ phiếu VHC
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/9, cổ phiếu VHC giảm -0.5% xuống 42,800 VNĐ/cổ phiếu.
VHC thông báo tổng doanh thu xuất khẩu tháng 8 đạt 617 tỷ đồng (-5% YoY và -2% MoM), chủ yếu do sụt giảm ở doanh thu bán sản phẩm cá tra. Ngược lại, các sản phẩm khác như sản phẩm phụ, giá trị gia tăng, chăm sóc sức khỏe đều tăng trưởng.
Xét theo thị trường, doanh thu ở Mỹ tương đương cùng kỳ năm trước, châu Âu tăng 40% so cùng kỳ nhờ hưởng lợi bởi kênh bán lẻ hiện đại. Ngược lại, Trung Quốc và các thị trường khác giảm 26% và 13% so cùng kỳ năm trước do mức tồn kho tại các thị trường này vẫn cao.
MBS: Khuyến nghị đối với cổ phiếu FPT
MBS duy trì khuyến nghị MUA cho cổ phiếu FPT với các luận điểm sau: (1) Doanh thu chuyển đổi số tăng mạnh (+46%) trong bối cảnh ‘‘bình thường mới’’; (2) FPT có lợi thế cạnh tranh về nguồn lực nhân công với chất lượng cao và giá thành rẻ so với đối thủ; (3) giá trị hợp đồng dài hạn được kí trong tháng 8 đạt 1,500 tỷ, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ 2019.
8T/2020, doanh thu hợp nhất và LNTT của FPT lần lượt đạt 18,321 tỷ đồng và 3,343 tỷ đồng, tăng 7.6% và 11.7% so với cùng kì 2019. Tỷ suất lợi nhuận trước thuế được cải thiện so cùng kỳ, đạt 18.3% (năm 2019 đạt 17.6%) do tỉ trọng mảng dịch vụ chuyển đổi số và xuất khẩu phần mềm tiếp tục tăng lên
Dịch vụ CNTT nước ngoài của FPT dường như không bị ảnh hưởng bởi Covid-19, tăng trưởng 14.4% từ 6,798 lên 7,774 tỷ đồng 8T2020. Thị trường nội địa cũng ghi nhận nhiều hợp đồng dịch vụ CNTT mới trong tháng 8, đặc biệt là các sản phẩm Made-by-FPT có doanh thu tăng 40% so với cùng kì.
MBS dự phóng năm 2020 và 2021 FPT đạt lần lượt 12,712 tỷ đồng và 15,311 tỷ đồng doanh thu mảng Xuất khẩu phần mềm, tăng 19% và 20.5% cùng kỳ.
Xu hướng chuyển đổi số tiếp tục là động lực dẫn dắt tăng trưởng khối Công nghệ của FPT. Trong 8T2020, dịch vụ chuyển đổi số tăng trưởng 46% so với cùng kì, đạt 2,274 tỷ đồng.
FPT có những lợi thế về đa dạng sản phẩm và giá thành rẻ hơn các công ty nước ngoài, chính vì vậy FPT trúng thầu nhiều hợp đồng chuyển đổi số mới và đem về nguồn doanh thu lớn cho công ty, chiếm lần lượt 40% và 50% doanh thu mảng Xuất khẩu phần mềm năm 2020 và 2021.
Dự phóng doanh thu của FPT sẽ đạt 31,819 tỷ đồng và 36,025 tỷ đồng năm 2020 và 2021. Biên lợi nhuận ròng khoảng 14% năm 2020. Doanh thu chủ yếu tăng trưởng từ dịch vụ công nghệ chuyển đổi số, mang về lần lượt 5,085 tỷ đồng và 7,656 tỷ đồng năm 2020 và 2021, tăng khoảng 58.7% và 50.6% so với cùng kỳ.
Nhà đầu tư chỉ nên xem những phân tích của các công ty chứng khoán là nguồn thông tin tham khảo. Các công ty chứng khoán đều có khuyến cáo miễn trách nhiệm đối với những nhận định trên. KTDU và tác giả không chịu trách nhiệm về các thiệt hại phát sinh (nếu có) liên quan đến nội dung được đăng tải.
Tạ Thành