Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình phối hợp với Uỷ ban quốc gia UNESCO của Việt Nam; Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội thảo quốc tế: “Phát huy giá trị Di sản thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng trong xu thế hội nhập và phát triển bền vững".
Ông Phạm Hồng Thái, Giám đốc Ban quản lý Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cho biết: Hội thảo là diễn đàn để các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước và quốc tế trao đổi, thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, đưa ra các giải pháp, ý tưởng, đề xuất chính sách địa phương, thúc đẩy hợp tác quốc tế, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản trị Di sản, quản lý, bảo tồn và phát huy các giá trị của Di sản với tầm nhìn dài hạn.
Đại diện Bộ Ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của hội thảo quốc tế lần này và đánh giá cao chủ đề của hội thảo đã nắm bắt trúng, đúng xu thế của thế giới hướng tới phát triển xanh và bền vững. Giải quyết dung hòa và có cách tiếp cận công bằng giữa bảo tồn và phát triển, bảo vệ Di sản, bảo vệ tài sản chung quý giá của nhân loại. Điều này đã và đang được tỉnh Quảng Bình giành sự quan tâm cao và tập trung thực hiện rất tốt. Bộ ngoại giao, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sẽ tiếp tục đồng hành cùng tỉnh Quảng Bình để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị Di sản, tăng cường hợp tác quốc tế, thực hiện nghiêm Công ước Di sản Thế giới, đưa Di sản ngày càng phát triển cân bằng, bền vững.
Tại hội thảo, ông Michel Croft - Quyền Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO đã gửi lời cám ơn sâu sắc của tổ chức UNESCO đối với Chính phủ và nhân dân Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Bình và Ban Quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng, đánh giá cao những kết quả đã đạt được đặc biệt là sự chuyển mình của Di sản trong 20 năm qua, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ những nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát triển các giá trị của Di sản thiên nhiên thế giới VQG Phong Nha - Kẻ Bàng.
Hội thảo nhận được 26 bài tham luận và báo cáo khoa học trong đó có 13 bài trình bày tại Hội thảo. Xuyên suốt các bài tham luận, các nhà khoa học, các chuyên gia, diễn giả, đã nhấn mạnh đến những giá trị ngoại hạng toàn cầu tại VQG Phong Nha - Kẻ Bàng. Bên cạnh đó, là những ghi nhận về thành tựu và sự nỗ lực của tỉnh Quảng Bình trong việc bảo tồn, giữ gìn, quản lý và phát huy giá trị VQG Phong Nha – Kẻ Bàng trong suốt 20 năm qua. Kể từ khi được ghi danh, các giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học, hệ sinh thái của Phong Nha – Kẻ Bàng đã không nhừng được bảo vệ, bảo tồn và phát huy các giá trị.
Qua các phiên thảo luận, các nhà khoa học, các chuyên gia tham dự Hội thảo đều đánh giá, với thế mạnh của một Di sản thiên nhiên thế giới, với vẻ đẹp thiên nhiên và văn hóa nổi bật là điểm đến thu hút lượng du khách rất cao, Phong Nha - Kẻ Bàng là một trong những VQG triển khai hiệu quả nhất các hoạt động du lịch gắn với giáo dục môi trường và bảo tồn thiên nhiên.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị Di sản vẫn còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng không chỉ là Di sản thiên nhiên quý hiếm cần được bảo vệ, gìn giữ, mà còn là nguồn tài nguyên đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trên cơ sở nghiên cứu khoa học cũng như thực địa, tại Hội thảo, các nhà khoa học, diễn giả cũng đã “hiến kế” để VQG Phong Nha – Kẻ Bàng khắc phục được những hạn chế, phát triển hơn nữa.
Một chuyên gia An toàn hang động và quản lý, đào tạo (Hiệp hội Hang động Hoàng gia Anh) trình bày tham luận “Quản lý rủi ro trong hoạt động thám hiểm”. Theo chuyên gia này, việc tham gia các hoạt động mạo hiểm đã được triển khai từ lâu ở nhiều nơi trên thế giới và đang phát triển mạnh ở Việt Nam. Hiện, các tour du lịch mạo hiểm ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng là một trải nghiệm tuyệt vời và duy nhất. Do đó, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng các đơn vị cung cấp dịch vụ đang tuân theo thực hành từ thực tiễn tốt. Chuyên gia cũng khuyến nghị một số nội dung liên quan đến việc quản lý rủi ro trong hoạt động thám hiểm ở khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng như: Những đơn vị cung cấp dịch vụ được cấp phép mới được phép thực hiện; các tour du lịch phải được lên kế hoạch bài bản, cẩn thận; các thiết bị sử dụng phải đạt tiêu chuẩn; có phương án khẩn cấp nếu xảy ra sự cố; nâng cao việc đào tạo nhân viên và kiểm tra thường xuyên…
Bế mạc Hội thảo, ông Hồ An Phong, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh: “Chúng tôi lắng nghe có chọn lọc, sáng suốt và thận trọng, làm sao khai thác để phát triển, nhưng đồng thời phải giữ nguyên vẹn các giá trị di sản cho thế hệ mai sau, để bảo tồn nguyên vẹn, lâu dài cho thế giới. Chúng tôi cam kết, khẳng định sẽ làm hết sức mình để bảo tồn và khai thác Di sản một cách có hiệu quả, bền vững, đúng pháp luật và tuân thủ Công ước quốc tế; hợp tác chặt chẽ với tỉnh Khăm Muồn (nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào) để liên kết, hợp tác, phát triển quần thể danh thắng và du lịch độc đáo trong khu vực Đông Nam Á và thế giới”.
Bùi Tuấn