Phát triển bất động sản nghỉ dưỡng: Dư địa tốt, nhưng phải căn cơ

Dư địa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng, nhất là khu vực ven biển là điều không phải bàn cãi, nhưng để tối ưu dư địa đó thì cần phải có giải pháp căn cơ.

Dư địa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương ven biển là rất lớn.  
Dư địa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương ven biển là rất lớn.  
 

Những tín hiệu tích cực

Việc kích hoạt các cơ sở lưu trú, bất động sản nghỉ dưỡng ở Việt Nam sau Covid-19 khá suôn sẻ, khiến giới chuyên gia và doanh nghiệp tin tưởng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng có đà tăng mạnh theo nhịp hồi phục của ngành du lịch.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, chính sách kích cầu từ du lịch và hỗ trợ của Nhà nước là lực đẩy quan trọng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng hồi phục, lấy lại đà tăng trưởng và hứa hẹn là kênh đầu tư đem lại khả năng sinh lời cao.

Tại Tọa đàm về tiềm năng bất động sản nghỉ dưỡng ở khu kinh tế đặc biệt trong tương lai hậu Covid-19 vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Hà cho rằng, tiềm năng của thị trường là rất tích cực. Việt Nam đã có nhiều dự án tầm cỡ khu vực và thế giới, đạt tiêu chuẩn cao cấp, trải dài tại nhiều địa phương, nhất là khu vực ven biển Đà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang) và Vân Đồn (Quảng Ninh).

Thống kê sơ bộ của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, năm 2019, thị trường bất động sản du lịch, nhất là condotel tuy có dấu hiệu chững lại do những lùm xùm về chi trả lợi nhuận cam kết của chủ đầu tư cho nhà đầu tư thứ cấp, nhưng tổng nguồn cung vẫn đạt 18.425 sản phẩm, trong đó 6.700 sản phẩm được giao dịch thành công.

Theo ông Hà, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ghi nhận những tín hiệu tích cực nhờ Việt Nam được đánh giá là quốc gia kiểm soát tốt Covid-19. Nhiều dự án bất động sản du lịch ven biển đang được phát triển rầm rộ.

Thị trường này được dự báo sẽ có nguồn cung lớn từ Phú Quốc, Quy Nhơn, Quảng Bình, Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Bà Rịa - Vũng Tàu… Ngay tại miền Trung, các chủ đầu tư những dự án bất động sản nghỉ dưỡng lớn cũng sốt sắng trở lại thị trường. Trong tháng 6, Tập đoàn Nam Group dự kiến chào thị trường sản phẩm nhà phố thương mại nằm trong Tổ hợp du lịch, giải trí, nghỉ dưỡng và thể thao biển Thanh Long Bay (Bình Thuận) với quy mô hơn 90 ha.

Cũng tại Bình Thuận, Tập đoàn Novaland đang gấp rút thi công các hạng mục tiện ích, hạ tầng cơ bản của đại dự án NovaWorld Phan Thiết.

Căn cơ bài toán tổng thể

Bất động nghỉ dưỡng tại Vân Đồn và Phú Quốc đang trỗi dậy sau “bão” Covid-19, khi cả hai điểm đến du lịch hấp dẫn này đều được định hướng phát triển thành các khu kinh tế biển.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn được xác định là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp, là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế, Vân Đồn đang trỗi dậy, là nơi hội tụ của những nhà đầu tư chiến lược. Sự trỗi dậy của Vân Đồn có thể tương tự Singapore nhờ chính sách và sự đầu tư đúng đắn đã lột xác trong thời gian rất nhanh.

Theo các chuyên gia, trong khi tại các nước trong khu vực, phát triển du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng được kiểm soát chặt chẽ, thì ở Việt Nam còn khá lỏng lẻo. Không thể tiếp tục dễ dãi với cách làm du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng thiếu bài bản, bởi sẽ dẫn đến hậu quả về hạ tầng, làm xấu xí hình ảnh du lịch địa phương mà rộng ra là hình ảnh du lịch quốc gia.

Tuy nhiên, bài học từ phát triển hạ tầng du lịch Phú Quốc vẫn còn đó. Nếu không có quy hoạch phát triển du lịch đồng bộ với bất động sản nghỉ dưỡng, Vân Đồn dễ đi vào vết xe đổ của Phú Quốc.

Là địa bàn trọng điểm về du lịch, huyện đảo Phú Quốc thu hút nhiều dự án quy mô lớn, tập trung chủ yếu ở lĩnh vực nghỉ dưỡng. Nhưng trong quá trình cơ quan chức năng tỉnh Kiên Giang giao đất, thực hiện dự án ở Phú Quốc từ 2011 - 2017, đã gây ra hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, khiến không chỉ ngân sách thất thoát, mà quy hoạch nơi đây bị biến dạng.

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ (TTCP), tính đến ngày 31/12/2017, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc đã ban hành quyết định giao đất, cho thuê đất cho 80 tổ chức để thực hiện dự án đầu tư, với tổng diện tích hơn 2.069 ha. Qua thanh tra, Ban Quản lý Khu kinh tế Phú Quốc được xác định đã giao đất cho một số chủ đầu chưa phù hợp, hoặc vượt diện tích so với chỉ tiêu sử dụng đất theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

Quy hoạch là bài toán nhức nhối đối với Phú Quốc, khi mà mưa lớn kéo dài trong gần 10 ngày đầu tháng 8/2019 đã gây ngập nặng cục bộ trên đảo, gây thiệt hại khoảng 107 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Thế Điệp, Phó chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội, sự cố ngập lụt ở Phú Quốc bộc lộ rõ những bất cập trong quy hoạch hạ tầng và đấu nối các dự án bất động sản tại đây, nó cũng cho thấy các dự án nơi đây đã được triển khai một cách manh mún, thiếu đồng bộ.

Rõ ràng, dư địa phát triển bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương ven biển là rất lớn, nhưng tận dụng dư địa đó vào phát triển các địa phương ven biển đòi hỏi chính sách đồng bộ và cần có “nhạc trưởng” điều phối giữa quy hoạch phát triển du lịch và quy hoạch phát triển đô thị, tránh tình trạng “mạnh ai nấy làm”, cấp phép xây dựng ồ ạt những dự án nhỏ lẻ, manh mún mà không có hạ tầng đồng bộ.

Lê Quân
Theo Báo Đầu tư